Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Mai Hoa: Đạo đức người thầy không bao giờ thay đổi

(Sóng trẻ) – Vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề dạy học, vì vậy cái duyên đến với nghề giáo của cô Hoa cũng đến một cách rất tự nhiên. Những năm tháng tuổi thơ nhìn mẹ đứng lớp, xem cha giảng bài cái máu làm nghề đã thắm đượm trong cô tự lúc nào không hay. Thế rồi, cô học trò nhỏ năm nào đã quyết tâm thi đỗ Đại học Sư phạm, trở thành một Nhà giáo Ưu tú, một tấm gương nhiệt huyết, tận tâm cho bao thế hệ học sinh và giáo viên trường THPT Lý Nhân (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

33 năm theo đuổi nghề dạy học, nếm trải đủ những thăng trầm, buồn vui chuyện nghề, chuyện đời. Giờ đây, ngồi nhắc lại những kỷ niệm làm nghề, cô Hoa cũng không tránh khỏi những nỗi xúc động trào dâng.

Chúng tôi đến thăm cô vào một buổi chiều cuối thu, khi cả nước đang rộn ràng những hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo, và tất nhiên cô cũng tất bật với những đám học trò cũ năm nào về thăm. Gặp chúng tôi, cô cười hồn hậu và đón tiếp rất nhiệt tình như thể đón chào những đứa học trò nhỏ của mình vậy.

PV: Chào cô! Đầu tiên thì xin được chúc mừng cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Vậy đây có phải niềm tự hào lớn nhất trong sự nghiệp giáo dục của cô không?

Đúng vậy. Đây chính là niềm tự hào lớn nhất trong cả một đời đi dạy của tôi. Bởi nó không chỉ đơn thuần là một cái bằng khen hay danh hiệu mà nó chính là sự ghi nhận của mọi người về những đóng góp, cống hiến của bản thân. Làm nghề dạy học, không có gì hạnh phúc hơn là có vị thế trong lòng học sinh, đồng nghiệp và nhân dân.

eee70a262_2017.jpg

Cô Lê Thị Mai Hoa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu Tú năm 2017

PV: 33 năm làm nghề dạy học, được gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều thế hệ học sinh. Vậy có trường hợp nào đặc biệt khiến cô ấn tượng mãi không?

Đúng là 33 năm làm nghề giáo, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều học sinh. Mỗi em lại có một cá tính, một hoàn cảnh riêng. Để mà nói là ấn tượng nhất thì cũng rất là khó chọn. Nhưng mà tôi khá là nhớ một cậu học trò khóa 1987 - 1990 tên Toàn. Đó là một học trò vô cùng giàu nghị lực và tôi thực sự phải nói là rất khâm phục cái nghị lực to lớn của cậu ấy.

Sinh ra trong một gia đình rất nghèo, lại thêm phần mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình nên ban đầu cậu ấy rất tự ti. Nhưng mà tôi rất ấn tượng vì cậu ấy có một đôi mắt rất sáng, rất thông minh. Sau quá trình tìm hiểu, biết được hoàn cảnh của học trò, tôi đã đến gần hơn được với em. Mỗi khi cô trò có dịp tâm sự, trò chuyện, tôi đều bày tỏ mong muốn cậu ấy sẽ tự tin, mạnh dạn hơn. Và quả thực, cậu ấy đã cho tôi thấy sự trưởng thành lên từng ngày. Suốt những năm tháng còn học phổ thông, cậu ấy luôn là một học sinh giỏi, một lớp trưởng nan, nhiệt tình và gương mẫu. Đến bây giờ, dù đã trở thành một cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh liêm khiết, mẫu mực, cậu ấy vẫn không quên việc tập hợp các bạn về thăm trường lớp, thầy cô hàng năm.

Có lẽ, cái nghị lực vượt lên trên hoàn cảnh, sự quyết tâm trưởng thành, tiến bộ từng ngày cùng với tình cảm sâu sắc với thầy cô của bạn ấy đã khiến tôi ấn tượng mãi cho đến ngày hôm nay.

PV: Đối với những học sinh “cá biệt”, cô có kinh nghiệm, giải pháp gì để “uốn nắn” các em?

Rất may mắn là trong cuộc đời dạy học của mình, tôi chưa từng gặp một trường hợp nào để gọi là “học sinh cá biệt” cả. Có thể là cũng có những em rất cá tính, các em cũng có sự nổi loạn, nhưng sự nổi loạn của các em đều ở mức chấp nhận được. Cho nên tôi chưa bao giờ coi các em là “cá biệt” cả. Chỉ là các em đang bộc lộ cá tính của mình hơi mạnh một chút thôi. Nhưng mà nhìn chung, tôi nghĩ, với những trường hợp học sinh như thế, người làm thầy tuyệt nhiên không được mắng mỏ, trách phạt, đặc biệt là xúc phạm đến các em. Mà thay vào đó, hãy tìm cơ hội gần gũi, trò chuyện tâm sự một cách thật tự nhiên, thân mật nhất có thể. Hãy dùng chính sự bao dung của người làm giáo dục để dạy các em thành người chứ không phải dùng bạo lực (cả về bạo lực ngôn từ) để ép các em quy thuận.

PV: Có người cho rằng, trong thời điểm hiện tại, vai trò, vị thế của thầy, cô giáo đối với học sinh đã có nhiều khác biệt so với trước đây. Vì thế, quy định về đạo đức nhà giáo cũng cần phải thay đổi theo. Cô nghĩ sao về vấn đề này?

Nếu như vai trò của người thầy xưa là truyền thụ kiến thức, thì ngày nay, người thầy sẽ là người cung cấp cho học sinh chìa khóa mở ra những kho tàng tri thức, dẫn dắt, định hướng mỗi bước đi của học trò, truyền cho các em cảm hứng học tập, sáng tạo. Vị thế thì nhìn bề nài có thể thay đổi đôi chút chẳng hạn như: khoảng cách thầy, trò đã được kéo lại gần gũi, thân mật hơn. Tuy nhiên, trong lòng các em học sinh vẫn phải là sự nể phục, kính trọng. Không thể thay đổi.

Đạo đức nhà giáo không thể và không bao giờ thay đổi. Người làm thầy vẫn phải là tấm gương về đạo đức trong lòng nhân dân và học trò. Một số thầy cô vì cơm áo, gạo tiền mà đánh mất đi hình ảnh trước học trò như là ép học sinh học thêm, hành vi, ngôn từ không mô phạm,… song số đó không có nhiều. Về cơ bản thì học sinh vẫn rất kính yêu và tôn trọng thầy cô của mình.

eee70a262_i_8694.jpg

Cô Hoa khẳng định “Đạo đức người thầy không bao giờ thay đổi” và hết lòng yêu nghề, hết lòng vì học sinh là tâm niệm làm nghề lớn nhất của cô

PV: Hiện nay, bối cảnh giáo dục đang có nhiều sự việc rất đáng buồn, nhiều thầy cô giáo đã phải thốt lên những câu nói quặn lòng như: “Nghề giáo đã chẳng còn cao quý”. Cô nhận định thế nào về vấn đề này?

Nghề cao quý là do chính bản thân người làm nghề. Nếu nghề chân chính thì không có nghề nào là không cao quý. Nếu mình hết lòng vì nghề, yêu mến trò thì trò ắt sẽ trân quý mình. Có một số trường hợp trò hỗn láo, thậm trí sử dụng bạo lực với giáo viên có lẽ là do tác động của xã hội, mạng Internet. Nhưng những sự việc đó không phổ biến. Chính những giáo viên cũng cần phải xem lại cách giáo dục, ứng xử của mình để tìm hiểu nguyên nhân từ đó rút kinh nghiệm và tìm ra phương pháp giáo dục tốt và hiệu quả hơn. Tôi tin rằng nếu người thầy hết lòng yêu nghề, hết lòng vì học sinh sẽ luôn có được vị thế xứng đáng. Hạnh phúc của người thầy không gì hơn là được thấy học trò mình thành công và trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Tất nhiên, dạy học cũng chỉ là một nghề trong xã hội như bao nghề khác. Giáo viên cũng không nên quá ảo tưởng vào vị trí đặc biệt quan trọng của mình để đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi, để thấy mình đứng cao hơn những nghề nghiệp khác. Chỉ có điều lao động nhà giáo có đặc thù riêng là giáo dục con người. Sản phẩm lao động của nghề giáo thiên về tinh thần. Tấm gương đạo đức, trí tuệ, sáng tạo của nhà giáo tự thân có giá trị giáo dục lớn. Vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào nhà giáo luôn phải giữ mình trong sạch. Và nhiều khi đó lại trở thành nhiệm vụ “bất khả thi” khi nhà giáo bị gánh nặng áo cơm ghì sát đất, khi giáo viên không được tạo điều kiện tối thiểu để toàn tâm toàn ý với nghề.

Cảm ơn cô vì những chia sẻ chân thành. Chúc cô có một mùa 20/11 trọn vẹn niềm vui, niềm hạnh phúc.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN