Nhà vệ sinh công cộng “có cũng như không” trên địa bàn Hà Nội
(Sóng trẻ) - Nhà vệ sinh công cộng luôn là “nỗi ám ảnh” của người dân mỗi khi cần sử dụng. Dù là một đô thị với gần 10 triệu dân, Hà Nội chỉ có khoảng 400 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, nhiều trong số đó lại rơi vào tình trạng xuống cấp, bẩn thỉu, thậm chí còn có nơi diễn ra tình trạng thu phí người sử dụng.
Nhếch nhác cảnh nhà vệ sinh công cộng
Nhà vệ sinh công cộng là một dịch vụ thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giữ gìn mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, tại các quận trung tâm Hà Nội - nơi có mật độ dân cư đông đúc và nhu cầu sử dụng cao, nhiều nhà vệ sinh công cộng lại bị bỏ bê, hư hỏng nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực bến xe Mỹ Đình - nơi có lượng lớn người qua lại mỗi ngày, có khoảng 2-3 nhà vệ sinh công cộng. Những công trình này hỏng hóc nặng nề, thiếu sự chăm sóc. Đáng chú ý, nhiều người còn tận dụng khu vực phía trước nhà vệ sinh để bày bán hàng quán, khiến không gian trở nên lộn xộn, mất vệ sinh và gây bất tiện cho người dân khi có nhu cầu sử dụng.


Tại một nhà vệ sinh gần sân vận động Mỹ Đình, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng có thể thấy rõ: nắp bồn cầu bị mất, bồn vệ sinh và bồn rửa tay bị tận dụng làm nơi chứa đồ, không có giấy vệ sinh hay vòi xịt. Nguồn nước duy nhất chỉ là một chiếc thùng nhựa cũ đựng nước. Với cơ sở vật chất như vậy, các nhà vệ sinh công cộng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.

Ông Trịnh Văn Nhàn (50 tuổi, Nam Từ Liêm), là một tài xế công nghệ thường xuyên di chuyển trên đường, chia sẻ rằng dù có nhu cầu nhưng ông rất hiếm khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng vì lo ngại về điều kiện vệ sinh kém. Ông chỉ miễn cưỡng dùng trong những trường hợp bất khả kháng, nhưng mỗi lần như vậy đều là một trải nghiệm “đáng quên”.

Không chỉ người sử dụng, ngay cả những nhân viên vệ sinh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng. Chị N.T.V - nhân viên vệ sinh tại khu vực đường Nguyễn Hoàng cho biết, nhà vệ sinh ở đây không có nước vì chưa xin được điện.
“Hằng ngày, cứ mỗi khi khách sử dụng xong, tôi lại vào nhà vệ sinh kiểm tra để lấy nước cho người tiếp theo sử dụng. Tình trạng này có hầu hết ở các nhà vệ sinh trên địa bàn Hà Nội”, chị cho biết thêm.
Miễn phí hay thu phí trá hình?
Nhà vệ sinh công cộng được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, đặc biệt tại các khu vực đông người qua lại. Thế nhưng, thay vì thực sự miễn phí như quy định, nhiều nơi lại xuất hiện tình trạng thu phí một cách tinh vi. Người dân khi sử dụng nhà vệ sinh thường bị “gợi ý” đóng tiền dưới hình thức “tùy tâm” và khó có thể từ chối.
Chị Vân Khánh (37 tuổi, quận Cầu Giấy) thường đưa con gái lên phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, mỗi lần cần sử dụng nhà vệ sinh công cộng, chị không khỏi ngao ngán vì dù được ghi rõ là miễn phí, chị vẫn bị thu tiền một cách gượng ép.
“Nhà vệ sinh miễn phí, nhưng mỗi lần tôi và con gái sử dụng xong, luôn có nhân viên đứng ngay cửa, chỉ vào một chiếc giỏ nhựa đặt sẵn. Nếu không chủ động đóng góp, họ sẽ nói ‘cho cô xin chút tiền giấy lau dọn nhé’. Dù không bắt buộc, nhiều người ngại ánh mắt xung quanh nên đành rút ví bỏ tiền, ít thì 2.000 đồng, nhiều thì 5.000 đồng, chẳng ai dám đi ra tay không”, chị Khánh chia sẻ.

Thực tế, nhiều khu vực có nhà vệ sinh thu phí để duy trì vận hành và dọn dẹp vệ sinh. Tại bến xe Mỹ Đình, mức giá được niêm yết công khai 5.000 đồng/lượt. Tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng, chất lượng chưa tương xứng với số tiền bỏ ra.
Anh Hoàng Minh (42 tuổi, hành khách tuyến xe Hà Nội - Nam Định) bày tỏ: “Tôi đồng ý với việc thu phí nhà vệ sinh, vì thực tế cần có kinh phí để duy trì và dọn dẹp. Tuy nhiên, nếu đã thu tiền thì phải đảm bảo sạch sẽ, có đủ giấy vệ sinh, nước rửa tay và hệ thống xả nước hoạt động tốt. Nhiều nhà vệ sinh thu tiền nhưng vẫn bẩn, có mùi khó chịu, xuống cấp thì chưa hợp lý”.
Việc thu phí hay miễn phí nhà vệ sinh công cộng cần có sự minh bạch và phù hợp. Nếu địa phương quy định miễn phí, cần giám sát để tránh tình trạng thu phí trá hình, gây bức xúc trong dư luận. Ngược lại, nếu thu phí để duy trì chất lượng, cần đảm bảo mức thu phù hợp với chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng người dân mất tiền nhưng vẫn phải chịu cảnh vệ sinh kém chất lượng.