Nhiếp ảnh gia Hoài Thanh và “Chuyện không của riêng ai”
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh sinh năm 1963 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại
học Mỹ thuật năm 1985, nhiều năm công tác tại Hội Mỹ thuật Hà Nội, phụ
trách mỹ thuật tại một số công ty quảng cáo, báo và tạp chí. Hiện anh
làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng và công ty
truyền thông Ngày mới. |
Trong triển lãm ảnh Cuộc sống vẫn tiếp diễn lần 1 & 2, anh có nói: “Bắt đầu tiếp xúc với những nguời có HIV, tôi đã dần dần thay đổi những suy nghĩ về HIV và người nhiễm HIV”. Vì sao anh lại thay đổi suy nghĩ của mình?
Nhiếp ảnh gia Hoài Thanh (Ảnh NVCC)
Anh gặp gỡ, tiếp xúc với các nhân vật như thế nào và làm sao để họ chia sẻ về cuộc sống của họ?
Cách tốt nhất để tiếp xúc, gặp gỡ với họ chính là thái độ chân thành và tôn trọng. Sự chia sẻ của họ chỉ có được trên tinh thần làm việc hợp tác và vì lợi ích chung. Nguyên tắc là không đem lợi ích vật chất hay lợi ích cá nhân để kêu gọi sự hợp tác trong công việc mang tính xã hội như vậy. Hơn nữa tôi cũng không thể có đủ lợi ích vật chất hay bất kỳ một lợi ích nào để chia sẻ cho họ.
Những khó khăn của anh trong quá trình thực hiện các bộ ảnh là gì?
Khó khăn thì luôn có nhưng nếu biết tìm cách giải quyết thì khó khăn sẽ qua đi. Đôi khi tôi cũng gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm và thuyết phục mọi người tham gia. Nếu không thuyết phục được ai đó thì tôi vẫn luôn tôn trọng họ bởi họ cũng có những khó khăn không thể vượt qua.
Mỗi bức ảnh của anh là một góc tâm trạng con người, anh đã chụp những bức ảnh này một cách vô tình hay có sự chuẩn bị trước?
Con người luôn là thực thể phong phú, sống động. Mỗi con người là một thực thể khác nhau nên không thể chuẩn bị truớc mà phải tìm cách hiểu và cố gắng thể hiện lại một cách khách quan. Chính sự khách quan sẽ cho thấy những góc khác nhau trong mỗi con người.Tôi luôn cố gắng tìm hiểu và thể hiện thực tế sống động chứ không áp đặt các quan điểm hay các kiến thức mà mình biết vào đó.
Trong số những nhân vật đã gặp, anh ấn tượng với nhân vật nào nhất và đã bao giờ họ khiến anh thay đổi cả trong suy nghĩ và hành động chưa?
Một trong những người tác động lớn đến tôi là Phạm Thị Huệ. Chị Huệ bị lây HIV từ chồng. Cuộc sống lúc ấy của chị rất khó khăn do bị kỳ thị nhưng chị vẫn dũng cảm đứng trước ống kính của tôi, xuất hiện trước công chúng nói rằng tôi là NCH. Tiếp xúc với chị Huệ tôi nhận ra rằng chị đích thực là một cô gái thôn quê chân thật, chất phác, vậy mà chị vẫn là nạn nhân của căn bệnh này.
Tôi còn nhớ bữa cơm đầu tiên chị Huệ mời tôi không dám ăn, nhưng tới khi tôi sống, làm việc cùng chị, tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của người con gái thôn quê ấy. Ân hận vì những hành động kỳ thị của mình trước đó, tôi đã tới xin lỗi Huệ và quyết tâm làm một việc gì đó để thay đổi suy nghĩ của những người xung quanh về HIV.
Anh cảm thấy có điều gì mà anh trăn trở nhất hoặc chưa làm được cho các nhân vật trong bộ ảnh của mình?
Sức vóc cá nhân con người luôn nhỏ bé. Tôi không coi việc này là làm từ thiện nên không thể nói rằng điều gì tôi làm được và chưa làm được cho các nhân vật. Tôi chỉ cố là một người làm việc chuyên nghiệp, tức là trách nhiệm và nghĩa vụ công việc mà mình nhận hoặc tự nhận phải được hoàn thành một cách nghiêm túc.
Sau khi thực hiện bộ ảnh này, cuộc sống của những nhân vật này thay đổi như thế nào?
Có thành công, có thất bại nhưng nhìn chung là họ phát triển theo sự phát triển chung của xã hội. Chưa thể lượng hoá được tác động của những bộ ảnh này đến đời sống của các nhân vật nhưng hy vọng rằng nó góp phần nâng cao sự tự tin của họ và đưa đến cho xã hội những cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống của những NCH.
Đựơc biết, trong tương lai anh vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài về cộng đồng dễ bị tổn thương (như người đồng tính), tại sao anh lại có ý định theo đuổi đối tượng này lâu dài?
Trong xã hội, có những nhóm người yếu thế hoặc gọi cách khác là dễ bị tổn thương. Nếu nhìn nhận xã hội không công bằng thì sẽ đẩy họ tới những tình thế cô lập và dễ dẫn đến nhiều hệ quả khác. Việc giúp đỡ họ, đưa họ đến gần với cuộc sống cộng đồng là công việc không của riêng ai. Mỗi người có một hành động tích cực sẽ góp phần làm cho xã hội ổn định và hạnh phúc hơn…
Chỉ đơn giản là khi mình biết, mình có các điều kiện, năng lực để làm gì đó thì không nên đứng nhìn. Những người dễ bị tổn thương thì không chỉ có NCH, người sử dụng ma tuý, làm nghề mại dâm, đồng tính mà còn nhiều nhóm khác nữa như người khuyết tật, thiểu số, người không được đi học… Nếu ai đó có thể làm được gì đó để giúp họ thì chắc sẽ làm cả thôi.
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện cởi mở này!
Báo mạng điện tử K28
Học viện Báo chí và Tuyên truyền