Nhọc nhằn phận mưu sinh trên đường phố Hà Nội
(Sóng trẻ) - Giữa một Hà Nội phồn hoa, hào nhoáng vẫn còn đâu đó những giọt mồ hôi lau vội, những nỗi niềm trăn trở vì gánh nặng mưu sinh.
Đối lập với vẻ rực rỡ của những ánh đèn lung linh, huyền ảo đến mê hoặc lòng người, có một Hà Nội vẫn thấm đẫm giọt mồ hôi lau vội của những phận người mưu sinh vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.
Chị Nguyễn Thị Vinh (37 tuổi, quê Thái Bình) hằng ngày cùng chiếc xe đạp “cà tàng” rong ruổi xuôi ngược trên từng tuyến phố, con đường Hà Nội để thu m đồng nát. Đôi bàn tay gầy gò, chi chít những vết chai sạn của chị đi nhặt từng chiếc túi nilon, vài miếng nhôm sắt vụn, bìa cứng carton... để lo từng miếng ăn cho những đứa con thơ.
Chị Nguyễn Thị Vinh vẫn cần mẫn bới trong các xe rác để tìm đồng nát còn sót lại để kiếm thêm thu nhập
Nhắc đến nỗi vất vả mưu sinh, chị chia sẻ: “Tôi có hai cháu đang đi học, chồng lại thường xuyên đau ốm. Dù mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng vì chồng, vì con. Phận đàn bà, lại không nhiều chữ nên tôi chỉ biết ra thành phố để thu m đồng nát kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày được dăm ba chục nghìn cuối tháng gửi về cho các con. Tôi thường bới trong các xe rác để tìm những lon chai, bìa carton, công việc vô cùng mệt mỏi với những mùi hôi thối khó chịu”.
Ở cái tuổi 59, cô Lê Thị Mai (quê Hải Phòng) lên Hà Nội mưu sinh đến nay cũng hơn chục năm. Ở cái tuổi phải được nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu thì hằng ngày cô vẫn phải gánh hoa quả bán ở vỉa hè Hà Nội để trang trải cuộc sống. Kể về cuộc đời mình, cô bùi ngùi: “Những hôm trở trời bán hàng rất khó khăn vì căn bệnh thấp khớp lại hành hạ cô. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải gắng gượng thôi”.
Cô Mai với nỗi mưu sinh vất vả hằng ngày trên vỉa hè Hà Nội
Anh Đặng Văn Phú (quê Hà Nam) dù thân người nhỏ bé, sức khỏe không tốt nhưng hằng ngày với “đồ nghề” đánh giày, anh vẫn đi khắp các tuyến phố Hà Nội để kiếm thêm tiền gửi về cho các con ăn học. Khi được hỏi về những khó nhọc của công việc đánh giày, anh chia sẻ: “Mỗi đôi giày chỉ được 10.000 nhưng mình cứ tích góp, tiết kiệm để gửi về cho các con. Nhìn thấy các con đủ ăn và được đến trường là động lực để mình cố gắng”.
Anh Phú cẩn thận đánh giày cho khách trên vỉa hè đường Đào Tấn
Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng họ đều là những người lao động nghèo mang nỗi lo chung là gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Thi Phạm
Báo chí Đa phương tiện K34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận