Những điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến Mẫu Sơ
(Sóng trẻ) - Nếu chưa một lần ghé thăm Mẫu Sơn, chắc hẳn ai cũng đều ngờ vực về cái tên “đệ nhất hùng quan” gắn cho nơi đây. Thế nhưng, khi đã đến, người ta không khỏi bàng hoàng bởi tất cả những gì mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây.
Mẫu Sơn được biết đến là khu nghỉ dưỡng từ thời Pháp thuộc với hàng chục ngôi nhà cổ, giờ đã bỏ hoang. Người Pháp khá tinh tường trong việc chọn các điểm du lịch nghỉ dưỡng trên núi như Tam Đảo, Sa Pa, Mẫu Sơn… Thế nhưng, nếu cảm thấy quá ồn ào với những điểm dụ lịch đã đô thi hóa ở Tam Đảo hay Sa Pa, người ta có thể đến với một Mẫu Sơn “buồn tẻ” giống như “nàng công chúa” ngủ trong rừng.
Khu nhà cổ thời Pháp thuộc
Đến đây, bạn sẽ không chỉ tìm thấy một vùng khí hậu hai mùa điển hình, một vùng không khí trong sạch đến tinh khôi, hòa mình vào thiên nhiện để phóng tầm mắt ngắm chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc. Nài ra du khách còn có cơ hội khám phá không gian văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Dao. Tuy chỉ là một xã nhỏ nằm sát biên giới với Trung Quốc nhưng Mẫu Sơn cũng có một vài điểm đến thú vị không nên bỏ qua. Đa phần các điểm đến này nằm không cách xa nhau, nên hoàn toàn có thể đi lại trong ngày.
Bản của người Dao
Đến nay, những giá trị về bản sắc văn hóa thuần khiết, đa dạng của các đồng bào dân tộc vẫn đang hiện hữu tại đỉnh Mẫu Sơn. Vùng núi này là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày, nhưng chủ yếu là người Dao
Khi đến đây, ta sẽ thấy những căn nhà tường độc đáo, những thửa ruộng bậc thang; những rừng chanh, rừng đào, rừng chè; khe sâu, suối nguồn hoang sơ; đất đai trù phú cùng với những sắc màu váy áo sặc sỡ mang đậm bản sắc dân tộc.
Người dân tộc Dao trên đỉnh Mẫu Sơn
Thường thì, khi muốn khám phá bản Dao, du khách nên đi cùng người bản xứ. Bởi họ sẽ là người hiểu rõ và giới thiệu cặn kẽ về nền văn hoá thôn bản còn nguyên sơ của đồng bào dân tộc với những phong tục tập quán mang bản sắc văn hoá độc đáo, điển hình ở khu vực Mẫu Sơn.
Ở Mẫu Sơn, bản Khuổi Cấp là nơi tập trung sinh sống lâu đời của đồng bào người Dao. Cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc nhiều vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Ở đây, những bản sắc riêng về văn hóa, phong tục, tập quán vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, không pha trộn từ cách ăn, nếp ở, trang phục, phong tục thờ cúng, lễ hội… Chính vì thế, bản Khuổi Cấp đang là địa điểm du lịch văn hóa cộng đồng vô cùng hấp dẫn.
Đời sống sản xuất của người Dao
Hơn nữa, du khách cũng có thể hòa vào cuộc sống thôn bản để khám phá văn hóa qua những ngày Hội của đồng bào để cùng thưởng thức không khí lễ hội như lễ hội Du lịch văn hoá đầu năm, hội Lồng Tồng, phiên chợ tình (mỗi năm có một lần), ….
Phải nói rằng, khám phá văn hóa thôn bản luôn đem lại cho chúng ta những hiểu biết về giá trị văn hóa vô giá. Mẫu Sơn đáng là một nơi để mọi người tìm tòi, khám phá những bản sắc dân tộc mang dấu ấn của rừng núi Đông Bắc.
Linh địa cổ Mẫu Sơn
Khu linh địa cổ Mẫu Sơn nằm trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Đền được xây dựng để thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”.
Khi đến Mẫu Sơn, chúng ta sẽ được nghe những câu chuyện lưu truyền khắp thôn bản các dân tộc nơi đây về những bí ẩn lịch sử và bí mật về chủ nhân đã dày công xây dựng Linh địa cổ Mẫu Sơn. Thế nhưng, đến bây giờ, trải qua bao nhiêu năm, vẫn chưa có những bằng chứng cụ thể có thể khẳng định được tất cả chiều dài tồn tại của vùng núi Mẹ hoang vu kì bí này.
Khu linh địa cổ Mẫu Sơn
Lưng khu di tích tựa vào núi Mẹ Mẫu Sơn phía bắc hùng vĩ, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương – Lộc Bình phía nam sông nước đồng ruộng bao la, bên phải là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ, bên trái phía Đông là cánh rừng nguyên sinh mọc tươi tốt trên các ngọn núi. Đây là địa thế “đắc địa” có một không hai.
Ở đây, môi trường tự nhiên khá đa dạng và trong lành với những khe suối nhỏ, nhiều cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật nhiều tầng còn bảo lưu được những cây gỗ quý như Tùng la hán, Trầm hương, các loài hoa Đỗ quyên, Trúc rừng… Thấp hơn phía chân núi là các cánh rừng thông, tre nứa, các khoảng đồi bát ngát hoa sim, mua. Nhiều loại động thực vật hoang dã như lợn rừng, hươu, nai, các loại cầy, dúi, các loài chim…
Khu đền cổ và mộ đá trên khu linh địa cổ vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn vừa là nơi có di tích mộ đá lớn có ý nghĩa rất lớn về tín ngưỡng, tôn giáo. Thế nhưng, nó đơn thuần không chỉ là nơi thờ tự, hành lễ, lăng mộ, mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.
Hầm đá trong khi linh địa cổ Mẫu Sơn
Ở đây, hầm mộ đá với cấu trúc và quy mô lớn có vòm che và có nhiều khả năng theo kiểu quan trong nài quách. Nài ra, một hầm mộ khác có quy mô nhỏ hơn, được dựng theo kiểu trác thạch bằng cách lợi dụng hai tảng đá tự nhiên hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá. Trải qua nhiều năm, những hầm mộ đá cũng đã có chút bao mòn nên hình dáng cũng có thay đổi ít nhiều.
Trên một khu vực rộng lớn có rất nhiều tảng đá lớn nằm theo cụm hay đơn lẻ, một số tảng đá lớn có vết tích chế tác của con người. Qua kích thước và vết đục có thể nói những tảng đá này được khai thác làm nguyên liệu để xây dựng ngôi đền cổ. Các đập chắn nước phía trên ngôi đền lợi dụng địa thế của các dãy đá tự nhiên chạy ngang sườn núi có gia cố thêm bằng đá phiến
Suối Long Đầu
Suối Long Đầu là một trong những thắng cảnh và điểm du lịch sinh thái được nhiều người biết đến của tỉnh Lạng Sơn. Long Đầu trải dài trên địa phận 2 xã Mẫu Sơn và Yên Khoái của huyện Lộc Bình. Nhìn từ xa, con suối giống như một vạt vải vắt ngang giữa núi rừng.
Suối Long Đầu
Suối Long Đầu mang những nét rất hoang sơ đặc trưng của thắng cảnh vùng núi Mẫu Sơn. Suối kéo dài 10km, được bắt nguồn từ dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ có độ cao trên 1000m chảy theo hướng Bắc Nam qua những triền dốc, những khu rừng già của thôn Lặp Pịa về vùng thấp hơn. Lòng suối hẹp dốc tạo cho con suối rất nhiều thác ghềnh.Ở thượng nguồn có những thác nước rất lớn cao tới hơn 3m. Lòng suối ngổn ngang đá núi nhẵn phẳng như co bàn tay sắp đặt tài tình của tạo hóa.
Nhiều vách đá ngổn ngang
Thế nhưng, “nàng thơ” đôi khi cũng có lúc cáu bẳn. Long Đầu hung hăng, quật phăng dòng nước táp vào thành vách như trực cuốn trôi đi tất cả. Vẻ đẹp hiền hòa với dòng nước trong vắt mát lành vốn có sẽ mất đi mỗi khi mùa lũ đến.
Núi Phặt Chỉ
Với những người thích leo núi, thì Núi Phặt Chỉ luôn là điểm đến lí tưởng để mặc sức thám hiểm núi rừng. Núi Phặt Chỉ (tiếng địa phương) còn có tên gọi Phật Chỉ thuộc một phần của thôn Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Từ thành phố Lạng Sơn theo quốc lộ 4B (Lạng Sơn – Tiên Yên) đến Km14 rẽ trái theo đường 237A lên Khu du lịch Mẫu Sơn, đến km12 rẽ phải vào đường mòn xuyên cánh rừng nguyên sinh khoảng hơn 2 km là đến núi Phặt Chỉ.
Núi Phặt Chỉ được bao phủ một màu xanh trù phú
Núi Phặt Chỉ là 1 trong 3 ngọn núi khá lớn trong dãy núi phía Tây Nam vùng núi Mẫu Sơn có độ cao trung bình khoảng 1.000m so với mực nước biển. Đến đây, bạn sẽ có cảm giác treo leo giữa núi đồi Đông Bắc. Chỉ cần đưa tay ra thôi cũng đủ chạm tới mây trời. Chỉ cần phóng xa tầm mắt, ta cũng có thể thất toàn bộ khu núi Phặt Chỉ được che phủ bởi thảm cỏ xanh uốn lượn giữa các sườn đồi, xen kẽ những cánh rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, nhiều loài hoa, có cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi…tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, thoáng đãng và thơ mộng.
Núi luôn thu hút được những người ưa mạo hiểm, khám phá núi rừng
Không những vậy, bởi địa hình cao, kết hợp với khí hậu mang tính chất ôn đới núi cao nên nhiệt độ ở đây khá thấp và hầu như quanh năm ngày tháng nó được bao bọc bởi làn sương mờ ảo. Chính vì thế mà Phặt Chỉ cũng mang một chút kì bí, luôn có một ma lực luôn thu hút được sự tò mò muốn khám phá của những người ưa mạo hiểm, ưa khám phá.
Không chỉ có những điểm đặt chân này không thể bỏ lỡ này, Mẫu Sơn còn có rất nhiều những địa điểm thú vị khác mang đậm hơi vị của núi rừng Đông bắc. Tất thảy đều đem lại cho người ta cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, khám phá những cảnh vật, con người,… mà tạo hóa ưu ái cho nơi đây.
Hương Giang
Truyền hình 33A2
Cùng chuyên mục
Bình luận