Những phận đời thức giấc trước bình minh
(Sóng trẻ) - Khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ, nhiều kiếp người ngoài kia mới bắt đầu một ngày dài làm việc của mình. Cuộc sống mưu sinh khiến họ phải hy sinh giấc ngủ, chịu vất vả gấp nhiều lần người khác để tất bật nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Đêm muộn chẳng phải lúc để ngủ
Thời tiết Hà Nội đã chuyển sang rét buốt, đặc biệt là về đêm; nhưng những người bán hàng rong tại khu vực Chợ Nhà Xanh như chị Nguyễn Thị Thuý (28 tuổi, Dịch Vọng Hậu) lúc này mới bắt đầu dọn gánh hàng để buôn bán. Nhiều năm kinh doanh đồ ăn đường phố, chị đã quen với cảnh bắt đầu công việc khi đường phố gần như không còn bóng người.
Dù phải bán hàng khi trời đã về khuya, nhưng chị Thuý vẫn niềm nở phục vụ từng vị khách ghé sạp hàng nhỏ như chẳng hề biết mệt nhọc. Chị chia sẻ: “Khách đến mấy quán đồ ăn đường phố vào lúc hai, ba giờ sáng thế này thường chỉ có người trẻ đi chơi, đi hẹn hò thôi. Khi người ta được nghỉ ngơi, vui chơi thì mình lại đông khách. Cố gắng bán hàng khuya một chút cũng không sao”.
Cùng bán hàng với chị Thúy còn có những người buôn bán đồ ăn, quần áo, mỹ phẩm… tại khu vực Chợ Nhà Xanh (Dịch Vọng Hậu). Theo chị, dù vất vả đến mấy cũng không ai muốn nghỉ làm, vì thu nhập hàng ngày đã chẳng dư dả gì nhiều nên dù có muốn hay không cũng phải làm việc.
Cũng vào tờ mờ sáng, trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) vẫn còn bóng dáng các công nhân đào đường đêm khuya. Anh Bùi Tiến Thành (25 tuổi, Cầu Giấy) cùng các công nhân khác chỉ bắt đầu công việc xúc đất, đào đường khi phố xá không còn bóng người.
Chia sẻ với phóng viên, anh Thành cho biết: “Ban đầu làm việc thì thấy rất vất vả, khó khăn lớn nhất chắc chắn là không có thời gian ngủ. Phải tranh thủ chợp mắt buổi chiều hoặc chờ tới sáng hết việc thì mới về nhà ngủ bù”.
Công việc của anh Thành phải thực hiện vào đêm, khi trời sáng để hạn chế cản trở xe cộ qua lại. Không những thế, một vài công nhân còn phải chuẩn bị thêm áo phản quang, kiêm thêm nhiệm vụ điều hướng giao thông di chuyển qua khu vực đang thi công.
Những khó khăn âm thầm
Là người đã có nhiều năm buôn bán đêm, chị Thúy hiểu rõ những khó khăn có thể gặp phải khi kinh doanh trong khung giờ này. Theo đó, chị cho rằng những khi gánh hàng của mình bị lực lượng giữ gìn an ninh trật tự yêu cầu dẹp hàng là chuyện không chỉ chị mà cả những người bán buôn khác cũng đều không muốn gặp phải nhất.
“Mình biết là người ta yêu cầu mình dẹp hàng do lấn chiếm lòng đường, nhưng làm gì còn chỗ nào khác mà buôn bán. Vỉa hè thì bị ô tô, xe máy đỗ qua đêm người ta chiếm hết chỗ rồi. Mà mình bày quán phải xếp bàn xếp ghế, tốn nhiều không gian chứ có phải không đâu” - chị tâm sự.
Cũng theo chị Thúy, đôi khi chị còn bị quấy rầy bởi những người say rượu đi đêm ngoài đường. Mỗi khi gặp các gánh hàng rong như chị, họ sẽ đứng lại trêu chọc, phá phách; gây ảnh hưởng rất nhiều tới việc làm ăn.
Là công nhân làm đường ban đêm, anh Thành cũng gặp phải rất nhiều tình huống éo le trong quá trình làm việc. Anh chia sẻ, đào đường ban ngày thì sợ xe cộ khó lưu thông, nhưng đào đường ban đêm thì lại rất dễ bị người dân phản ánh vì tiếng ồn máy móc làm họ không ngủ được.
“Nhiều khi khổ chứ sung sướng gì. Trời chưa sáng đã phải ra đường, thiếu ngủ nên rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Bố mẹ tôi cũng khuyên tôi xem xét lại công việc thế nào, vì dù còn trẻ nhưng nhiều khi tôi cũng cảm thấy sức khỏe đi xuống rõ rệt do sinh hoạt không điều độ rồi” - anh Thành thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Cũng theo anh, kinh tế gia đình không mấy dư dả cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến anh sẵn sàng đánh đổi sức khỏe để làm việc vào tờ mờ sáng. Mỗi khi thấy nản lòng, anh đều nhớ tới bố mẹ, vợ con ở nhà như một cách để khích lệ bản thân tiếp tục cố gắng làm việc.
Bên cạnh chị Thúy, anh Thành; ngoài kia còn rất nhiều kiếp mưu sinh đêm muộn cũng từng ngày cố gắng làm việc, tự tìm kiếm động lực để kiếm sống. Họ đều có chung hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn để đền đáp cho mồ hôi, công sức họ miệt mài lao động trong những đêm dài.