Những trái tim thiện nguyện “không già”

(Sóng Trẻ) - Khi có tuổi, người ta thường chọn cho mình những thú vui nhàn nhã. Nhưng cũng có không ít người lớn tuổi đang lựa chọn một “thú vui”  ý nghĩa, đó là hoạt động thiện nguyện.

Năm 2005, trong một lần được gặp gỡ với Nguyễn Công Hùng – một người khuyết tật đã vượt lên số phận và trở thành hiệp sĩ Công nghệ Thông tin, ông Cương đã quyết định cùng Hùng thành lập Trung tâm Nghị lực sống để giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Dù mái tóc đã bạc nhưng tình nguyện viên Phú Cương vẫn tham gia tích cực vào hầu hết các chương trình và hoạt động của Trung tâm Nghị lực sống dù chương trình đó được tổ chức ngay tại Hà Nội, hay ở trên các tỉnh miền núi xa xôi…

Trung thu vừa rồi, Trung tâm Nghị lực sống có chuyến tình nguyện tại Yên Bái. Để có thể trao bánh kẹo, áo ấm đến tận tay những em nhỏ, ông không ngần ngại  vượt hơn 7 km đường rừng, trèo đèo lội suối. Nhưng “được nhìn thấy niềm vui trong mắt bọn trẻ là tôi dường như quên hết mệt nhọc”, ông Cương tâm sự.

Năm 2010, ông Cương tham gia làm điều phối viên cho dự án Chuồn chuồn tre. Những con chuồn chuồn tre được sản xuất bởi những người khuyết tật, sau đó đem bán tại Nhật Bản. Doanh thu sẽ dành để hỗ trợ những em học sinh THPT có hoàn cảnh khó khăn. Điều mà ông Cương tâm đắc nhất khi tham gia dự án này là cách làm đơn giản, không phô trương nhưng mang hiệu quả cao.

Nhiều người đùa, bảo ông: “Già rồi mà còn theo mấy đứa trẻ đi tình nguyện”, ông chỉ cười. Người khác lại hỏi “Làm thế có được gì không?”, ông chỉ giản dị chia sẻ: “Tôi được rất nhiều, được niềm vui, niềm hạnh phúc cho những mảnh đời còn gặp khó khăn, nhưng chỉ mất đi sự mệt mỏi mà thôi”. Luôn vui vẻ và tràn đầy năng lượng, sự có mặt của ông Cương là nguồn động viên tinh thần lớn cho những thành viên khác trong đoàn.


Ông Cương trong một hoạt động tình nguyện Áo ấm cho người khó tại Sơn La (Ảnh: vicongdong.vn)

Đối với ông Cương, hoạt động thiện nguyện dường như giúp cho bác “sạc pin” cuộc sống. Bởi ở đó, “Tôi tìm thấy nhiều niềm vui của cuộc sống, thấy tâm hồn hạnh phúc hơn và được chia sẻ rất nhiều. Mỗi lần đi thăm các trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, chia sẻ và giúp đỡ các em, tôi lại cảm thấy rất vui và hạnh phúc”.

Bà Lê Thị Thu Yến cũng là một trường hợp đặc biệt khác. Sinh năm 1952 và đã từng là một nữ hộ sinh, nhưng một tai nạn giao thông bất ngờ năm 1995 đã làm cho bà Yến bị liệt chân trái. Không chấp nhận chịu thua số phận, với nghị lực mạnh mẽ cùng sự đồng cảm sâu sắc, bà đã tình nguyện tham gia hoạt động xây dựng một Trung tâm hỗ trợ cho người khuyết tật và những người kém may mắn trong xã hội.

Đến năm 2005, bà Yến thành lập Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm nhân đạo Hải Yến. Bên cạnh việc truyền dạy nghề nghiệp và những kỹ năng sống cho người khuyết tật, bà Yến còn là Chi hội trưởng Chi hội người khuyết tật phường Tân Mai – quận Hoàng Mai. Từ đó, bà thường xuyên tham gia tích cực vào việc tuyên truyền động viên khích lệ người khuyết tật hòa nhập hơn với cộng đồng.

Thời gian gần đây, hàng tuần bà Yến đều đến chùa Bồ Đề, mua sách, kể chuyện cho các em nhỏ. Với bà, giáo dục tâm hồn cho trẻ nhỏ là điều đầu tiên cần làm. Và không gì làm tốt hơn là những câu chuyện cổ tích.


Bà Thu Yến hào hứng bên những quyển truyện 3D sẽ dành tặng cho những em nhỏ chùa Bồ Đề (Ảnh: Yến Hoa)

Đến với tình nguyện, bác Yến chấp nhận “hi sinh” nhiều thứ. Trung tâm nhân đạo do bà thành lập hoạt động không hiệu quả, bà mất một số tiền lớn. Gia đình cũng không ít lần lục đục tưởng chừng đi đến tan vỡ. Rồi bà phải dùng thuốc liều cao để giảm đau, sức khỏe cũng không được như trước…

Vượt qua những trở ngại đó, bà Yến vẫn hoạt động tích cực. Hiện bà đang ấp ủ kế hoạch dạy tin học miễn phí cho các bạn khuyết tật. Bởi theo bà, chỉ có công nghệ thông tin mới giúp người khuyết tật tiếp xúc với thế giới. Bên cạnh đó, bà còn nhiều dự định khác như mở lớp dạy nghề tại chùa Pháp Vân, chùa Bồ Đề, hiến tặng toàn bộ bộ sách Đông y cho cộng đồng và xây dựng thư viện Đông y…

Bà Yến tâm sự, dù có gặp nhiều khó khăn, nhưng bà chưa bao giờ có ý định dừng công việc tình nguyện của mình lại. Với bà, các bạn tình nguyện viên trẻ có sự năng động, sức khỏe, còn đối với những tình nguyện viên “già” như bà lại có sự chín chắn, sâu sắc. Thiện nguyện dành cho tất cả xã hội, và những người làm tình nguyện thì không có tuổi.

Không chỉ riêng ông Cương hay bà Yến, mà ở đâu đó ngay trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ vẫn bắt gặp những “bác tình nguyện viên” – những con người dù tuổi đã cao, nhưng vẫn đang miệt mài cống hiến cho xã hội với nhiệt huyết và tinh thần vì cộng đồng chẳng kém gì giới trẻ.

Yến Hoa, Minh Tâm, Hồng Lê, Lê Huế, Đình Khang

Báo mạng điện tử K28

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN