Ninh Bình: Nâng tầm du lịch với thương hiệu "Tuyệt sắc miền Cố đô"
(Sóng trẻ) - Ninh Bình, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ tinh hoa của lịch sử và vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, đang vươn mình mạnh mẽ với thương hiệu du lịch “Tuyệt sắc miền Cố đô”. Thương hiệu này không chỉ là lời khẳng định về vẻ đẹp độc đáo của Ninh Bình mà còn là cam kết về một điểm đến du lịch chất lượng, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Cách đây hơn 30 năm, khi mới tái lập, Ninh Bình là một tỉnh nghèo, lạc hậu và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, việc khai thác phát triển du lịch thời điểm đó còn rất mờ nhạt. Được sự hỗ trợ của Trung ương, của các tỉnh, thành phố và phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, Ninh Bình đã tích cực đổi mới, hội nhập phát triển tạo được những thành tích rất ấn tượng.
Trong đó lĩnh vực du lịch có sự phát triển nổi bật với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn, là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư tới với các dự án về du lịch, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, khu vui chơi giải trí… Đặc biệt, kể từ năm 2014 du lịch Ninh Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Từ đây đã tạo ra thế và lực cho tỉnh trong việc khai thác du lich xanh gắn với phát triển bền vững. Thương hiệu du lịch Ninh Bình ngày càng được ghi dấu đậm nét trên bản đồ trong nước và quốc tế.

Theo Sở Du lịch, giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Giai đoạn 2020-2021 do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Ninh Bình bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hoạt động du lịch của tỉnh năm 2022 đã nhanh chóng phục hồi trở lại; ước đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 60 nghìn khách du lịch quốc tế. Đặc biệt, năm 2024 ngành Du lịch Ninh Bình tăng tốc phát triển mạnh mẽ khi đón 8,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 30% so với 2023, tăng 14% so với năm 2019 (năm cao nhất trước đại dịch), trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu trên 9.100 tỷ đồng.
Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam khi thuộc nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới; nhiều năm liền được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn như Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024; Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông…
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Nhận thức rõ tiềm năng thế mạnh, Ninh Bình đã có định hướng về tầm nhìn, chiến lược rõ ràng, đó là xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch - một điểm đến du lịch hàng đầu ở Việt Nam và khu vực với thương hiệu “Tuyệt sắc miền Cố đô”. Những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ song song với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm bản sắc của vùng đất Cố đô”.
Trong đó, ngành đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với slogan “Ninh Bình – Tuyệt sắc miền Cố đô”. Đồng thời đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn riêng, mang chiều sâu văn hóa và có chất lượng, không chỉ về cảnh quan tự nhiên, về du lịch sinh thái, mà là những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị hội thảo, hay những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt để tạo ra thương hiệu “Tuyệt sắc miền Cố đô”. Nhiều sản phẩm du lịch đã được khẳng định trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, và tạo nên thương hiệu của tỉnh như khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Vườn Quốc gia Cúc Phương cùng vô vàn ẩm thực độc đáo.
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, ẩm thực đã được xây dựng và phát triển thành các sản phẩm du lịch nổi bật như: Lễ hội Hoa Lư, Tràng An, Tuần Du lịch Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An, Festival Tràng An Kết nối Di sản,… Không chỉ xây dựng hình ảnh thương hiệu “Tuyệt sắc miền Cố đô” với các sản phẩm du lịch, ngành cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, hiếu khách.

Ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương hiệu du lịch ở thị trường trong nước, tỉnh Ninh Bình cũng tập trung khai thác thế mạnh truyền thông, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đối với thị trường quốc tế để hiện thực hóa khát vọng đưa Ninh Bình trở thành điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực. “Tiêu biểu trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình tại Tokyo, với chủ đề “Tuyệt sắc miền Cố đô”, đưa Ninh Bình là một trong những địa phương tiên phong của Việt Nam trong tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch tại Nhật Bản. Ngoài ra, ngành cũng tập trung xúc tiến ở các thị trường khách truyền thống, trong đó tập trung vào thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức,…” – Giám đốc Sở Du lịch thông tin.
Để tiếp tục khẳng vị thế và thương hiệu, ngành Du lịch Ninh Bình đang tập trung nhiều giải pháp phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Trong đó, tập trung phát triển 5 loại hình gồm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và tham quan thắng cảnh; du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn; du lịch thể thao. Mỗi loại hình sẽ có những đặc trưng, sản phẩm riêng. Mục tiêu là giới thiệu cảnh quan, thiên nhiên, văn hóa con người vùng đất Cố đô Hoa Lư. Qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng, cư dân và du khách trong việc bảo tồn và khai thác di sản một cách bền vững; đồng thời kéo dài thời gian lưu trú của du khách; tạo công ăn việc làm ổn định, đời sống hạnh phúc cho người dân nhất là cư dân trong khu vực di sản.
Với những nỗ lực không ngừng, Ninh Bình đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới. Thương hiệu “Tuyệt sắc miền Cố đô” sẽ là động lực để Ninh Bình tiếp tục phát triển, trở thành một điểm đến hấp dẫn và bền vững. Từ đó hiện thực hóa khát vọng đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực trong tương lai không xa.