Nỗi niềm đi làm xuyên Tết của giới trẻ
(Sóng trẻ) - Lễ tết là khoảng thời gian những người con xa quê trở về nhà sau một năm xa cách. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, một số bạn trẻ lựa chọn ở lại thành phố để làm việc.
Nỗi lo “cơm áo gạo tiền”
Thực trạng “nghiện” công việc đang gia tăng ở giới trẻ bởi họ tin rằng làm việc càng nhiều càng giúp gia tăng thu nhập, giảm đi nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Trường hợp của Phạm Hòa - một lập trình viên 21 tuổi là một ví dụ.
Dịp cuối năm, áp lực về lương thưởng càng thôi thúc Hoà đặt ra nhiều mục tiêu, kế hoạch để cố gắng. Chàng trai trẻ thấy phấn chấn khi nỗ lực làm công việc yêu thích dù phải đánh đổi thời gian dành cho bản thân và gia đình.
Phạm Hòa chia sẻ: “Cảm giác đó như ‘liều thuốc’ kích thích tinh thần, thậm chí khiến mình cảm thấy an toàn trước nỗi sợ thua kém bạn bè đồng trang lứa. Đặc biệt với nghề lập trình viên vốn có sức cạnh tranh khốc liệt, nếu không đổi mới và cập nhật liên tục thì việc chững lại và bị đào thải khỏi thị trường lao động là điều chắc chắn”.
Tuy nhiên, điều đó cũng khiến Hòa gặp nhiều hệ lụy về sức khỏe. Thường xuyên thức thâu đêm, làm việc trước máy tính nhiều giờ đồng hồ gây suy giảm thị lực kèm theo triệu chứng nhức mỏi toàn thân. Mặt khác, các mối quan hệ bạn bè, gia đình cũng dần mất kết nối, Hòa cảm thấy mình bị tách khỏi nhịp sống đời thường.
Không gặp nhiều áp lực công việc như trường hợp kể trên, nhưng bạn Đức Hoà (20 tuổi) hiện là sinh viên năm 2 tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chọn làm phục vụ, bưng bê tại các quán cà phê xuyên Tết để kiếm thêm thu nhập. Đức Hòa cho biết Tết là dịp cao điểm của ngành dịch vụ, cần huy động nhiều nhân lực, cộng thêm lương thưởng cao gấp đôi so với ngày thường.
Đồng thời, với nhiều sinh viên chưa đủ năng lực tìm việc làm ổn định thì đây cũng là một cách để chia sẻ khó khăn với gia đình.“Cũng vì hoàn cảnh nên mình tranh thủ làm thêm trong thời gian lễ tết. Phần lương thưởng phần nào giúp bố mẹ mình vơi bớt gánh nặng tài chính”, Đức Hòa chia sẻ thêm.
Công việc không thể xoa dịu nỗi nhớ nhà
Vừa tốt nghiệp đại học, Trần Quang Chiến (22 tuổi) may mắn tìm được công việc chuyên viên nghiên cứu nội thất cho một công ty nước ngoài. Tuy nhiên, anh cảm thấy hụt hẫng khi công ty thông báo phải đón Tết xa nhà.
Quang Chiến cho biết: “Do môi trường thường xuyên làm việc với người nước ngoài nên Tết âm không khác gì Tết dương, thời gian nghỉ cũng chỉ vẻn vẹn 1 ngày”. Bên cạnh đó, tính chất công việc khiến Chiến liên tục phải tăng ca để chỉnh sửa bản vẽ hồ sơ dự án . Dù nhận được nhiều lợi ích về chế độ lương thưởng và cơ hội thăng tiến, việc không thể về quê đón Tết vẫn là điều thiệt thòi.
“Đây là năm đầu tiên mình đón Tết xa gia đình. Mình buồn và trống vắng vô cùng khi không được đoàn tụ với người thân, không thể cảm nhận sự ấm cúng của ngày Tết sum vầy”, Quang Chiến bộc bạch.
Tuy vậy, đối với các bạn trẻ như Phạm Hòa, Đức Hòa hay Quang Chiến, gia đình luôn là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, họ luôn cố gắng sắp xếp thời gian để liên lạc, hỏi thăm bố mẹ. Đồng thời tranh thủ gửi những món quà Tết sớm về cho gia đình.