Nữ sinh trường Báo dành 4 tháng cùng Bình Dương chống dịch: “Tình nguyện đi, tình yêu sẽ đến!”

(Sóng trẻ) - Vốn đam mê hoạt động tình nguyện từ những năm cấp 2, cấp 3, trước khi tham gia chống dịch tại Bình Dương, Nguyễn Thùy Dung (sinh năm 2000) cũng là một đội viên hoạt động tích cực trong Đội Tình nguyện Xung kích (trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền). 

image7.jpg
Tham gia chống dịch, Dung lại càng thấy thấm thía hơn tinh thần của Đội:“Tình nguyện đi, tình yêu sẽ đến” (Ảnh: NVCC)

 

“Mình phải mất 1 tuần suy nghĩ, phân vân không biết nên đi hay không, vừa lo lắng lại vừa thấy tình hình dịch bệnh tại Bình Dương ngày càng nghiêm trọng. Sau cùng, mình vẫn quyết định tham gia vào đội ngũ chống dịch với mong muốn góp chút công sức cho địa phương sớm vượt qua dịch bệnh”.

Đó là những chia sẻ của Thùy Dung, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi nhớ lại những ngày tháng băn khoăn giữa việc: Đi hay Ở? Đến nay, Dung đã đồng hành cùng Bình Dương chống dịch 4 tháng, khó khăn gian khổ không thiếu nhưng đối với cô, tất cả đều là kỷ niệm ý nghĩa và khó quên.

Trước khi tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống Covid, bố mẹ của Dung rất phản đối và lo lắng vì Bình Dương khi ấy là tâm dịch, hơn nữa lại phải xa gia đình hàng ngàn cây số. 

Dung tâm sự: “Ban đầu, khi quyết định đi mình cũng không dám nói với ai cả, chỉ có duy nhất 1 người bạn mình biết. Trước khi đi 3 ngày mới dám kể với bố mẹ, bố mẹ khi ấy cũng phản đối nhưng thấy mình quyết tâm quá với cả cũng sắp đi rồi, không thể hủy được nên mới cho đi. Đến bây giờ là 4 tháng mình chưa được gặp gia đình, chỉ thỉnh thoảng call video với mẹ. Mẹ cũng trách mình đi lâu nhưng mình cũng đành cười thôi”.

Ấm tình nhân dân, thắm tình đồng đội

4 tháng tham gia chống dịch, Thùy Dung hoạt động cùng “Đội hình Tình nguyện viên phản ứng nhanh tỉnh Đoàn Bình Dương”, có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ phân phát lương thực cho người dân trên địa bàn các huyện: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên... 

“Tuần đầu mình cảm thấy khá mệt vì thường phải đi lấy mẫu đến 2-3 giờ sáng mới được về nhà, sau đó 6 rưỡi sáng lại phải dậy để bắt đầu công việc ngày mới. Tuy nhiên, mọi người ở đây vô cùng vui vẻ, lên xe là cười nói nhộn nhịp, bao nhiêu mệt mỏi của mình thế là được xua bớt đi, mình được tiếp thêm năng lượng”, Dung chia sẻ.

image3.jpg

Thùy Dung cùng đồng đội tranh thủ nghỉ trưa sau khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm (Ảnh: NVCC)

image4.jpg
Thùy Dung và đồng đội tranh thủ ăn bữa trưa “cơm bụi” sau khi làm việc (Ảnh: NVCC)

 

 

image9.jpg
Trong thời điểm miền Nam đang ở trong mùa mưa, Dung và những người đồng đội của mình vẫn phải liên tục đi lấy mẫu xét nghiệm hoặc phân phát đồ ăn cho gần 43.000 hộ dân mỗi ngày (Ảnh: NVCC)

 

 

Dung kể, nhiều hôm đang xét nghiệm ngoài trời mà đổ mưa đột xuất, có khi ngập cả đường. Thông thường, cả đoàn sẽ ngưng làm vì điểm lấy mẫu ở ngoài trời mà mưa gió cũng ảnh hưởng kết quả, nhưng nhiều khi người dân vẫn mong muốn được xét nghiệm và đứng mưa chờ kết quả nên cả đoàn lại tiếp tục cùng nhau che ô, che bạt, chắn gió tiếp tục lấy mẫu. 

“Hay những ngày trời mưa to đến mức có mặc áo mưa vẫn ướt đầu, trên tỉnh cấp về đồ đông lạnh nên cả đội phải đi phát ngay trong ngày nếu không đồ sẽ hỏng. Đi phát đến 2-3 giờ sáng, gõ cửa nhà dân còn bị người ta mắng nhưng vẫn phải làm vì nếu không phát, đồ mà hỏng mình mang đi bỏ thì rất phí vì còn nhiều gia đình không có đồ ăn. Nói chung trời có mưa to nữa thì đội vẫn sẽ đi vì còn liên quan đến sinh hoạt cuộc sống của dân.”, Dung chia sẻ.

image6.jpg
“Công việc này là dân còn chờ là mình vẫn phải làm, chứ không phải mình muốn nghỉ là nghỉ” - Thùy Dung chia sẻ (Ảnh: NVCC)
image8.jpg
Thùy Dung khi đi phát lương thực vào ngày mưa (Ảnh: NVCC)

 

Câu chuyện khó quên

Một trong những câu chuyện xúc động đến khó quên mà Dung chia sẻ đã tiếp thêm cho cô động lực tiếp tục chung sức cùng miền Nam dập dịch: 

“Ngày hôm đó, mình tham gia lấy mẫu tại Dĩ An, có 2 ba con dẫn nhau ra xét nghiệm. Khi trả kết quả, mẫu của người ba dương tính, còn bé con âm tính. Trước khi đưa người ba đi cách ly, mình ra nói chú gọi điện về cho người nhà gửi quần áo để đi cách ly. Lúc đó, mình nhận ra chú thần kinh cũng không được bình thường cho lắm.

Mình ra gặp và nói chuyện với em bé kia thì được biết em và ba thuê trọ ở đây và không có người thân người quen nào bên cạnh, chỉ có 2 ba con sống cùng nhau. Mình nhớ khi nói với em là ba dương tính, em bần thần, nhìn mình với ánh mắt vô hồn, khiến mình vô cùng buồn và thương xót.

image5.jpg
Thùy Dung khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân (Ảnh: NVCC)

 

Một lúc sau em bé quay lại và hỏi mình “Ba em bị hả chị?”, chả hiểu sao lúc đó mình đang bình thường mà nghe câu hỏi đấy mình tự nhiên bật khóc, nước mắt cứ chảy xuống. Nhìn em bé tí con mà ba lại như thế, mình thấy rất thương. Mình đoán em cũng phải tự lập từ sớm và gánh vác nhiều thay cho người ba.

Sau đó em về nhà và lấy đồ cho ba đi điều trị. Khi chiếc xe chở F0 và ba em lăn bánh đi xa, em vẫn cứ đứng nhìn mãi. Đến tận lúc đóng điểm vẫn thấy em đứng ở đấy, cả đoàn khuyên mãi mới chịu về. Trông theo bóng em, mình thấy lo cho những ngày tháng tới em phải bươn chải một mình khi xa ba”.

Bên cạnh đó, tình cảm bạn bè, đồng đội cũng là điều mà Dung cảm thấy nhớ trong những ngày đi tình nguyện. Theo Dung kể, mặc dù trong thời điểm giãn cách xã hội, kinh tế đóng băng vô cùng khó khăn, để kiếm được một chiếc bánh thôi cũng không dễ dàng gì. Thế nhưng anh em bạn bè vẫn nỗ lực, cố gắng đến cùng để tổ chức sinh nhật cho Thùy Dung.

“Ngày sinh nhật không quá hoành tráng, chỉ có chiếc bánh kem và vài món ăn bình thường nhưng mọi người tham gia rất vui, điều đó cũng đủ khiến mình ấm lòng và xúc động vô cùng. Mình cảm thấy câu nói “Tình nguyện đi, tình yêu sẽ đến” là rất đúng. Đến giờ, mình đã coi anh chị em trong đội là người thân, như anh em ruột trong nhà rồi. Tình yêu với mình là tình đồng đội, tình bạn bè, mình thấy nó còn quý hơn rất rất nhiều tình cảm yêu đương nam nữ bình thường”, Dung chia sẻ.

Tình nguyện đi, tình duyên cũng đến…

Khi đi chống dịch, Thùy Dung chỉ quan tâm một điều duy nhất rằng liệu mình có thể giúp được chút công sức nào cho Bình Dương sớm hết dịch hay không? Với suy nghĩ ấp ủ đó, Dung dành hết tâm sức và thời gian đồng hành cùng Bình Dương chống dịch.

Thế nhưng, cô gái xinh đẹp, dịu dàng nhưng vô cùng mạnh mẽ vượt hơn ngàn cây số vào tâm dịch đã gây được thiện cảm với Trung úy Phùng Sĩ Quân (thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4). Trung úy chia sẻ rằng, ngay lần đầu gặp gỡ, anh đã rất ấn tượng với cô gái năng động, nhiệt tình lại có tinh thần trách nhiệm cao.

image2.jpg
Thùy Dung và lực lượng quân đội phối hợp thực hiện công việc phân phát lương thực, thực phẩm cho các hộ dân (Ảnh: NVCC)

 

“Ban đầu mình thực sự không có ấn tượng gì đặc biệt với anh quân nhân này. Nhưng sau một thời gian làm cùng nhau tại kho lương, đi phân phát thực phẩm, nói chuyện qua lại thì mình dần có cảm tình với anh ấy. Sau đó, 2 đứa ban ngày làm nhiệm vụ, tối về hỏi han sức khỏe và công việc của nhau, lâu dần thì nảy sinh tình cảm. Gần đến ngày rút quân khỏi Bình Dương, mình và anh mới xác định mối quan hệ”, Dung tâm sự.

Nguyễn Thùy Dung và anh Phùng Sĩ Quân đều là những người trẻ đầy nhiệt huyết với công tác phòng, chống dịch. Cả hai hy vọng đất nước sớm ngày “khỏi bệnh” và trở lại cuộc sống yên bình. Để làm được điều đó, Dung và Quân đều mong mỏi được góp chút sức nhỏ trong cuộc chiến này. Đôi bạn trẻ cũng gửi tới những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch những lời chúc sức khỏe, an toàn để hoàn thành tốt công tác chống dịch, sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường.

image1.jpg
Thùy Dung và lực lượng quân đội thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (Ảnh: NVCC)

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN