PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng: “Chúng tôi “đam mê, thân thiện, nhiệt tình”
(Sóng trẻ) - Trẻ trung, nhiệt huyết, yêu nghề là 3 tính từ chúng tôi hình dung về cô Đinh Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình sau hơn 2 tiếng trò chuyện. Chẳng ai có thể sống hai cuộc đời, vì thế hãy cứ "làm việc mình yêu và yêu việc mình làm", với cô, cô tìm thấy trọn vẹn 2 điều đấy ở Phát thanh. Dù là cô sinh viên năm nhất chập chững bước vào trường, một cô giảng viên trẻ trung, xinh xắn với chất giọng dịu dàng hay với cương vị là Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình thì tình yêu Phát thanh ấy vẫn chưa bao giờ vơi đi…

PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình
Có rất nhiều ngành học 'hot', mang lại cơ hội việc làm cao, tại sao cô lại quyết định chọn Phát thanh để gắn bó?
Phát thanh là một chuyên ngành đặc thù. Thế giới của Phát thanh vô cùng thú vị với sự phong phú của lời nói, tiếng động và âm nhạc, với sự thân mật, gần gũi trong cảm xúc. Đó còn là 1 loại hình báo chí mang đến cho công chúng sự tiện lợi đặc biệt trong tiếp nhận.
Tôi chọn Phát thanh vì thích, vì duyên nghề!
Lúc mới lên đại học, phải xa nhà nhiều ngày như vậy, cô có nhớ nhà nhiều không? Môi trường học tập ở học viện mình khá năng động, có lúc nào cô cảm thấy bị áp lực không?
Hihi! Nhớ nhà, ít tiền, thích trải nghiệm ngay trong khi cảm thấy áp lực là cảm giác chung của các thế hệ sinh viên. Tôi cũng vậy. Mỗi khi bị áp lực, tôi thường nhìn vào mục tiêu của mình để hiểu mình cần làm gì. Vượt qua áp lực là một cảm giác tuyệt nhỉ các bạn!
Nhiều bạn sinh viên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những cám dỗ về tiền bạc, thú vui cá nhân, với kinh nghiệm của một người từng trải cô có lời khuyên, “bí kíp” nào cho các bạn không?
Bí kíp là mục tiêu. Mục tiêu tốt sẽ soi sáng con đường để bạn lựa chọn tốt, cho bạn động lực để vượt qua áp lực. Bạn cần có mục tiêu về học tập, mục tiêu về công việc, mục tiêu về xây dựng con người bạn.
Sau khi học xong chuyên ngành phát thanh, nhiều người chọn làm việc ở các đài phát thanh hoặc các lĩnh vực khác, điều gì khiến cô vẫn quyết định ở lại trở thành giảng viên của Học viện?
Một tình yêu tự nhiên đối với các bạn trẻ, với việc chia sẻ niềm đam mê đã dẫn dắt tôi ở lại làm giảng viên. Và cho đến bây giờ, tôi luôn thấy niềm vui và sự hứng khởi khi làm việc với các em dù trên bục giảng hay khi sản xuất chương trình, họp Câu lạc bộ…
Nếu dùng 3 tính từ để miêu tả về tổ phát thanh, đó sẽ là những tính từ nào?
Chúng tôi “đam mê, thân thiện, nhiệt tình”.

PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình
Một kỉ niệm mà cô nhớ nhất trong khoảng thời gian là giảng viên?
Đó là những ngày đầu tiên cô trò cùng tổ chức sản xuất chương trình Phát thanh Sóng trẻ cho Đài PTTH Hà Nội. Cô trò làm việc quên ăn quên ngủ mấy ngày liền để hoàn thiện nhạc hiệu, làm bản tin và diễn đàn. Hết giờ, các em sinh viên làm luôn ở dưới chân cầu thang, mấy cái bánh mì để bên cạnh. Mà khi chương trình hoàn thiện, lên sóng, cô trò vui sướng không tả xiết. Sau này, khi đã vào nếp, các bạn làm quen tay, làm nhanh và thuận lợi hơn nhiều. Chương trình Phát thanh Sóng trẻ cũng đã 10 tuổi rồi đó!
Trước tình hình của dịch COVID-19, nhà trường đã áp dụng việc dạy học online, cô có kỉ niệm nào vui trong những lần "lên lớp online" không ạ?
Dạy online cũng có những điều đặc biệt. Xúc động là khi các bạn sinh viên ngay trong mùa dịch vẫn hoàn thiện tác phẩm, chương trình theo bài tập cô giao. Các bạn ấy sử dụng mạng xã hội để kết nối nhân vật và phỏng vấn, quan sát những con đường, khu chợ vắng tanh để phản ánh hiện trường... Nói chung, sức sáng tạo của các bạn sinh viên thật không có giới hạn.

Một giờ dạy online của cô Đinh Thị Thu Hằng
Dạ, cô có lời nhắn nhủ nào cho các bạn sinh viên K40 sắp vào trường không ạ?
Cô Thu Hằng chúc các em chiến thắng kì thi để trở thành một phần của ngôi nhà Phát thanh - Truyền hình. Chúng ta sẽ cùng nhau học tập, rèn luyện để trở thành những phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình ... Các em sẽ thấy quá trình rèn luyện đó rất rất thú vị!
Quỳnh Đan
Cùng chuyên mục
Bình luận