Quý IV 2024: Kinh tế phục hồi, người tiêu dùng chi mạnh tay
(Sóng trẻ) - Cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam bùng nổ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán, mang lại cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế. Với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, thị trường ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, áp lực lạm phát và chi tiêu không bền vững đang đặt ra nhiều thách thức.
Trong quý IV năm 2024, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt trước thềm Tết Nguyên Đán. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lương thực và thực phẩm tăng 10,8%. Mặc dù mức tăng trưởng chưa vượt qua đỉnh điểm trước đại dịch (trên 10%), sự phục hồi này cho thấy người dân đang dần mạnh tay chi tiêu hơn sau thời gian dài thắt chặt..
Người tiêu dùng sẵn sàng “móc hầu bao”
Trao đổi với phóng viên về xu hướng tiêu dùng cuối năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế – nhận định đây là giai đoạn nhu cầu mua sắm tăng cao nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố tích cực. Cuối năm là thời điểm diễn ra các dịp lễ hội lớn như Tết Dương lịch, Noel, Tết Nguyên Đán, cùng với đó là các khoản tiền thưởng như lương tháng 13, thưởng thi đua, hoàn thành kế hoạch và kiều hối từ nước ngoài. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ bản tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, giúp thu nhập của người lao động cải thiện rõ rệt.
Không chỉ vậy, Việt Nam ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt gần 800 tỷ USD – con số cao nhất trong 40 năm qua, nhờ hoạt động xuất khẩu sôi động và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ. Theo ông, những khu vực có hoạt động xuất nhập khẩu và FDI phát triển không chỉ thu hút việc làm mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy dòng tiền lưu thông và tổng cầu trong nền kinh tế.
“Khi thu nhập được cải thiện, người dân trở nên phấn khởi và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Họ không chỉ mua sắm để đáp ứng nhu cầu thiết yếu mà còn để nâng cao chất lượng sống. Sự đa dạng của hàng hóa trên thị trường hiện nay càng khuyến khích xu hướng này, khiến khả năng tiêu thụ hàng hóa tăng đáng kể”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng chia sẻ.
Chị Nguyễn Ngọc Linh - (cư dân quận Linh Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang bắt đầu kế hoạch sắm sửa cho Tết Nguyên đán - chia sẻ về tiêu chí mua sắm của mình: “Với tôi thì chất lượng và thương hiệu luôn là ưu tiên hàng đầu. Dù có thể sẽ đắt hơn một chút, nhưng thương hiệu sẽ giúp tôi yên tâm vì biết rằng mình đang mua sản phẩm đã được công nhận. Kể cả hàng Việt hay hàng ngoại, đắt hơn một chút mà chất lượng tốt thì vẫn chấp nhận được”.
Theo các báo cáo, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, GDP 2024 dự kiến tăng từ 7,2-7,4%, cao hơn hẳn so với chỉ tiêu kế hoạch của Quốc hội là 6-6,5%. Chuyên gia dự báo rằng tiêu dùng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy GDP quý IV/2024 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành bán lẻ, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng.
Là một người nội trợ, bà Chu Thị Thiếu (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, so với các năm trước, năm nay bà phải chi nhiều hơn để chuẩn bị đón Tết. Đa số các mặt hàng không có biến động nhiều so với mọi năm. Giá cả những mặt hàng khan hiếm như thịt lợn, thịt gà do dịch gia súc gia cầm ghi nhận sự tăng nhẹ.
“Một số mặt hàng như thực phẩm, thời trang xuất hiện với đa dạng mẫu mã và thương hiệu, trong đó nhiều loại hàng chất lượng hơn nên giá cả có nhích lên một chút cũng là điều hợp lý” - bà Thiếu chia sẻ thêm.
Viễn cảnh tươi sáng cho 2025
Theo chuyên gia, quy luật thị trường cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường có xu hướng tăng vào cuối năm do nhu cầu mua sắm. Tuy rằng nhìn chung, giá cả sẽ ổn định trở lại sau giai đoạn tăng cục bộ, đây vẫn là cơ sở để đặt kỳ vọng về sự ổn định và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế phục hồi.
Từ những tín hiệu khả quan từ năm nay, 2025 được nhận định là năm bản lề, dự đoán sẽ chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng có thể vượt hơn 8%. Sức tiêu dùng trong năm 2024 sẽ là tiền đề cho những bước đột phá trong các mô hình kinh doanh và tiêu dùng mới, đặc biệt là tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, và tiêu dùng thông thái trong năm tới.
Sự tăng trưởng tiêu dùng cuối năm là minh chứng cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, đồng thời mang đến cơ hội nâng cao chất lượng sống cho người dân. Duy trì sự cân bằng giữa chi tiêu hợp lý và phát triển kinh tế bền vững sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa đà phục hồi này, tạo tiền đề bước vào năm 2025 với nhiều triển vọng tích cực.