Sập cầu Baltimore - Mỹ gây thiệt hại lớn cho ngành logistic tại nước này
(Sóng trẻ) - Các công ty logistics dọc Bờ Đông của Mỹ đang gấp rút thông báo cho khách hàng về tình hình xuất nhập hàng sau khi cảng Baltimore phải đóng cửa để ứng phó với vụ sập cầu Francis Scott Key.
Hoạt động hàng hải bị đình trệ
Cây cầu Francis Scott Key dài 1,6 dặm sụp đổ chỉ trong vài giây. Khoảng 2,5 triệu tấn than, hàng trăm ô tô do Ford Motor Co., và General Motors Co. sản xuất, cùng gỗ và thạch cao đã bị gián đoạn sau khi vụ việc xảy ra. Hậu quả thảm khốc ước tính sẽ kéo dài trong nhiều tuần.
Sáu nạn nhân được các quan chức cho biết đã thiệt mạng sau cuộc tìm kiếm trên sông Patapsco vào tối ngày 26/3. Số người thiệt mạng có thể còn tồi tệ hơn nếu không có cuộc gọi khẩn cấp từ tàu Dali khi tàu chết máy, ngay trước khi đâm vào cầu. Nhờ cuộc gọi này, cảnh sát Baltimore đã nỗ lực dừng mọi phương tiện giao thông lên cầu chỉ trong vài giây trước khi sự cố xảy ra.
Ông Paul Brashier, Phó Giám đốc cấp cao của ITS Logistics, cho hay: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là làm việc với khách hàng để chuyển các container dự kiến cập cảng Baltimore đến các cảng khác trên Bờ Đông”.
Theo vị phó giám đốc, sự điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến các cảng New York/New Jersey, Norfolk và khu vực Đông Nam. ITS Logistics cũng phải chuẩn bị xe tải và xe trung chuyển để đưa lượng hàng hoá đó đến nơi tiêu thụ.
Thống đốc bang Maryland là ông Wes Moore cho biết, hơn 52 triệu tấn hàng hoá nước ngoài - trị giá khoảng 80 tỷ USD - được vận chuyển qua cảng Baltimore vào năm ngoái. Là cảng lớn thứ 11 tại Mỹ, Baltimore trung chuyển hơn 207 con tàu mỗi tháng, theo tạp chí vận tải biển Lloyd’s List.
Ông Richard Meade, tổng biên tập tạp chí Lloyd’s List, cho hay: “Vụ tai nạn sẽ tác động đến hoạt động thương mại dọc Bờ Đông và sẽ tiếp tục cho đến khi chúng ta biết khi nào cảng Baltimore mở cửa trở lại”.
Trao đổi với CNBC, ông Meade lưu ý quá trình điều chuyển tàu hàng sẽ tốn kém nhưng không đáng ngại như vụ siêu tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi năm 2021.
Chuỗi cung ứng ô tô bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Baltimore là cảng đóng vai trò quan trọng về xuất nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ, cũng như xe công nông có bánh và máy móc xây dựng. Theo dữ liệu từ cảng Baltimore, cảng này đã trung chuyển hơn 847.000 ô tô và xe tải nhẹ vào năm ngoái. Đây là năm thứ 13 liên tiếp Baltimore dẫn đầu tất cả các cảng ở Mỹ về nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ.
Xét về kim ngạch, cảng Baltimore nhập khẩu tổng cộng 55,2 tỷ USD hàng hoá trong năm 2023, trong đó 23 tỷ USD là ô tô và xe tải nhẹ. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu khác của cảng Baltimore bao gồm đường và thạch cao.
Theo chia sẻ của ông D'Andrae Larry, nhà quản lý cấp cao tại Uber Freight, sau vụ va chạm, cầu Francis Scott Key và cảng Baltimore có thể sẽ ngừng hoạt động trong nhiều tháng. Điều này sẽ buộc các tàu chở hàng phải điều chuyển đến các cảng ở New York và New Jersey, sau đó tới Norfolk, Virginia hoặc Georgia, South Carolina, ông Larry nói thêm.
John Lawler, giám đốc tài chính của Ford, trao đổi với Bloomberg TV: “Baltimore là một cảng lớn, vì vậy việc vận chuyển hàng hoá sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ phải chuyển các bộ phận đến các cảng khác dọc theo Bờ Đông hoặc những nơi khác trong nước.”
Baltimore đang trong quá trình tái thiết lâu dài. Có thể mất vài tuần trước khi bất kỳ hoạt động cảng nào tiếp tục trở lại vì các quan chức cần loại bỏ các mảnh vỡ của cây cầu và con tàu Dali dài 984 feet khỏi sông.
Tàu Dali treo cờ Singapore, thuộc sở hữu của công ty Grace Ocean Private, do hãng Synergy Marine quản lý. Tàu dài khoảng 300 m, rộng khoảng 48 m, nặng 95.000 tấn và có thể chở tối đa 130.000 tấn hàng hóa. |
Nguồn: NBC News