Sinh viên khó lòng ủng hộ đề xuất giới hạn giờ làm thêm
(Sóng trẻ) - Nhiều sinh viên cho rằng, đề xuất giới hạn giờ làm thêm gần đây còn nhiều bất cập, cần được cân nhắc thêm để phù hợp hơn.
Đề xuất gây nhiều tranh cãi
Tại Khoản 1, Điều 30 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gần đây đã đề xuất học sinh, sinh viên đủ 15 tuổi trở lên được làm thêm, nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.
Đây là lần đầu tiên Luật Việc làm (sửa đổi) đề cập đến quy định về quản lý giờ thêm của học sinh, sinh viên trong dự thảo. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự chú ý của công chúng, đặc biệt là sinh viên - những đối tượng chính mà quy định hướng đến.
Trái với sự ủng hộ đến từ các bậc phụ huynh khi cho rằng giới hạn giờ làm thêm sẽ giúp sinh viên có chất lượng và kết quả học tập tốt hơn, đa phần sinh viên thể hiện rõ sự phản đối của mình trước đề xuất mới.
Bạn Dương Linh Chi (20 tuổi, Hà Nội) cho biết, không thể coi việc làm thêm là nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả học tập trên trường. “Ở đại học, mình và các bạn đồng trang lứa không còn cần phải tới trường nhiều như thời còn là học sinh. Chúng mình thường chỉ học tại trường trong nửa ngày, thời gian còn lại ngoài việc tự học và nghiên cứu vẫn còn trống rất nhiều và có thể đi làm thêm vào khoảng thời gian đó. Mình hoàn toàn có thể đi làm thêm mỗi ngày và vẫn đảm bảo thời gian lên lớp và học tập đầy đủ” - Linh Chi chia sẻ.
Là sinh viên năm ba tại và đã bắt đầu đi làm thêm từ năm nhất, bạn Nguyễn Ngọc Anh (21 tuổi, Hải Phòng) cho rằng chỉ nên giới hạn giờ làm thêm với những sinh viên có kết quả học tập không tốt. Ngọc Anh cho biết: “Mình vẫn luôn duy trì được điểm số ở 'top' đầu của lớp và nhận được học bổng hàng kỳ, dù mình đi làm thêm gần như mỗi ngày tại một tiệm chụp ảnh. Xung quanh mình, rất nhiều bạn bè đi làm tại nhiều vị trí công việc khác nhau và vẫn có kết quả học tập tốt. Mình cho rằng chỉ nên giới hạn giờ làm thêm với những sinh viên chểnh mảng học tập, không thể áp dụng quy định này lên tất cả sinh viên”.
Giữa “quy định” và “thực tế”
Theo quy định của Nhà nước, mức lương tối thiểu mà sinh viên làm việc theo giờ sẽ được trả tùy thuộc theo vùng nơi sinh viên làm việc, cụ thể là từ 15.600 đồng/giờ đến 22.500 đồng/giờ. Với những sinh viên phải làm thêm để hỗ trợ gia đình hoặc trang trải học phí, mức lương này được coi là khá thấp, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng có hai yêu cầu mà nhân viên làm việc bán thời gian phải đáp ứng đồng thời. Đó là phải làm từ 4 – 8 giờ/ngày và ít nhất 6 ngày/tuần. Điều đó có nghĩa phải làm việc từ 24 – 48 giờ/tuần. Nhân viên tại một chuỗi cửa hàng tiện lợi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết cửa hàng tuyển dụng việc làm bán thời gian yêu cầu ứng viên được đăng ký làm ca 4 giờ/ngày (từ 7h30 - 11h30, từ 13 - 17h) hoặc ca 8 giờ/ngày (7h30 - 16h30, 8 - 17h, 14 - 22h, đã dành 1 tiếng để nghỉ ngơi), đồng thời phải làm 6 ngày/tuần mới có thể đảm bảo công việc.
Việc làm thêm không chỉ giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập mà còn là cơ hội để họ học hỏi kiến thức thực tế và tích lũy kinh nghiệm. Đây là những yếu tố quan trọng giúp sinh viên có lợi thế cạnh tranh khi ra trường để tìm kiếm việc làm. Nhận thức được điều này, Bích Ngọc (sinh viên năm nhất ngành Giáo dục Tiểu học - Sư phạm Tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội) đã chủ động đi làm thêm bằng công việc gia sư. Ngọc cho biết bản thân đi dạy 4 buổi/tuần và mỗi buổi kéo dài 2 tiếng.
“Khi được thử sức với công việc dạy học, mình đã bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và nhận lại được nhiều kinh nghiệm. Không chỉ vậy, việc gia sư giúp mình học được nhiều điều mới. Chẳng hạn các môn như ‘Toán Tiếng Anh’ hay ‘Tiếng Anh STEM’ hồi đi học mình chưa tiếp xúc qua thì khi soạn giáo án cho các bé, mình biết được nhiều từ mới mà sau này học chuyên ngành ở trường sẽ cần dùng đến” - Bích Ngọc hào hứng chia sẻ.
“Mình nghĩ rằng việc giới hạn thời gian làm thêm cho sinh viên cần có sự phù hợp, vì mỗi người có nhu cầu riêng. Nhưng đối với các trường học thì có thể nghiêm ngặt hơn về thành tích, ví dụ như có những hình thức xử lý nếu sinh viên không đạt được ngưỡng GPA như đã quy định” - Bích Ngọc cho biết thêm.
Để đề xuất về giới hạn giờ làm thêm cho học sinh, sinh viên trở thành một điều luật có tính khả thi, cần phải có thêm những điều khoản được đề ra để đề xuất này nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ học sinh, sinh viên nói riêng và công chúng nói chung.