SV Tình nguyện: Khi chữ Tâm không còn nguyên vẹ
(Sóng Trẻ) - Những phong trào như chuyến đi xe đạp xuyên Việt của 200 bạn sinh viên Hội sinh viên Hà Nội tới các địa phương để tổ chức giao lưu ca nhạc từ thiện, tặng quà cho người nghèo, người nhiễm chất độc da cam; chương trình “Những chiến binh Quả Cảm”, “Tết Ấm” (bệnh viện phong Quả Cảm – Bắc Ninh), chương trình “Mừng xuân ấm Kỷ Sửu” (bản Phùng – Hoàng Su Phì – Hà Giang)… của nhóm tình nguyện Blog Hà Nội vẫn luôn là những minh chứng sống động và ấn tượng cho hoạt động tình nguyện.
Tuy nhiên, trong nhiều bạn trẻ dường như hai tiếng “tình nguyện” đã không còn vẹn nguyên như trước. Bước chân lên vùng cao, xuống biển sâu không đơn giản là mang vật chất, tinh thần cho người dân những nơi còn thiếu thốn, cho trẻ em những nơi còn chưa được đến trường... mà đã mang theo cả những toan tính cá nhân.
Đâu là nguyên nhân của những hoạt động tình nguyện không thực tâm ấy? Liệu rằng đó chỉ là một con sâu làm rầu nồi canh, là một hạt sạn nhỏ bé hay đang dần dần trở thành một hiện tượng mới trong thế giới tình nguyện? Chúng ta hãy cùng trao đổi, bàn luận để có một cái nhìn toàn diện và khách quan về vấn đề này nhé!
Ý kiến bạn đọc:
1. Nguyễn Thị Vân Anh (nguoitalahoadat_2005@***.com)
Khi sinh viên “ngại” đi tình nguyện
Trong khi có những sinh viên đang hàng ngày cống hiến hết mình cho những hoạt động vì cộng đồng, khi những “màu áo xanh” hăng hái lên đường, sẵn sàng đi đến mọi miền đất nước để làm những việc mang cái tên đầy ý nghĩa - “tình nguyện”, thì cũng có không ít bạn trẻ quen với lối sống hưởng thụ, coi tình nguyện là việc làm thật viển vông.
Ngại khó, ngại khổ
Tôi đã từng rủ một người bạn tham gia vào một đội tình nguyện đi lên vùng núi Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) để tổ chức trung thu cho những trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, không những không đồng ý, cậu bạn còn buông ra một câu nói thật vô tâm: “Ở lại thành phố đi chơi không sướng thì thôi, lên trên ấy nghèo xác xơ có gì mà chơi, đi cho mệt ra à”.
Cách sống hưởng thụ, ngại khó, ngại khổ, không chịu đựng được thiếu thốn chính là những lý do mà nhiều sinh viên đưa ra để biện minh cho sự lười tham gia các hoạt động tình nguyện của mình. Có những bạn trong suốt 4 năm học đại học đều “từ chối” mọi chương trình tình nguyện ở trường, chưa nói gì đến các hoạt động khác ở nài xã hội.
Đương nhiên, đã là tình nguyện thì không thể dùng hai chữ “bắt buộc”. Tình nguyện phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện của mỗi thành viên, mỗi cá nhân trong cộng đồng. Nhưng nếu cứ sống mãi trong lớp vỏ bọc của vật chất, của sự sung sướng thì bạn khó mà cảm nhận được những cái đắng lòng, những nỗi đau của sự nghèo khó hay bệnh tật mà có thể lúc nào đó bạn sẽ gặp phải.
Không thu lại được gì về vật chất, thậm chí còn rất tốn kém vì đôi khi mỗi cá nhân tham gia tình nguyện còn phải đóng góp thêm kinh phí, chưa kể đến việc phải dành nhiều thời gian và sức lực cho các chương trình tình nguyện, cũng là những nguyên nhân khiến cho nhiều bạn trẻ còn thờ ơ với các hoạt động này.
Hơn nữa, trong những số phận, những cảnh đời cần sự giúp đỡ, có những con người mang trong mình dị tật bẩm sinh, khuôn mặt hoặc bộ phận nào đó trên cơ thể họ bị biến dạng, đặc biệt có cả những người mang trong mình mầm mống của “căn bệnh thế kỉ” hay nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Không phải ai cũng có đủ can đảm và bỏ qua những rào cản ấy để có thể tiếp xúc, gần gũi và sẻ chia với họ.
“Tình nguyện” là “tình nghĩa”…
“Mình đã từng đi tình nguyện tại một trại phong ở Sóc Sơn. Lúc đầu đến đó, được tận mắt chứng kiến những người bị phong mình cũng có cảm giác hơi sợ. Nhưng khi tiếp xúc và nói chuyện với họ, nghe họ kể về cuộc đời đầy gian truân, bị người nhà bỏ rơi, xa lánh thì mình lại thấy một sự đồng cảm với họ. Đa số là những người già mà lại bị con cháu đối xử nhẫn tâm như vậy”. Đó là tâm sự rất chân thành của Hà Mạnh Cường, sinh viên năm 3 HV Tài chính, người đã từng tham gia rất nhiều các chương trình tình nguyện của diễn đàn người Hà Nội.
“Tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, được giúp đỡ những người nghèo, người tàn tật hay mồ côi, có số phận thiệt thòi, mình đã nhận ra rằng những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống của mình vẫn không thấm tháp vào đâu so với những nỗi khổ mà hàng ngày họ đang phải chịu đựng. Mình thấy mình còn rất may mắn và hạnh phúc.” – Cường chia sẻ thêm. Thế nhưng, không phải bạn trẻ nào cũng nhận thức được những điều tưởng chừng như đơn giản mà ý nghĩa ấy.
Cuộc sống còn rất nhiều những mảnh đời đáng thương, cần nhận được sự thông cảm, sẻ chia, giúp đỡ. Hãy làm cho quãng đời sinh viên của bạn đẹp và ý nghĩa hơn bằng việc tham gia các hoạt động tình nguyện. Dù chỉ là những việc làm rất nhỏ, nhưng bạn sẽ thấy mình có ích đến nhường nào. Quan trọng hơn, từ đó bạn sẽ học thêm được nhiều bài học bổ ích mà giảng đường đại học không dạy bạn. Khi ấy, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.
2. Comment của Nguyễn Hải Đăng (haidangbm189@***.com)
Hạnh phúc là mang lại niềm vui cho mọi người
Đối với sinh viên thì tham gia tình nguyện là con đường hữu ích để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực tiễn cuộc sống. Bản thân tôi đã từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và đó là bài học mà tôi nghiệm ra.
Trong số rất nhiều sinh viên báo chí đang ngồi học trên ghế nhà trường thì rất nhiều người sinh ra và lớn lên tại các đô thị. Trong ký ức của họ chưa từng có con trâu, cái cày, hay sự nhọc nhằn của những người nông dân hằng ngày làm ra hạt gạo trong bữa ăn hằng ngày. Do vậy, tham gia tình nguyện để được tận mắt chứng kiến thực tế cuộc sống của nhân dân trên mọi miền đất nước là một điều vô vùng quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên tham gia tình nguyện như thế nào để vừa tích lũy kiến thức thực tế cho mình mà vừa giúp đỡ được cho người khác là điều mà không phải ai cũng làm làm được.
Hãy xác định rằng đi tình nguyện thì quan trọng nhất là “cái tâm”, có cái tâm vì cộng đồng thì chắc chắn chúng ta sẽ không ngại khó, ngại khổ để chia sẻ khó khăn cho đồng loại. Chúng ta cũng cần phải hiểu, tình nguyện không chỉ là đến những vùng sâu, vùng xa, mà ngay xung quanh ta, giữa sự ồn ào, tấp nập của Thủ đô cũng còn rất nhiều hòan cảnh éo le cần sự giúp đỡ.
Tôi được biết, đã 2 năm nay, cặp chị em song sinh Minh Tâm – Minh Thu (Đội SV tình nguyện trường ĐHKTQD), thường xuyên đến với trường Nguyễn Đình Chiểu để làm sách nói, giúp các trẻ em khiếm thị đọc rất nhiều cuốn sách, từ sách giáo khoa, sách tham khảo… Giọng đọc chưa hay, chưa chuẩn nhưng lại là những thanh âm phát ra từ xúc cảm của con tim đầy nhiệt huyết, sẵn sàng sẻ chia với những người khiếm thị. Nhờ hai chị em Thu và Tâm mà thư viện sách của những học sinh khiếm thị trường NĐC không chỉ có những cuốn sách và băng chữ nổi mà còn cả những “cuốn sách nói”.
Tất bật với việc học ở trường, giờ nghỉ thì tranh thủ đi dạy thêm để phụ giúp cha mẹ, những lúc rảnh rỗi thì làm sách nói. Hai chị em cô sẵn sàng đầu tắt mặt tối để chia sẻ một phần ánh sáng của mình với những người khiếm thị. Có lẽ việc biến một vài cuốn sách in thành “sách nói” chẳng tốn nhiều tiền bạc, nhưng sự sẻ chia đầy ý nghĩa đó đã giúp cho con đường đến với tri thức của những trẻ em khiếm thị bớt ghập ghềnh. Một điều thật giản dị nhưng để làm được như vậy cũng đòi hỏi một sự hi sinh không nhỏ.
Từ câu chuyện của hai chị em song sinh Tâm và Thu, chúng ta nhận thấy rằng giữa cuộc sống thành thị cũng còn biết bao hoàn cảnh éo le. Giúp đỡ họ cũng chính là cách tình nguyện thiết thực và hữu ích.
3. Nguyễn Bá Mạnh (den1lucnaodo_242@***.com)
Cần quản lý chặt chẽ các hoạt động tình nguyện
Với mục đích sẻ chia và giúp đỡ cộng đồng, các hoạt động tình nguyện đã có những đóng góp tích cực và đáng trân trọng cho xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào tình nguyện, những biến tướng và mặt trái của hoạt động này đã nảy sinh. Đã đến lúc cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với các hoạt động tình nguyện.
Quá dễ để thành lập một đội tình nguyện
Mở máy tính, Huyền - sinh viên Đại học Thương mại, nhận được tin nhắn từ một người bạn với nội dung: “Sáng chủ nhật này sẽ đi thăm và làm tình nguyện tại chùa Bồ Đề. Ai có sách vở, quần áo không dùng đến thì chiều thứ bảy mang đến tập trung tại cổng trường Quốc gia. Có thể đóng góp bằng tiền mặt…”
Những tin nhắn kêu gọi đóng góp để làm tình nguyện, từ thiện như trên thường xuyên được gửi trên mạng trong thời gian gần đây. Hỏi lại người bạn để tìm hiểu thêm thông tin, Huyền được trả lời cũng chỉ gửi hộ một người bạn khác, ai muốn tham gia thì đúng hẹn mang sách vở, quần áo đến tập trung.
Bên cạnh những đội tình nguyện chính thức, có tổ chức đầy đủ và hoạt động thường xuyên, không ít hoạt động và nhóm tình nguyện mang tính tự phát như trường hợp kể trên đang thu hút khá nhiều người tham gia. Do chưa có những quy định về điều kiện và nguyên tắc thành lập nên chỉ cần một cá nhân đứng lên hô hào là có thể hình thành ngay một đội, nhóm tình nguyện. Điều này lý giải cho sự phát triển rầm rộ số lượng các hoạt động tình nguyện trong thời gian qua. Nhưng chất lượng và mục đích của những hoạt động này cần phải xem xét lại.
Dễ quá hóa tiêu cực
Việc quá dễ dàng để thành lập và lấy danh nghĩa làm tình nguyện để kêu gọi sự đóng góp vật chất và công sức của người tham gia đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến những hoạt động tình nguyện chân chính.
Như một số bài viết đã đề cập, nhiều hoạt động tình nguyện diễn ra theo kiểu “đem con bỏ chợ” hay biến tướng thành những hoạt động không tốt đẹp. Nhiều người tham gia các đội tình nguyện không phải để giúp đỡ cộng đồng mà với mục đích vụ lợi, để được cộng điểm… Nguy hiểm hơn, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng danh nghĩa các hoạt động tình nguyện để lừa đảo, trục lợi cá nhân.
Lâu nay, màu áo xanh tình nguyện đã trở thành hình ảnh vô cùng đẹp đẽ của sinh viên và thanh niên Việt Nam. Với việc dễ dàng mua được một chiếc áo xanh tình nguyện nài chợ, kẻ xấu đã giả danh thanh niên tình nguyện để lừa đảo.
Trong đợt thi đại học, cao đẳng năm 2010 vừa qua, trong khi những đội tiếp sức mùa thi không quản ngại vất vả giúp đỡ thí sinh và người nhà vượt qua những ngày thi nóng nực, căng thẳng một cách suôn sẻ, thì lại có những “áo xanh” thản nhiên đi rao bán lời giải đề thi, bán báo, nước giải khát cho người nhà thí sinh với giá cắt cổ. Khi bị xử lý, những người này thừa nhận cố ý mặc áo xanh tình nguyện để gây được lòng tin, dễ bán hàng với giá cao cho người nhà thí sinh.
Như vậy, việc dễ dàng gắn cho mình cái mác “tình nguyện viên”, dễ dàng nhân danh hoạt động tình nguyện để kêu gọi ủng hộ đã là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, gây tổn hại nghiêm trọng tới ý nghĩa đích thực của các hoạt động tình nguyện chân chính.
Quản lý để hoạt động tình nguyện hiệu quả hơn
Trước những gì đang diễn ra, cần thiết phải có những quy định mang tính pháp lý để quản lý chặt chẽ các hoạt động tình nguyện, quy định cụ thể và rõ ràng những điều kiện để thành lập, các nguyên tắc hoạt động của các tổ chức, nhóm tình nguyện nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tình nguyện với ý đồ xấu, có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm.
Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức và hoạt động tình nguyện trong thời gian gần đây đòi hỏi phải có sự thống nhất quản lý chung để đạt hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Có một thực tế là, nhiều phong trào tình nguyện diễn ra với mục đích tốt đẹp nhưng hoạt động còn nặng về hình thức, kém hiệu quả. Các chương trình tình nguyện được phân bố không đều dẫn tới sự tập trung quá mức vào một địa điểm, trong khi nhiều nơi khác cần sự giúp sức của các hoạt động tình nguyện thì không có.
Điều này đòi hỏi phải có sự điều phối hợp lý từ một cơ quan quản lý chung. Có như vậy, các chương trình tình nguyện mới đến được đúng đối tượng, phát huy cao nhất hiệu quả và ý nghĩa của các hoạt động này.
Bên cạnh sự quản lý từ một cơ quan chung, bản thân các đội tình nguyện cũng cần tự tổ chức lại cơ cấu một cách chặt chẽ, có kế hoạch hoạt động cụ thể và thiết thực, tránh những chương trình theo phong trào, bề nổi, làm giảm đi giá trị và ý nghĩa đích thực của hai tiếng “Tình nguyện”.
4. Ngọc Quyên (istar-500@***.com)
Xin đừng đong đếm nghĩa tình
Màu xanh tình nguyện có lẽ không còn xa lạ với mỗi người. Gắn với nó là tình yêu thương, là sự cảm thông, đùm bọc. Hạnh phúc của họ đơn giản là được sẻ chia.
Tuy nhiên, ở bất kì môi trường nào cũng vậy, có người tốt thì ắt có kẻ giả danh người tốt. Những con người ấy đã để cho lợi ích cá nhân vùi lấp cái nhân nghĩa mà bản thân đang cố tạo dựng. Họ để cái lợi ích nhỏ bé, thấp hèn lấn át giá trị to lớn của hoạt động tình nguyện. Có thể cái tâm của họ vẫn là một cái tâm trong sáng nhưng trí óc họ đã bị những lợi ích nhỏ nhặt làm lu mờ.
Có lẽ cũng vì thế mà hiện nay, hoạt động tình nguyện không còn là của mỗi cá nhân, không chỉ mang tính chất hô hào mà nó đã được tổ chức một cách quy mô, thiết thực hơn. Để tham gia những hoạt động thiện nguyện lớn và có tổ chức, mỗi người đều phải thông qua một đến hai vòng phỏng vấn nhằm thấy được cái tâm và nhiệt huyết với hoạt động này. Mỗi cá nhân trong tổ chức tình nguyện phải là những con người không ngại khó ngại khổ, không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể và hơn hết đó phải là những con người biết sẻ chia.
Khi xem những tấm ảnh về một vài em nhỏ đang bị căn bệnh quái ác ung thư dày xéo tại bệnh viện ung bướu Tam Hiệp, tôi cảm thấy mình quá may mắn. Chỉ với mong muốn làm vơi đi phần nào những đau đớn thể xác, vun đắp khát vọng được sống trọn vẹn từng ngày, từng giờ của các em mà nhóm tình nguyện “Lá me xanh” như thói quen không thể bỏ vẫn đến đây vào thứ bẩy và chủ nhật hàng tuần.
Có những thanh niên hè thì thương người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà đến với từng vùng quê sẻ chia khó nhọc; đông lại thương các em nhỏ vùng cao quanh năm chỉ một manh áo rách mà vượt hàng trăm cây số đến những bản làng xa xôi chỉ để cho các em một manh áo ấm.
Hoạt động tình nguyện đơn giản là những nghĩa cử như thế, không có câu chữ hay lời nói văn hoa nào có thể đong đếm được ý nghĩa thực sự của nó. Sống vì hạnh phúc của con người chính là cách để tâm hồn chúng ta thanh thản hơn.
5. Thu Thủy (girl_yeulacuoi89@***.com)
Cần nhận thức lại hai tiếng “tình nguyện” thiêng liêng
Gần đây, báo chí đã đề cập đến khá nhiều mặt hạn chế, tiêu cực trong hoạt động tình nguyện của sinh viên. Điều này vô hình chung đã làm giảm lòng tin và sự cảm phục trong cộng đồng với những “áo xanh” đích thực. Thiết nghĩ, chúng ta cần nhận thức lại một cách nghiêm túc hai tiếng “tình nguyện” thiêng liêng ấy để lấy lại niềm tin của mọi người vào thế hệ trẻ nước nhà.
Tình nguyện ở đâu?
Ai đó nghĩ rằng, tình nguyện là hăng hái tham gia chiến dịch này chiến dịch kia, tổ chức các chương trình kết nối những mảnh đời bất hạnh với những tấm lòng hảo tâm hay đi chia sẻ cộng đồng… thì đây là một suy nghĩ theo cá nhân tôi chưa đủ. Tình nguyện không nên hiểu chỉ là những hoạt động trong phạm vi của một tổ chức. Tình nguyện phải được thể hiện ở mọi nơi: từ nơi bạn sống, con đường bạn đi, trên mỗi chuyến xe bus hay trong chính gia đình của mình…
Tình nguyện khi nào?
Không nên nghĩ rằng, chỉ khi hè đến mới có tình nguyện. Mùa hè chỉ là đỉnh cao các hoạt động tình nguyện trong sinh viên, bởi khi ấy các bạn có nhiều thời gian hơn. Khi chúng ta xác định đơn giản rằng: mình sẵn sàng làm tình nguyện mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, bất kể mưa hay nắng, dù sáng hay tối, dù thuận lợi hay khó khăn… thì khi đó, hai tiếng “tình nguyện” mới thực sự thiêng liêng như ý nghĩa của nó.
Tình nguyện như thế nào?
Ta chấp nhận đứng sau khi thanh toán tiền tại siêu thị, góp một chiếc áo cũ gửi cho trẻ em tại các miền quê còn nhiều khó khăn, cho đi chính giọt máu của mình để cứu người… đó là tình nguyện.
Tình nguyện vì cái gì?
Theo tôi, trả lời được câu hỏi này là khi chúng ta nhận thức được sâu sắc nhất ý nghĩa của hai tiếng “tình nguyện”. Tình nguyện là sẵn sàng cho đi mà không chờ đợi nhận về. Nếu ta tính toán được gì - mất gì, đó không còn là tình nguyện. Đơn giản bởi tình nguyện trước hết giúp hoàn thiện chính bản thân mỗi người, khiến chúng ta biết yêu thương và sẻ chia nhiều hơn, khiến ta tìm được những niềm vui và những ý nghĩa vô giá trong cuộc sống, khiến ta tự hào khi khoác trên mình màu áo xanh tinh khiết… Tình nguyện phải vì cộng đồng và vì những giá trị nhân văn đẹp đẽ.
Chúng ta hãy thử soi chiếu xem mình thực sự đã xứng đáng với hai tiếng “tình nguyện” thiêng liêng ấy chưa? Xin đừng bôi bẩn lên màu áo xanh đẹp đẽ, hãy làm tình nguyện trong chính cuộc đời của mỗi người trước khi thực sự xông pha trên mặt trận tình nguyện đầy gai góc và khó khăn trong xã hội.