Tấm "bản đồ sống" trong nhà thờ Đường Lâm
(Sóng trẻ) - Nổi bật trong không gian làng mạc dân dã nơi Đường Lâm là nhà thờ Công giáo đậm nét phương Tây. Nhà thờ được "chăm sóc" bởi ông Đỗ Văn Thịnh - "thổ địa" khu làng cổ.
Nhà thờ công giáo Đường Lâm được xây dựng từ năm 1953, theo lối kiến trúc của các nhà thờ Châu Âu. Nhà thờ có tháp chuông, khuôn viên nhà thờ không rộng lắm nhưng rợp bóng cây xanh mát.
Bên trong là một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song theo hai phía, được chia tương đối thành một khu đón tiếp nhỏ và một phần long trọng dành cho việc cử hành thánh lễ, quen gọi là cung thánh. Giữa hai khu vực này có một không gian chuyển tiếp lớn phía dưới mái vòm. Tất cả nội thất được cấu tạo và trang trí hoàn toàn theo thiết kế nhà thờ châu Âu.
Người trông coi chính của nhà thờ là ông Đỗ Văn Thịnh, 58 tuổi. Trong suốt 22 năm qua, nhà thờ Công giáo đã trở thành ngôi nhà thứ hai của ông.
Sắp xếp, dọn dẹp nhà thờ là công việc hằng ngày của ông. Đây là nơi lưu trữ sách về Công giáo, kinh thánh, các bài hát thánh ca cũng được ông Thịnh giữ gìn cẩn thận.
Bên cạnh đó, ông còn có nhiệm vụ kéo chuông mỗi ngày. Chuông nhà thờ đánh mỗi 12h trưa, 4h chiều hay khi có người theo đạo mất.
Trong làng có hơn 200 giáo dân, ông Thịnh cũng là một người con của Chúa. Mỗi buổi cầu nguyện, hát thánh ca đều do một tay ông chuẩn bị.
Không chỉ đơn thuần là người trông coi nhà thờ, ông còn như một tấm "bản đồ sống", biết tường tận từng ngóc ngách trong làng. Gọi thế còn bởi vì ông lưu giữ nhiều bản đồ, bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật. Mỗi khi có khách đến thăm, ông say sưa lật giở, kể chuyện từng nhà, từng lễ hội, món ăn.
Ông Thịnh chia sẻ rằng: "Với tôi đây không phải là nghề, nơi đây tôi coi như ngôi nhà thứ hai. Vì thế mỗi công việc đều là niềm vui, mỗi câu chuyện kể đều là cảm xúc mới. Sức khỏe còn tốt, tôi còn gắn bó với nơi này."
Nga Đoàn – Hà Trang – Ngân Phương - Vũ Vân – Tào Phượng
Báo Mạng điện tử 34
Cùng chuyên mục
Bình luận