“Teen 93 và cơ hội việc làm”
(Sóng Trẻ) - Đó là những câu mở đầu ở rất nhiều tin tuyển dụng trên Internet cũng như các tờ rơi hiện nay. Nhưng không mấy ai biết những cơ hội ấy thực tế là như thế nào.
Trẻ, năng động, nhiều thời gian rỗi, teen 93 (những bạn đang chuẩn bị bước vào giảng đưỡng đại học) đang là đối tượng tuyển dụng tiềm năng cho các công việc part time. Tuy nhiên, họ cũng đang dẫn đầu danh sách những đối tượng dễ bị lừa đảo nhất khi tìm việc.
Part Time - từ những cơ hội có thật
Teen 93 đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để bước sang một cuộc sống mới - cuộc sống sinh viên. Không ít bạn sẽ bỡ ngỡ với môi trường sống mới, nhưng cũng có rất nhiều bạn làm quen, bắt nhịp, hòa nhập rất nhanh. Những bạn trẻ sớm tự lập, tự tin và muốn khẳng định mình ở môi trường này. Cũng không ít tân sinh viên từ quê ra thành phố, với số tiền eo hẹp mà chi phí cho cuộc sống lại quá đắt đỏ. Vì thế, điều đầu tiên mà các bạn nghĩ đến thường là tìm việc làm them.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, cơ hội làm part time rất lớn. Không khó để tìm thấy các mẫu tin tuyển dụng bán thời gian ở báo in, báo mạng, chưa kể đển các cơ hội từ số lượng lớn các tờ rơi. Hàng năm, nhiều trường Đại học trên địa bàn Hà Nội như Đại học Quốc Gia, Đại học Mỏ Địa Chất, Đại học Kinh Tế Quốc Dân… cũng tổ chức các hội chợ việc làm cho các bạn sinh viên. Các hội chợ việc làm đó mang lại hàng ngìn công việc cho các bạn, trong đó có tân sinh viên.
Nhiều trang web có vai trò trung gian giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc cũng đăng rất nhiều thông tin tuyển dụng, điển hình như chuyên mục “Tuyển dụng”, “Việc làm” của trang http://hn.24h.com.vn/, mỗi tháng có khoảng 30.000 vị trí cần tuyển dụng để các bạn lựa chọn.
Một trang tuyển dụng trên Internet
Công việc part time cũng khá phong phú, từ làm thêm trực tiếp đến làm qua mạng như: Bán hàng, tư vấn viên, phát tờ rơi, gia sư, làm ô sin theo giờ… Các công việc này thường làm theo ca (thường 2 tiếng/1ca), tiền lương vào khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Với thời bão giá như hiện nay, số tiền ấy cũng giải quyết được phần nào nhu cầu của cuộc sống. Hơn nữa, đi làm nghĩa là được cọ xát với thực tế, có thêm nhiều kinh nghiệm sống, các bạn sẽ mau chóng trưởng thành hơn. Vì thế, hiện nay tỉ lệ sinh viên đi làm thêm chiếm 1 con số không hề nhỏ và đang có xu hướng tăng lên.
Đến những cơ hội mang tên “lừa đảo”
Trung tâm giới thiệu việc làm mọc lên khắp nơi nhưng không ai biết được mức độ hợp pháp của chúng. Với tâm lí nôn nóng tìm việc, tân sinh viên thường không có sự đề phòng đối với các nơi môi giới việc làm.
Một tin tuyển dụng trên Internet
Dễ nhận thấy rằng, ở tất cả các mẫu tin đăng tìm người làm trên Internet, tờ rơi, các bạn sinh năm 93 đang được ưu tiên. Teen 93 vừa rời ghế nhà trường phổ thông, nhiệt huyết có thừa nhưng lại thiếu kinh nghiệm xã hội. Vì thế, các trung tâm ma, trung tâm lừa đảo dễ dàng lợi dụng. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Từ chỗ chỉ là lừa lấy số lượng tiền nhỏ, cho đến vừa bị mất tiền lại vừa phải làm việc không công cho họ.
Bạn V.H (Sinh viên năm 3 Học viện BC&TT) cho biết, bạn đã từng đi làm thêm khá nhiều công việc nhưng hồi mới bắt đầu đi tìm việc cũng không tránh khỏi bị lừa. “Muốn có được công việc phát quà khuyến mãi với mức lương 170.000đồng/1ca/2 tiếng, mình phải trải qua 2 trung tâm giới thiệu việc làm liên kết với nhau ở đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng). Tuy nhiên, sau khi mất 360.000 đồng tiền phí, không những mình không được làm đúng công việc mà còn phải đi phát tờ rơi cho họ 2 ngày không công”.
Khi bị lừa, tâm lí ban đầu của các bạn là rất tức giận. Tuy nhiên, một thời gian sau, cảm giác xấu hổ bị người khác lừa lại nhiều hơn cả. Không muốn cho ai biết rằng mình bị lừa, nên sau khi “dính đòn” các bạn cũng chỉ lắc đầu cho qua chuyện và xem như đấy một bài học trong đời.
Tuy nhiên cũng có bạn sau khi biết mình đã mắc phải bọn lừa đảo đã quyết định đòi lại tiền đã đóng. D.H (Đại học Nại thương) cho biết: “Sau khi mình đóng phí ban đầu là 60.000Đ, người ta còn bắt mình đóng thêm 300.000 nữa. Nhận ra đây là trung tâm lừa đảo nên mình đã tìm đọc luật dân sự và dùng lí lẽ để đòi lại số phí mình đã đóng”.
Những mẫu tin như thế này xuất hiện tràn lan trên mạng.
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận diện trung tâm lừa đảo. Trước hết, các bạn cần phải cẩn thận với các nơi môi giới được đăng trên các tờ rơi và trôi nổi trên Internet. Nên đề phòng khi đến với các “đơn vị trung gian” có đăng trên tờ rơi là không thu phí. Thường họ sẽ bắt người tìm việc đóng 1 khoản đảm bảo (không hoàn lại) tương đương với 1 ngày làm việc nhưng chưa chắc đã được làm việc đó. Các bạn từ 18 tuổi trở lên, khi đi làm cần có hợp đồng lao động với các điều khoản rõ ràng. Trong trường hợp phát hiện bị lừa, dựa theo các điều khoản đã kí và luật lao động để lấy lại số tiền đã mất.
Không phủ nhận rằng có rất nhiều lợi ích từ việc làm thêm. Nhưng để tránh “tiền mất tật mang”, teen 93 nên tìm đến các trung tâm uy tín hoặc nhờ bạn bè, anh chị - những người đã đi làm tư vấn, giúp đỡ.
Võ Thị Huệ
Lớp Truyền hình K.29A2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền