Thầy giáo Lại Nhật Tân: “Hiến máu là liều thuốc xoa dịu nỗi đau chiến tranh trong tôi”

(Sóng trẻ) - Chiến tranh qua đi, nhưng những vết thương vẫn ở lại. Mãi luôn đau đáu với nỗi đau đồng bào, “người lính già” Lại Nhật Tân, nay đã 53 tuổi, trở thành một thầy giáo ở trường THCS Vũ Phúc (thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) vẫn không ngừng giúp đỡ, cống hiến cho cộng đồng. Thầy được biết đến như lá cờ đầu trong các hoạt động hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện cứu người.

e3ab05f43_anh_1_1.jpg

Thầy giáo Lại Nhật Tân nhiệt tình tham gia buổi hiến máu do Hội chữ thâp đỏ tỉnh Thái Bình phát động

PV: Chào thầy, luôn được biết đến với vai trò tiên phong trong các phong trào hiến máu trên địa bàn tỉnh. Vậy tính đến nay thầy đã có bao nhiêu lần hiến máu tình nguyện?

Thầy Lại Nhật Tân: Đến nay, tôi đã tham gia hiến máu tình nguyện được 9 lần rồi. Đa số là những dịp do thành phố kêu gọi thì mình nhiệt tình tham gia hiến máu và vận động hiến máu để giúp đỡ người dân, góp một phần nhỏ cứu chữa những người bệnh. Thi thoảng thì cũng có những lần tôi hiến máu trực tiếp cứu người ở Bệnh viện đa khoa tỉnh.

PV: Đây không phải là con số nhỏ, để đạt được con số này trung bình một năm thầy sẽ tham gia hiến máu bao nhiêu lần? Và bao lâu thầy sẽ hiến máu lại?

Thầy Lại Nhật Tân: Vì được bác sĩ kết luận hiện tại tình trạng sức khỏe còn tốt và ổn định nên trung bình một năm tôi sẽ tham gia hiến máu đều đặn từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 4-5 tháng. Bây giờ sức khỏe còn tốt tôi muốn tham gia hiến càng nhiều càng tốt, sợ vài năm nữa có tuổi rồi, sức khỏe đi xuống, rồi bệnh nọ bệnh kia bác sĩ không cho hiến nữa. (cười)

PV: Tham gia hiến máu nhiều như vậy ở độ tuổi này, liệu sức khỏe của thầy có bị ảnh hưởng không?

Thầy Lại Nhật Tân: Hoàn toàn không, ban đầu khi mới đến với hoạt động này, thú thật bản thân tôi và gia đình cũng còn rất nhiều e ngại. Phần vì mình không còn trẻ nữa, lần đầu tôi hiến máu là năm 2016, sợ hiến nhiều sức khỏe sẽ yếu đi, phần vì lo lắng những dụng cụ dùng trong công tác hiến, lấy máu có thể gây nhiễm bệnh nên tôi chưa chưa thực sự hào hứng tham gia. Nhưng cho đến nay, bản thân tôi chính là minh chứng rõ nhất cho việc hiến máu tình nguyện không hề ảnh hưởng đến sức khỏe như nhiều người lo sợ. Mà ngược lại, y học đã chứng minh hiến máu nhiều lần có thể giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Là cách để mỗi người kiểm tra và tự giám sát sức khỏe của mình. Hơn nữa, nó còn là công việc thiện giúp đời, giúp người.

PV: Vậy nài những lợi ích trên mà hiến máu đem lại, còn lý do nào đã thôi thúc thầy hiến máu nhiều lần đến vậy?

Thầy Lại Nhật Tân: Trước đây, tôi có tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên, những ngày tháng cầm súng chiến đấu, “nếm mật nằm gai” cùng đồng đội đã để lại quá nhiều những nỗi đau và mất mát hằn sâu trong tâm trí, khiến tôi trong suốt thời gian dài không thể yên giấc. Nhắm mắt lại tôi lại thấy những hình ảnh năm đó tràn về, những người anh em, đồng đội từng người từng người ngã xuống, dùng máu xương để đổi lại non sông. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn tự nhủ với lòng mình sẽ không ngừng giúp đỡ, cống hiến cho cộng đồng, sống thay cả phần của những người lính đã ngã xuống. Tham gia hiến máu cũng là liều thuốc xoa dịu nỗi đau trong tôi, giúp tôi thấy mình sống có mục đích, sống có ích không phụ những người đồng đội đã hi sinh.

Hơn nữa, ở trường tôi giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân cho các con, nên tôi muốn mình trở thành tấm gương về lối sống biết sẻ chia, có tấm lòng hướng thiện cho các học trò noi theo. Chính ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà hoạt động này mang lại đã không ngừng thôi thúc tôi tham gia hiến máu và vận động hiến máu cứu người.

e3ab05f43_anh_2_1.jpg

Bước ra từ thời chiến, người lính năm nào vẫn cất giữ máy đàm thông tin và nhiều kỷ vật khác như những “vật báu”

PV: Trong những lần hiến máu, có kỷ niệm nào đáng nhớ với thầy không?

Thầy Lại Nhật Tân: Thật ra, những năm tháng chiến đấu, sống chung với “mưa bom lửa đạn” đã khiến tôi chai lì đi nhiều, tôi ít hồi hộp lắm. Nhưng có một lần, ca cấp cứu của một bà mẹ đơn thân khiến tôi đặc biệt xúc động. Chị hơn tôi 2 tuổi, từng là nữ thanh niên xung phong trở về từ chiến trường, quá lứa lỡ thì không ai lấy, chị đi “xin con’. Đêm đó chẳng may chị bị tai nạn giao thông vô cùng nghiêm trọng, tôi được bệnh viện đa khoa tỉnh gọi nhờ truyền máu gấp, giữa cơn nguy kịch lại thêm cơn bệnh tim quái ác của chị, tôi bồi hồi xúc động như thể chứng kiến một người thân có thể ra đi bất cứ lúc nào, sự đồng cảm với quá khứ của chị khiến tay tôi run lên. Đó là lần duy nhất hiến máu mà tôi hồi hộp, căng thẳng đến thế. Nghe tin chị qua khỏi, tôi nhẹ nhõm như biết một người đồng đội của mình vừa từ cõi chết trở về.

PV: Tích cực tham gia hiến máu là vậy, thầy còn tham gia những hoạt động thiện nguyện nào khác không?

Thầy Lại Nhật Tân: Có chứ, nài tham gia hiến máu, tôi vẫn đều đều tham gia các công tác vận động hiến máu ở trường và trên địa bàn tỉnh, hô hào người dân tham gia hiến máu, góp những giọt máu hồng cứu chữa người bệnh. Nài ra, mỗi năm bằng ngân sách cá nhân tôi đều trao học bổng cho một học trò nghèo vượt khó đến lớp, dù sức mình nhỏ nhưng tôi vẫn cố gắng trong khả năng cho phép để giúp các con có động lực, cơ hội đến trường. Đấy không chỉ là giúp người, mà tôi quan niệm đó còn là giúp mình, giúp cho tôi không bao giờ đánh mất, mai một tấm lòng hướng thiện ban đầu. Đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời rồi, tôi không làm để mong chờ được ghi nhận hay khen thưởng, mà tôi làm để thỏa lòng mình, sống đúng với lương tâm của một người lính, một nhà giáo để đến sau này nhìn lại cũng không còn gì phải hối tiếc.

PV: Cảm ơn thầy về buổi trò chuyện, chúc thầy một ngày mới tốt lành! 

Mỹ Huyền

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN