Thầy lang chữa bệnh miễn phí ở làng “ung thư” Lũng Vị

(Sóng trẻ) - “Mình làm phúc là chủ yếu, cứu giúp mọi người là niềm vui mỗi ngày của bác. Bệnh nhân họ khỏi lại biếu bác vài đồng mua lá làm thuốc, thế là vui rồi”. Đó là câu nói của một thầy lang luôn tận tâm với nghề, hết lòng vì mọi người ở làng Lũng Vị.


Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, vượt qua đoạn đường gập ghềnh sỏi đá, chúng tôi tìm đến thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ - nơi nổi tiếng với cái tên “làng ung thư” – để tìm gặp thầy lang Đỗ Huy Ứng. Khi bước qua cánh cổng gạch kiểu cũ, trước mắt chúng tôi là một vườn cây thuốc xanh tốt mơn mởn mát mắt, khoảnh sân nhỏ trải đầy những lá thuốc, và ngôi nhà đơn sơ mộc mạc. Ông Ứng chào đón chúng tôi với nụ cười niềm nở, khiến chúng tôi có cảm giác thân thuộc như gặp người ông của mình.

9afa82484_1.jpg

Sau khi rót nước mời chúng tôi và hỏi thăm đôi ba câu, ông Ứng từ từ kể lại câu chuyện hành nghề y bốc thuốc của mình.


Ông Ứng năm nay đã 67 tuổi, tính ra ông đã làm thầy lang bốc thuốc được hơn 30 năm trời. Ông kể, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã theo cha đi hái lá thuốc, vốn bản tính ham học hỏi, ông càng ngày càng say mê tìm hiểu công dụng của từng vị thuốc. Người cha trở thành người thầy đầu tiên, truyền kiến thức, truyền lửa nghề cao quý cho ông, khi ấy ông mới chỉ là thằng nhóc 8, 9 tuổi đầu.


Lúc bé mới học nghề, ông gặp rất nhiều khó khăn vì học được nghề bốc thuốc không phải đơn giản. Sách về nghề trong nhà ông không thiếu, tuy nhiên để nhớ hết thì rất khó. “Bác có trí nhớ rất tốt, tuy vậy để nhớ hết cả quyển sách về các bài thuốc chữa bệnh thì khó có khả năng, mình chỉ nhớ được một số bài thuốc thông dụng thôi”, ông Ứng tâm sự. Không chỉ thường xuyên đọc sách, thực hành chữa cho người dân cũng là cách hữu hiệu giúp ông nhớ được những bài thuốc ấy. Với sự tận tâm chỉ dạy của cha, sau này trong thời kỳ đi lính và khi đi đây đi đó gặp gỡ nhiều người biết các bài thuốc nam chữa bệnh, cộng với niềm say mê tìm tòi tự học hỏi, dần dần ông Ứng đã có thể tự tin hành nghề thầy lang bốc thuốc.


Năm 2009, ông gia nhập Hội Đông y huyện Chương Mỹ. Nhắc đến câu chuyện này, ông Ứng vẫn còn nhớ rõ: “Hồi ấy có một ông vào nhà xin lá, bác cứ tưởng là bệnh nhân, hỏi ra mới biết thuộc Hội Đông y. Ông ấy hỏi thế làm lá à, bảo bác ra nhập Hội đi, bác nhất trí. Vậy mà thấm thoắt cũng được hơn 9 năm rồi”. Ông chia sẻ rằng từ khi vào hội, ông học hỏi thêm được rất nhiều bài thuốc hay, mở mang thêm kiến thức về ngành y của mình như gãy tay, đau dạ dày, u xơ tiền liệt tuyến,… “Bác đi đến để học hỏi, có ai dạy bác đâu, tự lập cũng quen rồi. Bác tự nghiên cứu nhiều bài thuốc, trước tiên là chữa cho bản thân, cho gia đình, sau đó chữa giúp người dân làng Lũng Vị” - ông Ứng chia sẻ.


“Thật sự ra bác chuyên môn học hỏi, phải khiêm tốn. Thí dụ bây giờ đi ra Hội Đông y gặp những ông thầy 80, 90 tuổi, bác hỏi: “Thầy ơi hạt gấc dùng để làm gì ạ?” “Làm nghề y mà không biết hạt gấc dùng để làm gì à?”. Thế là nhờ thầy chỉ bảo bác đã biết công dụng của hạt gấc.”. Trong Đông y, hạt gấc là mộc miết tử (ba ba gỗ) vì nó dẹt, gần như hình tròn, vỏ cứng, mép có răng cưa, hai mặt có những đường vân lõm xuống, trông như con ba ba nhỏ. Nếu đem hạt gấc ngâm rượu thì đây là một phương thuốc chữa nhiều bệnh, rất hữu ích trong cuộc sống như đau nhức, viêm xoang,... Ông Ứng hào hứng chia sẻ rằng: “Trong Đông y, từ các loại lá, hạt cây quen thuộc, đến xác rắn, tổ ong đều có thể làm thuốc được, miễn là mình biết được các công dụng của nó để dùng đúng bệnh, đúng liều lượng mới có thể khỏi được”.

4e4f1dd5e_2.jpg

Dù bận rộn hay ốm đau, ông Ứng vẫn đi lấy thuốc không bỏ ngày nào.


Cuộc đời làm nghề bốc thuốc tới giờ, ông gặp rất nhiều ca khó. Ca chữa khiến ông nhớ nhất là chữa chó dại cắn, đến nay 14, 15 người được ông chữa cho rồi, chưa thấy trường hợp nào không khỏi. Ông dùng gan cóc tía, thạch cao, lá đài bi cùng một số vị thuốc khác để chữa chó dại cắn. Khi bệnh nhân lên cơn, cho uống bài thuốc ấy, nếu như bệnh nhân dứt cơn là khỏi, nếu vẫn không dứt là tử vong. Ông đã từng dùng bài thuốc này để cứu ai thì ông không nhớ rõ, nhưng có một bệnh nhân đặc biệt mà ông không thể nào quên, đó chính là vợ của ông. Ông kể: “Hôm ấy bà bị chó cắn, đưa ra bệnh xá người ta tiêm cho 5 mũi về vẫn lên cơn, không khỏi. 11h đêm mồm cứ ú ớ, mắt trợn ngược. Bác đánh liều thử thuốc ấy cho vợ uống thì từ lúc đó đến sáng bệnh giảm dần và hết.”


Thêm một ca nữa mà ông nhớ như in, bố chồng của một chị tên Mai ở Tốt Động, bị méo mồm nằm viện châm cứu 7 ngày rồi vẫn chưa khỏi. Gọi điện cho ông hỏi “Bác ơi bố cháu bị méo mồm có chữa được không?”. Ông Ứng nghĩ trong đầu “có chữa bao giờ đâu mà biết”, tuy vậy ông vẫn đánh liều nhận. Hôm sau 8h người nhà cùng bệnh nhân rước cồng kềnh nhau lên, ông mời họ vào nhà uống nước. Bà vợ nói: “Nhà em nằm viện 7 ngày nay rồi mà mồm càng rách to lên”. 


Vừa nói chuyện với bệnh nhân, ông vừa nghĩ trong đầu: “Chết rồi, quả này chết hẳn rồi, nếu không chữa được thì về cả nhà nó chửi cả con dâu lẫn cả mình tơi bời”. Ngồi nói chuyện mà đầu óc ông quay cuồng, lo lắng không biết xử lý thế nào. Chợt nghĩ, trĩ còn lôi được thì méo mồm là cái gì. Đánh liều, ông xuống lấy 3 liều thuốc trĩ đưa cho bệnh nhân về đắp. Sau 3 ngày không thấy gì, đến ngày thứ 4 lại cồng kềnh nhau lên. “Quả này nó giết mình rồi, giờ làm thế nào đây”, ông Ứng lo lắng khi bệnh nhân không có chuyển biến tích cực. Ông hỏi ra mới biết lí do, khi đắp thuốc có phản ứng phụ là nhức tai với đau răng nên đắp được một lúc đã bỏ, không liên tục nên bệnh không thuyên giảm. Ông đưa bệnh nhân thêm 3 liều nữa về đắp thì co lại, hồi phục 80-90%. Nghe tin ông mừng ra mặt vì đây là lần đầu ông chữa bệnh này.


Có những ca sốt xuất huyết nằm viện 10 ngày, có người mách đưa về ông Ứng chữa cho, có ca bị thủy đậu, “Bác ơi có phải đi viện không, chồng cháu mọc nhiều lắm như ong đốt?”, ông Ứng đều đã chữa khỏi. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người dân làng Lũng Vị hay huyện Chương Mỹ biết tới ông, mà còn nhiều người ở tỉnh xa cũng tới nhờ ông khám chữa cho. Ông luôn luôn tận tình với bệnh nhân của mình, luôn gọi điện hỏi han cập nhật tình hình, nói rõ các tác dụng phụ của thuốc nếu có. Với tinh thần giúp người là chính nên ông lấy tiền của bất cứ ai. Nhiều bệnh nhân cố biếu, ông chỉ xin vài đồng mua lá về bốc thuốc cho có lệ.


Không chỉ chữa cho người bệnh, ông còn luôn tận tình chỉ những người xung quanh cách sơ cứu người trong tình huống nguy cấp, đặc biệt là trường hợp đột quỵ. Ông nói rằng khi gặp người trúng gió bị đột quỵ, trong khi chờ xe cứu thương đến phải tiến hành sơ cứu bằng cách lấy đầu kim chích vào mười đầu ngón tay, cách móng tay 1mm, nặn ra 10 giọt máu. Sau đó chích vào hai dái tai nặn ra 2 giọt máu. Rồi chích vào huyệt nhân trung dưới mũi để giải á khẩu, tránh méo miệng. Rồi sau đó mới đưa đi viện để giảm nguy cơ bệnh nhân tử vong.


Từ hành động đó, có thể thấy được lòng mong muốn truyền nghề, có người nối nghề của ông. Nhưng khi được hỏi có ý định truyền nghề không, ông cười buồn nói rằng: “Có mấy đứa con gần gũi nhất thì cả ngày bận rộn không có thời gian học. Rồi giờ người ta tin vào Tây y, bị bệnh gì thì đi mua thuốc Tây, đưa đi bệnh viện chứ không còn tin vào y học cổ truyền nhiều nữa, ngay cả con bác cũng vậy”. Vừa sắp xếp lại những lọ thuốc cho ngay ngắn, ông vừa nói: “Mà làm nghề này cũng cần phải có cái duyên, không phải ai cũng học được cũng bốc thuốc chữa khỏi cho người khác được. Nói mê tín một chút thì đó là phải có “quý nhân phù trợ” mới làm được. Chứ cùng một loại thuốc ấy, có người bốc mà bệnh mãi không thuyên giảm, nhưng người khác bốc lại khỏi bệnh ngay”.


Hàng ngày, nài việc bốc thuốc giúp người bệnh, ông vẫn tìm tòi học hỏi thêm nhiều bài thuốc mới, nhiều cách chữa bệnh mới hay hơn, hiệu quả hơn. Ông luôn tâm niệm rằng, sống trên đời không thể khiến ai cũng yêu quý mình được, nhưng bớt được một kẻ thù là tốt rồi. Có thể hôm nay là thù nhưng mai lại thành bạn. Nên việc mình làm việc thiện tích đức cho mình, cho đời thì cứ làm thôi, mặc cho ai nói gì thì nói.


Tạm biệt ông, chúng tôi ra về. Những lời nói của ông vẫn quanh quẩn trong tâm trí chúng tôi. Bằng tấm lòng nhân hậu với ngọn lửa nghề luôn cháy rực trong tâm người lính, thầy lang Đỗ Huy Ứng vẫn ngày ngày chữa bệnh cho những người tìm đến ông, và vẫn đau đáu nỗi lòng tìm người kế nghiệp. Không chỉ chúng tôi và cả những người dân làng Lũng Vị, mà có lẽ bất cứ ai đã từng gặp và tiếp xúc với ông, được ông chữa trị đều nhớ một thầy lang luôn tận tâm vì mọi người như vậy.


Vũ Đức Anh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN