Thời trang 'mì ăn liền' (Phần 2): Đã đến lúc cần thay đổi?
(Sóng trẻ) - Dưới tác động của đại dịch Covid, cách chúng ta sống và suy nghĩ đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là bước ngoặt trong tư duy thời trang, khi “ngôi vương” của thời trang nhanh có thể bị thay thế bởi thời trang bền vững (thời trang xanh).
Thời trang bền vững (sustainable fashion, eco fashion) được hiểu là thời trang sử dụng các chất liệu an toàn, có khả năng tái sử dụng hoặc phân huỷ nhanh. Quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và tuân thủ đạo đức, công bằng xã hội. Khái niệm này đã có từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước nhưng mới nổi lên mạnh mẽ trong thời trang gần đây.
Người tiêu dùng đã thay đổi
Mặc dù đại dịch Covid đã tạo ra những con sóng lớn chưa từng cho kinh tế nhưng nó cũng giúp ta sống chậm hơn. Qua gần 3 năm, tư duy và nhận thức của con người về môi trường cũng có nhiều điều thay đổi. Chưa bao giờ, lối sống xanh, sử dụng các vật liệu tái chế lại phổ biến đến vậy. Đương nhiên điều này cũng thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, thời trang nhanh đã không còn là sự lựa chọn số 1.
Đặc biệt với sự lớn mạnh của nền tảng chia sẻ trực tuyến Tik Tok, thời trang bền vững càng dễ dàng len lỏi vào đời sống của Gen Z – Thế hệ nắm giữ tương lai của tiêu dùng. Nổi bật là hastag #secondhand đạt 1,5 triệu lượt xem, #DIY_Clothing đạt 106,9 nghìn lượt xem,... Là thế hệ nhạy cảm, sáng tạo và cởi mở ta có cơ sở để hy vọng Gen Z sẽ thay đổi tương lai của ngành thời trang nhanh, phổ rộng trào lưu thời trang chậm.
Cũng theo kết quả từ cuộc khảo sát vào năm 2020 của Vogue Business với 105 thanh nhiên thuộc Gen Z cho thấy, 70% thanh niên từ 16 - 19 tuổi đồng tình rằng tính bền vững là một yếu tố quan trọng khi mua các mặt hàng thời trang. Trong khi tỷ lệ này ở thế hệ gen Y là 20%.
“Mình nghĩ với mình thì mạng xã hội đẩy mình xa hơn khỏi thời trang nhanh. Ví dụ như dạo gần đây trên tik tok rất hot phong cách Y2K (thời trang nên gần như ở các store như H&M hay New Yorker rất nhiều đồ Y2K. Với mình thời trang là thứ thể hiện cá tính và gu cá nhân nên càng trendy mình càng dè dặt khi mua đồ” - Hồng Hà, 21 tuổi, du học sinh Đức chia sẻ.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ 6000 người tiêu dùng ở Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha cho thấy 20% trong số họ sẵn sàng giảm chi tiêu tổng thể, 45% có thiện cảm với các công ty minh mạch về quá trình sản xuất và 16% tin dùng các sản phẩm có tính bền vững. Sự thất thế của thời trang nhanh chắc chắc đến từ sự thay đổi trong tư duy mua sắm, khi ta cần một chiếc áo cứng cáp, bền màu hơn một chiếc áo hợp trend nhưng chỉ sử dụng được một lần.
Sự nỗ lực không chỉ đến từ người tiêu dùng
Không chỉ có người tiêu dùng, chính các thương hiệu thời trang nhanh cũng đã tham gia vào “cuộc đua” thời trang bền vững. Như H&M từng bị chỉ trích gay gắt vì tăng lượng rác thải may mặc thì nay đã chuyển sang các nguyên liệu thân thiện môi trường như sợi cam, bọt BLOOM và Pinatex thay thế da động vật.
Từ tháng 3/2021, H&M tổ chức sự kiện Let’s Reuse khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi tái chế hoặc mang túi cá nhân đi theo mỗi lần mua sắm, đồng thời thu 2.000 VNĐ cho mỗi túi giấy mới. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được đóng góp cho ZHub & More – Liên minh trường học không rác.
Trong cuộc trao đổi với Elle Việt Nam, bà Marian Dang, Giám đốc Phát triển Bền vững khu vực Đông Nam Á của H&M chia sẻ: “Thời trang hiện phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Đến năm 2030, tất cả các vật liệu tại H&M sẽ là các vật liệu tái chế hoặc các vật liệu khác có nguồn gốc bền vững. Bên cạnh Polyester tái chế, bông hữu cơ và Lyocell, H&M cũng tiếp tục đổi mới để đưa vào những vật liệu mới mang tính đột phá trong thời trang”.
Không riêng gì H&M, các hãng thời trang nhanh khác như Eileen Fisher và Tentree bắt đầu khởi xướng các chương trình thu mua quần áo cũ, cam kết trồng 10 cây xanh cho một lượt mua. Tại hội nghị G7, chủ tịch tập đoàn Kering đã kêu gọi cam kết về những thay đổi tích cực với môi trường trong ngành thời trang như sử dụng năng lượng tái chế, ngưng đồ nhựa dùng một lần đến năm 2050. Chiến dịch đã nhận được những cái “gật đầu” từ các thương hiệu xa xỉ như Burberry, Prada, Hermès, Chanel,.. đến Gap, Zara, H&M.
Khách quan mà nói thời trang nhanh sẽ chỉ tồn tại được khi vẫn còn những khách hàng trung thành. “Có cung mới có cầu” nên muốn thời trang nhanh biến mất và thay thế bằng thời trang bền vững cần thêm sự thay đổi ở chính người tiêu dùng. Đó phải là sự thay đổi trong suy chứ chứ không phải phản ứng nhất thời theo phong trào, lời kêu gọi nào đó.
Những cuộc tranh luận về tương lai của ngành thời trang vẫn diễn ra sôi sổi trong nhiều năm qua, nhưng đứng trước sự cạn kiệt của hệ sinh thái, câu trả lời chắc chắn sẽ không phải là thời trang nhanh. Thời trang bền vững cho ta cơ hội để sửa sai với Mẹ thiên nhiên, có “trách nhiệm” với từng chiếc áo, quần jeans. Đây cũng là chìa khoá để doanh nghiệp phát triển thịnh vượng, lâu dài.