Tọa đàm “Tổng quan về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng”
(Sóng trẻ) - Sáng 30/3, Tọa đàm “Tổng quan về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng” diễn ra tại Hội trường C - Học viện Báo chí và Tuyên truyền với các nội dung nâng cao năng suất chất lượng trong sinh viên.
Tọa đàm thuộc một chuỗi sự kiện của Chương trình quốc gia “Hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng phê duyệt trong Quyết định 1322/QĐ-TTg. Tọa đàm lần này là bước đầu tiên hướng đến việc nâng cao nhận thức của sinh viên – những người sẽ làm năng suất trong tương lai – về các nội dung chính của mảng kiến thức năng suất chất lượng.
Về phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đại biểu tham dự có TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT); Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam; Nguyễn Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam; Phạm Lê Cường - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Đo lường Chất lượng, cùng các chuyên viên vụ hợp tác quốc tế, vụ kế hoạch tài chính, văn phòng của Tổng cục.
Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tọa đàm có sự tham dự của PGS,TS. Trần Thanh Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện, đại diện lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, Đảng viên trong Học viện cùng đông đảo sinh viên của Học viện.
Sinh viên tham dự tọa đàm được tiếp thu những kiến thức về hai chuyên đề chính của buổi tọa đàm do hai vị khách mời trình bày: “Tư duy quản lý năng suất và đổi mới sáng tạo” của TS. Hà Minh Hiệp và “Giới thiệu Chương trình hỗ trợ cho sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền về hoạt động Năng suất và Đổi mới sáng tạo” của Phạm Lê Cường.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Trần Thanh Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định sự tăng trưởng mối quốc gia. Trong đó, năng suất, chất lượng là then chốt bởi lẽ không bị giới hạn và hạn chế. Việc áp dụng năng suất chất lượng trong các cơ quan tổ chức doanh nghiệp, trường học luôn là nội dung cần được quan tâm, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và tránh bị lạc hậu, tụt hậu ở phía sau.
Trao đổi tổng quan về Năng suất chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng, TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh lý do cần đẩy mạnh năng suất trong các hệ giáo dục từ bậc tiểu học bởi cần hình thành năng suất là một thói quen, tư duy của con người. Từ đó phát triển trở thành tính cách, năng lực trong môi trường làm việc.
Với con đường năng suất trong tổ chức, doanh nghiệp, tiến sĩ trình bày 6 bước để cải thiện và nâng cao hiệu quả năng suất. Đầu tiên, thay đổi nhận thức của lao động với 5S (Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng); làm chủ thiết bị với các quá trình bảo dưỡng, bảo trì; xây dựng hệ thống theo nền tảng quản lý năng suất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quản lý tri thức với các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thành công và thất bại; tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo.
Trong giai đoạn đổi mới sáng tạo, TS. Hà Minh Hiệp chia sẻ để triển khai hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo, cần trải qua các bước chuẩn bị (đánh giá khả năng, tìm hiểu cơ hội và thách thức, quyết định mục tiêu); triển khai chiến lược và chính sách; mở rộng quy mô và duy trì văn hóa, giá trị; đánh giá hiệu suất và cải tiến hệ thống. Ông xác định hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo là “cuối con đường” của chuyển đổi số.
Về chương trình hỗ trợ phong trào sinh viên của trường về năng suất, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Đo lường Chất lượng Phạm Lê Cường giới thiệu 5 nội dung chính: Cung cấp các chuyên đề cho các nhóm của CLB; Đào tạo năng suất chất lượng cho giảng viên, sinh viên làm Mentor cho các nhóm; Cung cấp các chương trình đào tạo của APO cho CLB; Thực hành áp dụng các công cụ năng suất; Hướng dẫn tổ chức thi trong CLB hoặc các CLB.
Để nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ, đồng chí trình bày nguyên tắc phối hợp giữa Tổng cục hỗ trợ cung cấp nội dung, tài liệu, chuyên gia và Học viện/CLB chủ động tổ chức triển khai thực hiện. Hai bên cung cấp mối liên lạc chặt chẽ, phối hợp trong chương trình.
Trả lời câu hỏi trong phần thảo luận, TS. Hà Minh Hiệp cho biết sử dụng AI là con đường chiến lược mà chính phủ đã xác định để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0; nếu không có AI thì con đường chuyển dịch theo chuyển đổi số là không làm được. Đồng thời, ông cho rằng việc áp dụng AI trong báo chí, truyền thông doanh nghiệp là một xu thế tất yếu.
Chia sẻ về cảm xúc sau buổi tọa đàm, Lệ Linh, sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Buổi tọa đàm đã cho mình nhiều kiến thức mới mẻ về năng suất và đổi mới sáng tạo. Đó cũng là hành trang cho mình trong tương lai”.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: “Năng suất và đổi mới sáng tạo vô cùng quan trọng trong việc tạo ra sự thịnh vượng và tránh lạc hậu”. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thành lập ra các ban chỉ đạo tổ chức thực hiện ứng dụng năng suất, chất lượng vào trong giảng dạy, truyền tải tri thức cho sinh viên.