TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 2 tuần
(Sóng trẻ) - Trước diễn biến dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị toàn thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.
Sáng 14/6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM. Buổi họp được tổ chức vào buổi sáng, ngày cuối cùng thành phố giãn cách xã hội theo quyết định được ban hành trước đó.
Tại buổi họp, lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành, TP Thủ Đức, các quận, huyện đã thảo luận về tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh và đề ra phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau 15 ngày giãn cách.
Sau 3 giờ họp và thảo luận, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị toàn thành phố giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.
Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) chuyển từ áp dụng Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15.
"Chúng ta xem xét thêm một tuần tới. Tùy tình hình mà một số khu vực có thể chuyển từ Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19 tùy diễn biến dịch", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Giãn cách 14 ngày giúp hạn chế lây nhiễm
Tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đánh giá sau 2 tuần giãn cách xã hội, chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản được kiểm soát.
"Số ca mắc Covid-19 mới tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) hầu hết là các trường hợp đã được cách ly hoặc trong vùng phong tỏa. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc tiếp xúc trực tiếp được hạn chế ở mức thấp nhất", Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá.
Dịch bệnh tại TPHCM sau 2 tuần giãn cách
Sau gần 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), thành công lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM là cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, ổ dịch lớn nhất ghi nhận tại địa phương.
Tại những địa bàn từng là điểm nóng dịch bệnh, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng liên quan đến những chuỗi lây nhiễm cũ đã giảm dần. Tuy nhiên, TPHCM đang đối mặt với nỗi lo mới từ những ca F0 chưa rõ nguồn lây.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin, từ các ca chỉ điểm được phát hiện qua khám sàng lọc tại một số bệnh viện, địa bàn, ngành chức năng đã truy vết và phát hiện ra 6 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây.
TPHCM cũng đón nhận những dấu hiệu đáng lo ngại về dịch tễ khi các ca bệnh đã nhen nhóm xuất hiện trong môi trường bệnh viện, khu công nghiệp.
Đến nay, thành phố cũng có 5 bệnh viện ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
"Đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus mới, lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và ngược lại khiến dịch Covid-19 lan tỏa rất nhanh và rộng", Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định.
Các ổ dịch cộng đồng lớn nhất TPHCM trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 chủ yếu nằm tại các khu nhà trọ, cụm dân cư các quận huyện, vùng ven thành phố.
Sáng 14/6, TPHCM ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất các địa phương có bệnh nhân được công bố. Họ gồm 29 ca tiếp xúc F1 với các bệnh nhân trước đó và một người chưa rõ nguồn lây. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, TPHCM có 819 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được công bố. Tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã có trường hợp mắc Covid-19. |