Trái Tim Hồng: Hợp tác xã chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật
(Sóng trẻ) - Giữa trung tâm xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, có một nơi đặc biệt mang tên Hợp tác xã (HTX) “Trái Tim Hồng”. Không chỉ là đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nơi đây còn là mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ cho gần 200 người khuyết tật, giúp họ vươn lên tự khẳng định mình trong cuộc sống.
Vun đắp “sân chơi” cho người cùng cảnh ngộ
Cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, chúng tôi tìm về với Hợp tác xã “Trái Tim Hồng”. Vừa dừng xe tại cổng, chúng tôi được một người phụ nữ trung niên ăn mặc lịch sự, tác phong như giáo viên đến chào hỏi và mời vào dự buổi khai giảng cho lớp học mới. Hỏi ra mới biết, chị chính là Đinh Thị Quỳnh Nga - Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng.
Buổi khai giảng lớp học nghề mới hôm ấy, chị Nga đứng trên bục, giọng nói ấm áp vang lên giữa căn phòng tràn ngập ánh mắt hướng về phía chị. Học viên khuyết tật, người nhà của họ và các mạnh thường quân - ai nấy đều chăm chú lắng nghe từng lời chia sẻ chân thành của người vừa là giáo viên, vừa là giám đốc HTX. Sự tôn trọng, cảm mến hiện rõ trên từng gương mặt. Họ nhìn chị, không chỉ như một người lãnh đạo, mà còn như một người truyền cảm hứng, một người đồng hành thấu hiểu.
Bất ngờ và xúc động hơn cả là tiết mục văn nghệ do chính các học viên khuyết tật biểu diễn. Giữa sân khấu nhỏ, họ tỏa sáng bằng tất cả niềm đam mê và nghị lực. Chị Nga đứng bên dưới, tỉ mỉ hướng dẫn từng động tác, mắt ánh lên niềm tự hào. "Chị Nga không chỉ dạy chúng tôi nghề, mà còn dạy cả văn hóa, cả cách sống, cả cách để chúng tôi được sống là chính mình", anh Đinh Hồng Quân (21 tuổi) chia sẻ sau màn trình diễn. Chị Nguyễn Hồng Hạnh đứng bên tiếp lời: "Những buổi giao lưu văn nghệ cô Nga tạo nên thế này giúp chúng em tự tin hơn, gắn kết với nhau hơn".
Kết thúc buổi khai giảng, chúng tôi theo chân chị Nga đến cơ sở học và làm nghề của HTX. Tại đây, chị Nga lại trong vai trò của một giám đốc, tỉ mỉ kiểm tra từng công đoạn sản xuất, ân cần hướng dẫn các học viên. Phòng khách của HTX được bài trí giản dị nhưng ấm cúng. Trên tường, những bằng khen, giấy khen được treo trang trọng, nổi bật là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng năm 2020, ghi nhận những đóng góp của chị Nga trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Ít ai biết rằng, để có được thành quả hôm nay, chị đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. 17 lần bị từ chối việc làm chỉ vì khiếm khuyết của bản thân, chị hiểu hơn ai hết những thiệt thòi, mất mát mà người khuyết tật phải đối mặt. Chính những trải nghiệm ấy đã hun đúc trong chị ý chí sắt đá, khát khao tạo ra một cơ hội, một "sân chơi" cho những người cùng cảnh ngộ.
Bước vào xưởng sản xuất, tôi cảm nhận rõ được không khí làm việc hăng say, náo nhiệt. Những đôi tay thoăn thoắt đan lát, những ánh mắt tập trung tỉ mỉ bên những sản phẩm thủ công tinh xảo. Không khí trong xưởng sản xuất vừa khẩn trương lại vừa ấm áp.
Thi thoảng, tiếng nói chuyện rì rầm của các học viên xen lẫn tiếng bước chân của chị Nga đang tận tình hướng dẫn từng người. Một vài tiếng cười giòn tan vang lên khi có người hoàn thành sản phẩm. Bên khung cửa sổ, ánh nắng chiếu vào, rọi lên những gương mặt đang miệt mài với công việc, tô điểm thêm nét rạng rỡ, tự tin. Họ là những người khuyết tật, mỗi người một hoàn cảnh, một dạng tật khác nhau, nhưng ở họ đều toát lên sự lạc quan, yêu đời.
Sau khi hướng dẫn xong xuôi các công đoạn để học viên thực hành, chúng tôi tranh thủ trò chuyện thêm với chị Nga về mô hình HTX của chị. Chị chia sẻ: "Ý tưởng thành lập HTX đến với chị Nga khi chị đang công tác tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn.
Chứng kiến những học trò của mình, dù đã trưởng thành nhưng vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm việc làm, chị quyết tâm phải hành động. “Người khuyết tật chỉ khiếm khuyết một phần cơ thể, vẫn có thể lao động, kiếm sống và hòa nhập cộng đồng”, chị Nga chia sẻ.
Nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo được làm ra từ những đôi tay khéo léo của người khuyết tật, chúng tôi càng thêm khâm phục nghị lực phi thường và tài năng của họ. Tất cả đều mang trong mình hơi ấm của tình yêu thương, sự sẻ chia và khát vọng vươn lên.
Sáu ngành nghề, gần 200 số phận, một “Trái Tim Hồng” ấm áp
Bắt đầu từ nhóm “Trái Tim Hồng” nhỏ bé với chỉ 4 thành viên năm 2009, đến nay, HTX đã phát triển với 6 ngành nghề kinh doanh và dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động. Trong đó 38 người làm việc trực tiếp tại HTX, 34 người là người khuyết tật. Sản phẩm chủ lực của HTX là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như tranh sơn dầu, hoa khô, gối, chiếu mành làm từ hạt gỗ hương… Ngoài ra, HTX còn kinh doanh dịch vụ photocopy, trồng nấm, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho các thành viên.
Khó khăn lớn nhất mà HTX gặp phải, theo chị Nga, chính là việc thay đổi nhận thức của người khuyết tật và gia đình họ. “Nhiều người vẫn giữ suy nghĩ người khuyết tật chỉ nên ở nhà, không cần phải làm gì. Họ không hiểu được giá trị của lao động, của việc được hòa nhập cộng đồng”. Để vượt qua khó khăn này, chị Nga đã phải kiên trì vận động từng người, tổ chức các sự kiện, tạo điều kiện để họ tiếp xúc, giao lưu, từ đó thay đổi dần suy nghĩ.
“HTX đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi”, chị Đào Thị Nhật - một thành viên gắn bó với HTX 10 năm nay, xúc động chia sẻ. Bị liệt hai chân từ nhỏ, chị Nhật từng sống trong mặc cảm, tự ti. Nhưng từ khi đến với Trái Tim Hồng, chị đã tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc sống.
“Tôi được học nghề, có công việc ổn định, được giao lưu với mọi người. Tôi tự hào vì mình có thể tự kiếm tiền, không là gánh nặng cho gia đình”. Giờ đây, chị Nhật không chỉ là một công nhân lành nghề, mà còn kiêm nhiệm nhiều vai trò khác như quản lý công nhân, bán hàng online.
Bên cạnh tạo việc làm, HTX còn chú trọng đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên. Người khuyết tật được hỗ trợ ăn ở, được tham gia các hoạt động ngoại khóa, du lịch, được học kỹ năng sống, giao tiếp…Đặc biệt, chị Nga luôn tâm niệm phải tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng, hòa nhập, nơi người khuyết tật và người không khuyết tật có thể làm việc cùng nhau, chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau.
Bà Dương Thị Hoạch, có cháu gái bị câm điếc bẩm sinh. Bà không quản ngại đường sá xa xôi 30km, ngày ngày đưa đón cô bé đến HTX học nghề. "Tôi chỉ mong cháu có cái nghề để sau này tự nuôi sống bản thân", bà Hoạch nghẹn ngào.
HTX không chỉ mang lại lợi ích cho các thành viên mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng. Trong đại dịch Covid-19, HTX đã huy động công nhân may khẩu trang phát miễn phí cho người dân. HTX cũng tham gia các hội chợ, cuộc thi, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương.
Những nỗ lực của HTX và chị Nga đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giải thưởng. Năm 2020, chị Nga vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp trong lĩnh vực an sinh xã hội. Sản phẩm của HTX cũng đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, khẳng định chất lượng và giá trị.
Với mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, chị Nga mong muốn HTX Trái Tim Hồng sẽ ngày càng phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho người khuyết tật, giúp họ tự tin vươn lên, khẳng định mình trong cuộc sống.
"Chúng tôi tin rằng, mỗi người khuyết tật đều có một tiềm năng riêng, và HTX Trái Tim Hồng sẽ là nơi ươm mầm, chắp cánh cho những tiềm năng ấy bay cao, bay xa", chị Nga khẳng định.