Truyền thông về môi trường trong thời đại bùng nổ Internet

(Sóng Trẻ) - Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đang có những bước đi quyết liệt, tích cực trong việc sử dụng truyền thông để quảng bá nội dung của mình nói chung và về môi trường nói riêng.

Viết về môi trường trên báo chí Việt Nam

Diện tích rừng bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị giảm sút, tài nguyên, đất đai cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, khan hiếm nước sạch… đặc biệt là biến đổi khí hậu và sự gia tăng các tai họa thiên nhiên như động đất, núi lửa, hạn hán, lũ lụt, bão bụi, lốc xoáy… đã, đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của loài người và tương lai của trái đất. Vì vậy, bảo vệ môi trường không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào, nó đã trở thành mối quan tâm của toàn cầu. “Đảm bảo sự bền vững của môi trường” là một trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đề ra.

Do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nóng đồng thời chịu những tác động nghiêm trọng từ gia tăng dân số, Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu những tác động tiêu cực về cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và gia tăng suy thoái môi trường. Với dân số phần lớn là nghèo, sống phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và khai thác các nguồn lực tự nhiên để sinh sống thì việc thực hiện thành công mục tiêu đảm bảo môi trường bền vững ở năm 2015 là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, các nhà báo Việt Nam nhận thức được rằng, các vấn đề môi trường ngày càng trở thành thách thức đối với quá trình phát triển lâu dài của đất nước. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những bài báo về môi trường và biến đổi khí hậu xuất hiện ngày càng nhiều. Gõ cụm từ “truyền thông về môi trường” vào ogle.com.vn chỉ 0,33 giây cho 39,800,000 kết quả, với cụm từ “báo chí về môi trường” chỉ 0,29 giây cho 20,700,000 kết quả. Vấn đề môi trường đã nóng lên trên khắp các trang báo, các loại hình báo chí ở Việt Nam. Cộng đồng được cảnh báo về biến đổi khí hậu khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra với mật độ ngày càng cao. Đưa tin về môi trường không chỉ xuất hiện một cách tình cờ nữa, nhiều tờ báo đã tập trung viết tin, bài nhiều hơn về môi trường và coi đó là vấn đề nóng, cần quan tâm. Trong lễ trao giải báo chí viết về Tài nguyên – Môi trường lần 1, Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển nhận xét: "Nhiều bài viết của các cơ quan báo chí chuyên và không chuyên được đánh giá rất tốt, phản ánh sinh động tình hình thực tế, chân thực, đa dạng, nhiều chiều về các lĩnh vực TN-MT, thực sự là những thông tin vô cùng quý giá cho độc giả".(1)

Tính đến tháng 3/2012, Việt Nam có 786 cơ quan báo in (với 1.016 ấn phẩm), 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, 61 báo, tạp chí mạng điện tử, 191 mạng xã hội và hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Qua khảo sát, hầu hết các báo mạng điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp đều dành một không gian lớn cho những thông tin về môi trường. Nhiều tờ báo mạng điện tử như Dân trí, Tuổi trẻ, VietNamNet, VnExpress… đều có chuyên mục Môi trường và update bài thường xuyên. Chuyên mục Bảo vệ môi trường của VnExpress trung bình update hai bài/ngày… Hàng tháng mỗi báo cập nhật hàng trăm tin, bài liên quan đến môi trường.

 1359a657a_7304126024_fca2af70bc.jpg
Truyền thông về môi trường trong  thời đại bùng nổ Internet.

(Nguồn:  Internet)

Trong một nghiên cứu về hiện trạng phản ánh thông tin môi trường trên 3 tờ báo là Thanh niên, Đầu tư và Lao động (trong khuôn khổ Dự án “Huy động sự tham gia của Xã hội dân sự trong Quản trị môi trường” do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chủ trì) cho thấy, trong tổng số 886 số báo của ba tờ báo phát hành từ 01/01/2010 đến 31/12/2010 có 988 bài báo viết về môi trường. Cụ thể, tờ Thanh niên (nhật báo) có 343 bài, Lao Động (nhật báo) có 549 bài và Đầu tư (tuần báo) có 156 bài. Nghiên cứu cũng cho biết Vietnam News (tờ báo xuất bản bằng Tiếng Anh) từ 1 - tháng 7/2010 đã đăng tải 146 bài viết về môi trường. Đây là những tờ báo uy tín, có số lượng phát hành lớn và phong phú về đối tượng độc giả. Một điều đáng chú ý là các tờ trên chưa có chuyên trang về môi trường nhưng có phóng viên chuyên trách về môi trường nên số lượng tin, bài đăng tải về vấn đề này khá lớn và phạm vi đưa tin rộng. Các tin, bài về môi trường không đăng ở một trang cố định mà đăng rải rác ở các trang khác nhau.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phần lớn tác phẩm đều sử dụng thể loại tin và bài báo nên mới dừng lại ở mức độ phản ánh, nêu vấn đề. Các thể loại khác có hàm lượng thông tin sâu như phóng sự, phỏng vấn, bình luận hoặc ký sự còn rất ít. Các tờ báo có xu hướng tập trung vào những sự việc, vấn đề cụ thể, các chủ trương, chính sách, qui định của nhà nước về môi trường và hoạt động quản lý chưa được đề cập nhiều. Các phóng viên chủ yếu quan tâm phát hiện vấn đề và rất ít phóng viên nỗ lực trong việc dự đoán vấn đề, tạo ra mối liên hệ với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và các điều kiện môi trường. Số lượng tin bài về chủ đề ô nhiễm đô thị và công nghiệp xuất hiện nhiều hơn chủ đề rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các vấn đề sinh thái khác, đặc biệt đối với tờ Đầu tư. Điều này có thể phản ánh mối quan tâm chủ yếu của cộng đồng đối với kinh tế và các tác động với sức khỏe của con người. Nhìn chung, các phóng viên phản ánh tin tức dựa trên thông tin mà các cơ quan Chính phủ cung cấp là chủ yếu. Xu hướng này đặc biệt phổ biến với ở hai tờ Đầu tư (73%) và Lao động (67%). Nài nguồn thông tin từ Chính phủ, các nguồn thông tin khác ít được tham khảo và sử dụng (như các tổ chức phi Chính phủ). (2)

Trong một nghiên cứu khác của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) thì cho rằng chất lượng của các bài báo viết về môi trường nói chung còn thấp, đặc biệt trong việc đưa tin tức khoa học và thể hiện quan điểm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thông tin không được cập nhật thường xuyên, thiếu sự hiểu biết và kỹ năng trong việc chọn lọc, phân tích và trình bày thông tin một cách hấp dẫn, thuyết phục. Những nghiên cứu trên phần nào cho thấy bức tranh thực trạng phản ánh về môi trường trên các tờ báo của Việt Nam. (3)

Nhằm hỗ trợ các nhà báo môi trường Việt Nam thông qua các hoạt động báo chí, Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) đã thành lập năm 1998. Đây thực sự là diễn đàn để các nhà báo, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà môi trường chia sẻ thông tin, ý kiến và kinh nghiệm về các vấn đề môi trường có liên quan và thúc đẩy sự hợp tác nghề nghiệp giữa các nhà báo môi trường. Và trên thực tế, những kỹ năng viết báo về môi trường đã thay đổi nhiều kể từ khi VFEJ thành lập.

Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, những vấn đề liên quan đến môi trường được đề cập trong nhiều môn học. Trong chương trình đào tạo của các chuyên ngành báo chí, năm thứ tư có môn Chuyên đề báo chí. Nội dung của môn này được thay đổi linh hoạt theo từng năm. Mấy năm gần đây, khi vấn đề môi trường ngày càng được dư luận quan tâm, chuyên đề “Viết báo về môi trường” đã được đưa vào chương trình để trao đổi với sinh viên. Giảng viên dạy chuyên đề này đều là các nhà báo chuyên viết về môi trường ở các cơ quan báo chí. Những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng… viết báo về môi trường được chia sẻ. Đấy cũng là cách thức tốt để nâng cao những sản phẩm báo chí về môi trường nói chung.

Xu hướng sử dụng truyền thông xã hội

Cùng với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, truyền thông xã hội thực sự là một phương tiện hữu hiệu để truyền thông về môi trường. Có một thực tế là, hiện nay, mỗi sáng thức dậy, thay vì bật tivi, mở đài, cầm tờ báo và vào các trang báo mạng điện tử để xem tin tức, rất nhiều người lại bắt đầu một ngày mới bằng những dòng thông tin rất ngắn trên các trang mạng xã hội. Điều này đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong cách sử dụng các phương tiện truyền thông hiện nay của công chúng, ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng, giá trị thông tin được truyền tải.

Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các trang mạng xã hội như Facebook, MySpace, Twitter, CyWorld, trang web chia sẻ hình ảnh You Tube hay Zing Me, VietSpace… bởi chúng đáp ứng được khát khao cập nhật và chia sẻ tin tức của nhiều người. Rất khó để có những số liệu chính xác về sự gia tăng chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội. Chỉ biết rằng, đó là sự biến đổi hàng ngày. Thử gõ cụm từ “clip bảo vệ môi trường”, chỉ 0,36 giây, ogle cho 6,930,000 kết quả. Hầu hết những clip này đều được đăng tải trên You Tube, blog hoặc các diễn đàn. Điều chú ý là, mỗi clip được “tung” lên đều nhận được hàng nghìn ý kiến chia sẻ khác nhau. Đây thực sự là điều mà các phương tiện truyền thông truyền thống mơ ước.

Với các tính năng tiện lợi như trò chuyện (qua Messenger chat), chia sẻ tập tin (Send files), gửi thư điện tử (Email), xem phim, ảnh, điện thoại (Voice chat), nhật ký điện tử (Blog), trò chơi (Games)… mạng xã hội đã thu hút sự tham gia, sử dụng và trở thành một phần tất yếu trong đời sống xã hội của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Những thông tin về thiên tai, hỏa hoạn, ô nhiễm, rác thải,… xuất hiện liên tục và ở khắp mọi nơi. Nhà báo không thể có mặt ở mọi nơi khi sự việc diễn ra. Nhưng công chúng thì có. Ngay lập tức, khi có những thông tin xảy ra xung quanh mình, mọi người cùng kết nối và chia sẻ với người khác trên mạng xã hội, blog.

Đối với rất nhiều người, mạng xã hội đem lại cho họ nhiều thông tin hơn là những cuốn sách kiểu bách khoa toàn thư. Những thông tin cực ngắn hấp dẫn hơn là những cuốn tiểu thuyết nhiều tập. Vì vậy, những mẩu ghi chép, đoạn video, âm thanh, bản nhạc ngắn… được người ta nhanh chóng truyền đi và “gọi” nhau cùng đọc. Sự lớn mạnh của các mạng xã hội cùng ưu điểm vượt trội đã và đang làm thay đổi thói quen tìm kiếm, chia sẻ và sử dụng các phương tiện truyền thông của công chúng. Tuy không phải là các kênh chính thống đối với các vấn đề kinh tế, chính trị nhưng nó lại là kênh thu hút nhiều người, dễ tạo ra trào lưu và hiệu ứng tức thời.

Đầu tháng 1/2012, một clip quảng cáo bảo vệ môi trường có tên "If you know" (http://www.youtube.com/watch?v=9mb2GlcRSvc) của nhóm OG Production (sinh viên lớp Quảng cáo 28, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã được đưa lên You Tube và ngay lập tức nhận được phản ứng tích cực của hàng nghìn người (6,572 view). Bằng những cảnh quay ấn tượng, đoạn phim 30 giây này đã góp phần đề cập đến hậu quả khó lường của việc vứt rác bừa bãi. Đám học sinh đang say sưa đá bóng bỗng dẫm phải đống mảnh thủy tinh bị vứt lại trên bãi cỏ; một phụ nữ mang thai ngã ngửa khi bị túi rác từ tầng 4 rơi xuống đầu; lĩnh trọn túi rác quăng từ vỉa hè ra, thiếu nữ đang dạo phố ngã xuống đường, khi chiếc xe buýt vừa lao tới... Nhiều ý kiến chia sẻ rằng, clip thực sự mang ý nghĩa nhân văn và gây ấn tượng. Clip này sau đó đã được khá nhiều báo mạng điện tử đăng lại.

Sức mạnh và sự lan tỏa của truyền thông xã hội không còn là điều tranh cãi. Hiện tại, nhiều cơ quan báo chí đang có những bước đi quyết liệt, tích cực trong sử dụng truyền thông xã hội để quảng bá nội dung của mình nói chung, về môi trường nói riêng. Các tờ báo như VietNamNet, VnExpress, Tuổi trẻ Online… đều xây dựng các trang giới thiệu trên các mạng xã hội nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, cập nhật của cộng đồng. Nài ra, dưới mỗi bài viết cũng sử dụng các công cụ chia sẻ thông tin để tự động cập nhật những bài báo lên các mạng xã hội Facebook, Zing Me…

Công tác thông tin tuyên truyền trên báo chí nói riêng, các phương tiện thông tin đại chúng nói chung đã góp phần không nhỏ trong công tác vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường. Một số dự án như Hành Trình Xanh ( Green), 3R (JICA) hay những hoạt động, sự kiện bảo vệ môi trường như Giờ Trái đất (Earth Hour) được triển khai tại các thành phố lớn đã giúp người dân có điều kiện tiếp cận với vấn đề biến đổi khí hậu một cách khá rộng rãi. Sự kiện Giờ Trái đất năm 2012 đã nhận được sự hưởng ứng của 48 tỉnh và thành phố trên khắp cả nước. Sau 1 giờ diễn ra nghi thức “Tắt đèn” đã tiết kiệm được 546.000 kWh điện năng. Chương trình cũng nhận được nhiều cam kết từ khối doanh nghiệp. Sự kiện này cũng góp phần nâng cao hơn ý thức của người dân về bảo vệ môi trường xanh, sạch trước sự nóng lên toàn cầu.

Hiện tại, chưa có số liệu cụ thể đánh giá mức độ nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu của người dân, cũng chưa có một cuộc điều tra nào về vấn đề này được tiến hành với quy mô lớn, trên diện rộng ở Việt Nam. Tuy vậy, qua thực tế cho thấy nhận thức của người dân về môi trường và biến đổi khí hậu nói chung còn thấp. Để có chuyển biến tích cực, nhất thiết phải có sự vào cuộc từ nhiều phía. Trong việc tuyên truyền, báo chí giữ vai trò trung tâm nhưng cũng không thể bỏ qua sức mạnh và tác dụng to lớn của các phương tiện truyền thông khác, đặc biệt là truyền thông xã hội. Tận dụng được điều này sẽ thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu triệu người để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng./.

Chú thích:

(1) http://tamnhin.net/Viet-Nam-Xanh/9649/19-tac-pham-doat-giai-bao-chi-ve-tai-nguyen-moi-truong.html

(2) www.iucn.org                                                                          

(3)http://vov.vn/Home/Tap-huan-bao-chi-ve-chong-pha-rung/20123/203723.vov

TS. Nguyễn Thị Trường Giang

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Tham luận tại Hội thảo quốc tế về “Thực trạng báo chí truyền thông về môi trường ở châu Á”

do khoa Báo chí và Truyền thông (trường ĐH KHXH và NV Hà Nội  

phối hợp với Qũy Konrad-Adenauer-Stiftung (Đức) tổ chức vào ngày 24 và 25.5.2012)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN