Ý kiến xung quanh Dự thảo Nghị định xử phạt báo chí
(Sóng trẻ)- “Cần có những điều chỉnh hợp lý để những nhà báo chân chính tiếp tục tâm huyết với nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan lên tiếng bênh vực, bảo vệ cái tốt, loại trừ cái xấu, để cái “tâm” của người làm báo vẫn soi sáng vào mọi vấn đề của xã hội”.
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, vào ngày 14-01 vừa qua, dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp cùng với sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường…đã cùng họp bàn lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật…”.
Điều đáng quan tâm trong lần lấy ý kiến này là việc có nên bổ sung điều 8a vào Nghị định 159/2013/NĐ-CP hay không? Mức phạt được đề xuất ra là phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát những thông tin đã được cơ quan thẩm quyền công bố; phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lí hoang mang trong xã hội, bất ổn thị trường. Về mức xử phạt được nêu ra như trên, đã có không ít ý kiến, quan điểm khác nhau.
Những cái gật đầu
Dưới góc độ của những người đã, đang và sẽ làm báo, khi được hỏi về vấn đề trên bạn Vũ Thị Trang (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) thẳng thắn bày tỏ quan điểm:”Mình nghĩ điều này là hợp lí vì làm việc gì cũng thế, có thưởng thì cũng phải có phạt. Trước những sai sót của báo chí trong những sự việc đáng tiếc gần đây, bản thân mình là người học báo mình thấy rất buồn. Bộ cần có những cách xử lí nghiêm khắc, đánh giá đúng sự việc để có những mức phạt cụ thể”.
Cũng là vấn đề xử phạt báo chí trong dự thảo Nghị định ngày 14/1, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (Hà Đông-Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân tôi là người thường xuyên đọc báo mỗi ngày, tiếp xúc với nhiều luồng thông tin khác nhau. Có đôi khi tôi cũng gặp phải những thông tin được đăng dưới dạng “báo lá cải”. Tôi nghĩ cần phải có những điều chỉnh hợp lí để những nhà báo chân chính tiếp tục tâm huyết với nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan lên tiếng bênh vực, bảo vệ cái tốt, loại trừ cái xấu, để cái “tâm” của người làm báo vẫn soi sáng vào mọi vấn đề của xã hội”.
Báo chí cần thực hiện đúng nhiệm vụ
Báo chí là cơ quan ngôn luận nói lên tiếng nói của nhân dân, tuy nhiên có không ít những trường hợp đã làm không đúng với cái tâm của người làm báo. Bất cứ nghề gì cũng cần phải xuất phát từ cái tâm, sự nhiệt huyết với nghề, mà đối với nghề báo thì đây lại là yếu tố không thể thiếu. Dự thảo Nghị định xử phạt báo chí với những mức độ xử phạt phân theo mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm trong khi đăng tải thông tin là hoàn toàn có cơ sở.
Đây là hình thức để răn đe, để những người làm báo rút kinh nghiệm trong khi tác nghiệp, để mỗi người phải đắn đo suy nghĩ trước khi đăng tải bất cứ một thông tin gì. Đó cũng là để những người làm báo chân chính có niềm tin hơn với nghề mà mình đã, đang và sẽ theo đuổi.
Thiết nghĩ xử phạt báo chí khi đăng tải thông tin sai cũng là một việc cần thiết để nghề báo vẫn luôn thực hiện đúng nhiệm vụ của mình với những gì công chúng mong đợi. “Tôi muốn đem tiếng nói đến những người cần có tiếng nói…những người không có quyền lực”, Yuen Ying Chan, cựu phóng viên báo Daily News của New York, người đã mở một chương trình đào tạo báo chí tại Hong Kong tâm sự.
Không phải bất cứ thông tin gì cũng có thể đưa lên mặt báo. Những thông tin nhạy cảm, những chuyện chính trị, những chuyện liên quan đến quan hệ đối nại…không phải muốn là có thể bàn. Thông tin xuất phát từ cơ quan báo chí dù chỉ sai một li cũng đã có thể đi một dặm. Như vậy để có một sản phẩm báo chí chân chính thực sự cũng chẳng phải chuyện đùa. Nó đòi hỏi người làm báo phải ý thức được thông tin mà mình đang thực hiện. Dù chỉ là một sai sót nhỏ nhưng nó có thể ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của những người tiếp cận với thông tin ấy. Thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia.
Lời kết
Sứ mệnh của nhà báo là rất lớn và quan trọng, điều này càng đòi hỏi nhà báo phải mang lương tâm và trách nhiệm ra để thực hiện sứ mệnh ấy. Có thể nói những điều được Bộ bàn đến trong Dự thảo Nghị định xử phạt báo chí là cách để một nhà báo nhìn ngắm lại những thông tin mình đã viết, những cách mà mình đã thực hiện để mang thông tin đến với công chúng. Cách xử phạt nghiêm minh của Bộ cũng là để công chúng có cái nhìn toàn diện và tin tưởng hơn nữa vào những người “luôn đứng về phía nước mắt”.
Nguyễn Mơ
Báo Mạng điện tử K34
Cùng chuyên mục
Bình luận