5 lễ hội xuân nổi tiếng ở miền Bắc
(Sóng Trẻ) - Tháng Giêng là khoảng thời gian có nhiều lễ hội nhất trong năm và cũng là lúc người dân du xuân, trẩy hội hội cầu an lành, bình yên. Dưới đây là 5 lễ hội xuân không nên bỏ lỡ ở miền Bắc nước ta.
Lễ hội chùa Hương (Kéo dài từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch)
Là lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở Việt Nam, lễ hội chùa Hương (thuộc Hương Sơn, Mỹ Đức – Hà Nội) kéo dài từ ngày mùng 6 Tết cho tới hết tháng 3 Âm lịch. Chùa Hương là tập hợp nhiều động, chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp với thiên nhiên nhân tạo bao gồm đồi, núi, hang động, suối rừng và chùa, tháp… Vãn cảnh chùa Hương đầu năm không chỉ để cảm nhận không khí thanh tịnh, yên bình mà còn để cầu may mắn cho một năm mới an lành.
Xuôi dòng suối Yến
Hành trình trẩy hội sẽ bắt đầu với chuyến đò xuôi dòng suối Yến thơ mộng, trong xanh. Dọc đường đi, du khách có thể chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp núi non, sông nước tuyệt đẹp. Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng là những địa điểm không thể bỏ qua được khi tới chùa Hương.
Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh (Từ mùng 10 tháng giêng đến hết tháng 3 Âm lịch)
Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (Âm lịch) người dân lại nô nức về Quảng Ninh để trẩy hội Yên Tử. Chùa ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp xưa chùa cổ, mà còn là nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Điểm đặc biệt ở Lễ Hội Yên Tử là cuộc hành hương đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi, nơi có chùa Ðồng, nằm giữa thiên nhiên hùng vĩ. thơ mộng.
Đoàn người hành hương lên đỉnh Yên Tử
Chùa Đồng - chốn thiêng giữa non cao
Đặc biệt, dọc hành trình, ban sẽ bắt gặp những ngôi chùa, con suối, ngọn tháp, rừng cây và mỗi nơi là một truyện cổ tích sâu lắng tình người, như: chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, suối Giải Oan, chùa Giải Oan…
Hội Lim – Bắc Ninh (Từ ngày 12 – 14 tháng giêng)
Đến hẹn lại lên, hàng năm từ ngày 12 – 14 tháng giêng du khách bốn phương nô nức về huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để trẩy hội Lim – một trong những lễ hội độc đáo ở miền Bắc. Đây là lễ hội lớn vùng Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là hát quan họ trên thuyền. Nài ra, trong ngày lễ còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người…
Các liền anh, liền chị với khúc hát giao duyên
Lễ hội khai ấn Đền Trần – Nam Định (Từ 14 – 15 tháng Giêng)
Là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng ở Việt Nam, lễ hội khai ấn Đền Trần, Nam Định được tổ chức từ ngày 14 tháng Giêng hàng năm, lễ hội Đền Trần Nam Định (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) là một trong những lễ hội nhằm tri ân công đức 14 vị vua Trần.
Trống dong, cờ mở tại hội Đền Trần
Hầu hết du khách tới lễ hội Đền Trần đều mong muốn có một tờ ấn và mong ước được thăng tiến trong sự nghiệp. Nài lễ phát ấn, lễ hội còn tổ chức những hoạt động lễ hội truyền thống như: Múa rồng, múa lân, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người… để phục vụ du khách tham quan.
Lễ hội Bà Chúa Kho - Bắc Ninh (Từ ngày 14 đến hết tháng Giêng)
Được tổ chức vào nửa sau của tháng Giêng hàng năm, lễ hội Bà Chúa Kho là một lễ hội có ý nghĩa đặc biệt đối với những người làm ăn buôn bán. Lễ hội diễn ra ở Đền Bà Chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
"Đầu năm xin lộc, cuối năm trả lễ" Bà chúa Kho
Lễ hội Bà Chúa Kho có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) để cầu tài cầu lộc. Đầu năm đi xin lộc, cuối năm trả lễ Bà Chúa Kho từ lâu đã trở thành phong tục lâu đời của người dân Việt Nam.
Thanh Thanh
Cùng chuyên mục
Bình luận