Bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam - Sự chung tay của toàn xã hội

(Sóng trẻ) - Việt Nam hiện là một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới. Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, việc bảo vệ ĐVHD đã được các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ và cộng đồng đặt mối quan tâm lớn. 

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với bà Hoàng Bích Thủy - Giám đốc của Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã WCS tại Việt Nam để cùng bàn luận về một số giải pháp nhằm bảo vệ động vật hoang dã ở nước ta.

dvhd1.png
Bà Hoàng Bích Thuỷ - Giám đốc Chương trình WCS Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Thưa bà, là một người hoạt động và đam mê với các chương trình bảo tồn ĐVHD cũng như là Giám đốc của tổ chức WCS Việt Nam, bà có đánh giá như thế nào về công tác cứu hộ cũng như công tác bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam hiện nay?

Theo tôi thấy, công tác cứu hộ cũng như bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam đang được thực hiện khá tốt từ cả phía Chính phủ lẫn các tổ chức phi Chính phủ. Về phía Chính phủ và các cơ quan chức năng thì đã hoàn thiện được khung pháp luật bảo vệ ĐVHD để có thể xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, săn bắt, nuôi nhốt trái phép ĐVHD. Chính phủ đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ và xác đáng về quản lý và bảo vệ ĐVHD. Đặc biệt là Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi 2017) đã xác định tội buôn bán trái pháp luật ĐVHD là tội phạm nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù (đối với cá nhân phạm tội) và phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng (đối với pháp nhân thương mại phạm tội). Hơn nữa các cơ quan chức năng đã luôn tích cực tham gia vào các cam kết quốc tế trong đấu tranh với buôn bán trái pháp luật ĐVHD, nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi, đồng thời tiếp tục xử lý nhiều vụ việc vi phạm về ĐVHD.

Về phía các tổ chức phi chính phủ cũng có rất nhiều các tổ chức hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD như: WCS, WildAct, WWF. Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006, WCS đã phối hợp với các đối tác Chính phủ, tổ chức xã hội, các cơ quan quốc tế, truyền thông và cộng đồng nhằm tăng cường thực hiện cam kết và hợp tác liên ngành, liên quốc gia giữa các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý trong đấu tranh chống buôn bán ĐVHD trái phép.

Theo bà khó khăn lớn nhất trong công tác bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam hiện nay là gì? Những “lỗ hổng” nào cần được khắc phục và biện pháp khắc phục như thế nào cho hợp lý?

Tính đến hiện tại thì tôi thấy rằng đối với công tác bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam thật sự còn đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức, điển hình là các “lỗ hổng” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ như trong BLHS 2015 (sửa đổi 2017), Điều 244 có quy định chỉ áp dụng trách nhiệm hình sự trong các trường hợp vi phạm liên quan đến bộ phận cơ thể của động vật nếu các bộ phận đó là “bộ phận không thể tách rời sự sống”. Đây là một thuật ngữ không rõ ràng và có thể dẫn tới nhiều cách giải thích khác nhau, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp trong việc áp dụng luật để xử lý vi phạm.

Ngoài ra, việc hợp tác liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong nước về đấu tranh, phòng chống buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái pháp luật các loài ĐVHD chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân là do chức năng, thẩm quyền còn trùng lặp; các cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin, quy trình điều tra sau khi bắt giữ các cá thể hoặc sản phẩm ĐVHD chưa được quy định rõ. Cho nên đây là những “lỗ hổng” lớn cần được Nhà nước và Chính phủ chú trọng hơn để công tác bảo vệ ĐVHD có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hiện nay nạn săn bắt trái phép ĐVHD vẫn đang còn rất nhức nhối ở Việt Nam. Phải chăng các chế tài xử lý của nhà Nhà nước hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng này, thưa bà?

Ở Việt Nam thì những loài ĐVHD quý hiếm như voi, hổ, linh trưởng đang đứng trước nguy cơ săn bắt trái phép rất báo động. Cho nên tôi có một số khuyến nghị cải cách chính sách đối với Chính phủ và các cơ quan chức năng để góp phần hạn chế những hoạt động trái phép trên: Thứ nhất, nghiêm cấm các hoạt động nhiều nguy cơ nhất trong chuỗi cung ứng ĐVHD, đặc biệt liên quan đến các loài có nguy cơ cao nhất như các loài chim và thú hoang dã; Thứ hai là tăng cường thực thi pháp luật trong các hoạt động phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD; Thứ ba, thắt chặt quy định và giám sát hoạt động của các trang trại gây nuôi thương mại ĐVHD để lấy da và chế biến thuốc đông y; Thứ tư là cần phải xây dựng hướng dẫn về tiêu chuẩn an toàn trong quá trình xử lý ĐVHD bị tịch thu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh sang các cán bộ thực thi pháp luật và các nhân viên cứu hộ; Cuối cùng ta cần tổ chức các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi về tiêu thụ ĐVHD của người dân.

Vậy thì ngay từ hôm nay, mỗi người chúng ta cần làm gì để góp phần bảo vệ ĐVHD được tốt hơn, thưa bà?

Theo tôi thì bảo vệ ĐVHD không chỉ là việc của các tổ chức cứu hộ, nhà nước mà cần sự quan tâm của tất cả mọi người bởi chính chúng ta sẽ trực tiếp hứng chịu hậu quả, tác động lâu dài của buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Cho nên điều quan trọng và thiết yếu nhất bây giờ là mọi người cần hiểu rõ được tầm quan trọng của các loài ĐVHD và thay đổi được những nhận thức sai lệch, lỗi thời đã ăn sâu vào tiềm thức của mình từ xa xưa. Từ đó có trách nhiệm bảo vệ ĐVHD, chung tay ngăn chặn các hành vi săn bắt, giết mổ ĐVHD trái phép và cùng chung sống hoà bình với nhau.

dvhd2.png
Bà Hoàng Bích Thuỷ tại Hội thảo với các đại biểu Quốc hội về buôn bán động vật hoang dã, tháng 3/2017 (Ảnh: NVCC)

Bà hãy chia sẻ về những giải pháp thiết thực để bảo tồn ĐVHD đối với những người trẻ ở Việt Nam hiện nay?

Theo tôi thì giới trẻ là một lực lượng hùng hậu và quan trọng trong công tác bảo tồn ĐVHD. Theo tôi, giới trẻ cần phải: Thứ nhất, nâng cao hiểu biết về pháp luật để tránh rủi ro cho bản thân, người thân và bạn bè; Thứ hai là tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ ĐVHD của cộng đồng hoặc làm tình nguyện viên tại các tổ chức bảo tồn; Thứ ba là cần theo dõi và báo cáo các trường hợp vi phạm pháp luật mà các bạn bắt gặp tới các cơ quan chức năng, qua các đường dây nóng của các tổ chức phi chính phủ; Thứ tư là chính các bạn phải là người tiêu dùng có trách nhiệm, không mua sắm những sản phẩm được làm từ ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng hay các bộ phận cơ thể của chúng; Cuối cùng là đóng góp cho các vườn thú, khu bảo tồn qua các hoạt động gây quỹ của họ.

Xin cảm ơn bà vì đã cùng chúng tôi bàn luận và đưa ra những giải pháp vô cùng thiết thực về vấn đề bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam ngày hôm nay.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN