“Bút sắc” hóa “lưỡi dao”

(Sóng Trẻ) - “Bàn tay đứt rời và vết chém sâu hoắm ngay trên cổ tay khi bé Bích được đưa vào viện khiến các bác sĩ cũng phải kinh hoàng.”   đi kèm với lời miêu tả như trong tiểu thuyết kinh dị là một hình ảnh chân thực, minh họa cho cái điều gọi là “kinh hoàng” đó. Hàng triệu độc giả của Báo điện tử Dân trí được phen thấm thía cảm giác “mạnh” từ một bài báo, ít nhiều trong số đó băn khoăn “Liệu nhân vật trọng tâm của câu chuyện kinh dị và gia đình em sẽ nghĩ gì khi đọc bài báo này?”.

Khi chuyện “to” xé ra “khổng lồ”


Những vụ án gây nhức nhối dư luận thường thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí, bởi mức độ nguy hiểm, dã man của kẻ thủ ác và tính chất nghiêm trọng của sự việc. Việc báo chí cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ là vô cùng cần thiết, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả. Song, cũng vì mục đích câu khách, ăn theo dư luận mà nhiều tờ báo đã lấn sân quá đà, để lại nhiều nỗi ám ảnh và ấn tượng không đẹp trong mắt độc giả.

“Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa” đã qua nhưng mỗi khi nhắc lại, chắc hẳn ai cũng có thể kể vanh vách như một câu chuyện nằm lòng. Báo chí đi sâu khai thác vào từng ngóc ngách nhỏ nhất của vụ việc, khơi dậy nỗi đau… từ ngày này qua tháng khác. Thế rồi chính báo chí lại cãi nhau “ỏm tỏi”, cũng chỉ vì những tiểu tiết nhỏ nhặt, không đáng nói ấy. Như chuyện tìm thấy phần thi thể bị thất lạc của nạn nhân, trang tin 24h(*) đã miêu tả tỉ mỉ từ chi tiết phát hiện chim diều hâu bay trên bầu trời cho đến việc người đàn ông đi dấm cáy phát hiện ra sự việc. Trước đó một ngày, BĐT Dân trí(**) cũng đưa nguồn tin nói trên, chỉ khác là không có yếu tố chim diều hâu và người đi dấm cáy là phụ nữ, bổ sung thêm tình tiết có tìm thấy bộ đồ lót của nạn nhân!

Rồi vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt cũng vậy. Chỉ cần đánh từ khóa mang tên vụ án, ogle đã cho ra hàng triệu kết quả khác nhau. Có những thông tin cần thiết, mang tính chất thông báo và định hướng cho dư luận xã hội, nhưng cũng không ít thông tin khai thác quá sâu vào chuyện đời tư, cá nhân của người đã khuất. Mục đích cũng chỉ để thỏa trí tò mò!

Mới đây nhất, vụ thảm sát tiệm vàng ở Bắc Giang đã gây chấn động dư luận cả nước.  Dễ hiểu vì sao từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng cho đến các trang tin điện tử đều liên tục đăng tải các thông tin liên quan đến sự việc này. Tuy nhiên, rất nhiều tình tiết không hề mới vẫn cứ được “xào nấu” mỗi ngày, trở thành tin “nóng” và xuất hiện trên các trang chủ.

Liên quan đến vụ án này, chỉ trong vòng khoảng 2 tuần (24/8/2011 đến 6/9/2011), báo VnExpress đã đăng tới 24 tin, bài, báo Dân trí đăng 22 tin. Có những bài với tiêu đề như “Chưa có manh mối về hung thủ thứ hai”, “Chúng tôi vẫn chưa bắt được hung thủ thảm sát tiệm vàng”…  được nêu ra một cách vô nghĩa. Điều này không giải quyết được gì mà càng khiến cho người dân thêm phần hoang mang, lo lắng.


Tin bài “ăn theo” vụ án tiệm vàng ở Bắc Giang vẫn được cập nhật hàng ngày

VnExpress còn cho đăng hai bài viết: “3 giờ gây án của tên sát nhân ở tiệm vàng Bắc Giang” và “Tôi là thủ phạm duy nhất vụ cướp tiệm vàng”. Cả hai bài đều miêu tả hết sức tỉ mỉ cảnh tượng hung thủ giết người, hệt như người viết bài đã từng chứng kiến sự việc, có điều hai “nhân chứng sống” này lại kể lại hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn.

Nỗi niềm từ những đường link


Ngọc Bích (Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bức xúc chia sẻ về một đường link từ Dân trí trên Facebook cá nhân. Nội dung đường link đó là một bài báo viết về “Bàn tay bị đứt của em bé trong vụ thảm sát tiệm vàng” với những hình ảnh mà ngay cả trong phim kinh dị chưa chắc đã cận cảnh đến thế. Bích cho biết: “Bản thân mình cũng không dám theo dõi hết bài báo này, vì sợ bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong bài. Là một sinh viên báo chí, mình nhận thấy bài báo này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp nên đã lưu về máy để làm tư liệu phục vụ cho việc học”. Bích cũng cho biết thêm, sau 5 tiếng từ khi bài báo được đăng tải, những hình ảnh “sốc óc” trong bài đều đã được gỡ xuống.

Khai thác triệt để, tối đa mọi góc cạnh của những vụ án mạng, có bao giờ những người tạo ra sức mạnh của dư luận chịu đặt mình vào tâm thế của một người trong cuộc? Cô bé Bích trong vụ thảm sát tiệm vàng giờ đây may mắn thoát khỏi tử thần, nhưng cuộc sống của em biết bao giờ mới tìm lại được những ngày tháng bình yên? Báo đài liên tục đưa tin về việc cha mẹ em bị sát hại man rợ như thế nào, bàn tay em lìa đứt ra sao… Những đường link vô cảm ấy vô tình khắc sâu thêm vào nỗi đau nghiệt ngã trong cuộc đời em, mấy ai hiểu thấu?

Đau thương cũng còn đó trong vụ án của nhà báo Hoàng Hùng hồi tháng hai năm nay. Hàng chục bài viết lao vào mổ xẻ đời tư của gia đình nhà báo Hoàng Hùng, và có lẽ người chịu nỗi đau lớn nhất là hai cô con gái: cha mất, mẹ bị tạm giam, gia đình tan vỡ, cô con gái lớn không dám đến trường đi học. Đau lòng nhất là khi Nhung – con gái lớn nhà báo Hoàng Hùng vỡ òa lên khóc: “Con chán mấy chú nhà báo lắm rồi, chú ơi” với một phóng viên. Có đúng hay chăng khi chính xã hội và truyền thông đại chúng đang gián tiếp đẩy con người vào tột cùng đau đớn nhất của bi kịch.


Tổng biên tập Báo Người Lao Động Đỗ Danh Phương thăm con nhà báo Hoàng Hùng vào ngày 18/2, động viên em tiếp tục đi học.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề trên, Tiến sĩ Tâm lý Trịnh Thị Bích Liên (giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Đối với nạn nhân và những người trong cuộc, vì những thông tin như thế mà họ phải chịu thêm những áp lực của dư luận cùng với những tổn thương mất mát sẽ khiến họ thêm mệt mỏi và đau đớn, khủng hoảng tâm lý. Vô hình chung, báo chí tự làm mất đi bản chất nhân văn, hướng thiện của mình…”.

Đừng vô cảm!


Thực trạng chạy theo dư luận, câu khách, ăn theo và cạnh tranh không lành mạnh diễn ra ngày một ngang nhiên trên báo chí, nhất là báo mạng. Khi được hỏi về những thông tin trên báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự thất vọng: “Ngày nào tôi cũng lên mạng đọc báo để theo dõi tin tức. Gần đây, chuỗi thông tin liên quan đến vụ án tiệm vàng Bắc Giang luôn thuộc nhóm tin nóng, nhưng tôi thấy có quá nhiều thông tin bên lề và những bức ảnh cũ của hung thủ được trưng lên lấy lệ. Thậm chí các báo còn khai thác thừa thãi, đưa ra nhiều bài về nhận định của chuyên gia tâm lí này, luật sư kia để phán đoán sự việc một cách thiếu căn cứ”.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Báo chí Đỗ Chí Nghĩa (Tổng biên tập Thời báo doanh nhân) nhận định: “Phóng viên đang phải chịu nhiều áp lực về mặt thông tin, nhưng cũng có thể thấy rằng bản thân phóng viên chưa có bản lĩnh và năng lực nghề nghiệp. Hơn thế nữa, ranh giới luật pháp rất mỏng manh, không có quy định ràng buộc về việc đăng bài tràn lan, chế tài quản lí của các cơ quan báo chí không đầy đủ. Vậy nên việc thực hiện nằm ở ý thức đạo đức của các nhà báo”.

Còn Tiến sĩ Trịnh Thị Bích Liên cho rằng: “Từ góc độ tâm lý xã hội, có thể thấy hiện tượng đưa tin này xuất phát từ việc nhà báo ngộ nhận về thị hiếu của công chúng (phóng viên ngỡ rằng thông tin chi tiết, tỷ mỷ, đào sâu vào những chuyện bí mật sẽ tạo nên hứng thú cho người tiếp nhận). Thậm chí việc đăng tải những phản hồi, ý kiến của độc giả về các vụ án gần đây còn cho thấy dường như nhà báo đang bị cuốn theo dòng cảm xúc của dư luận mà không giữ được sự tỉnh táo, vững vàng cần thiết trước sức nóng và độ bùng nổ của các chiều hướng thông tin”.

Việc đưa tin bất chấp cảm xúc của người đọc, của nhân vật theo lẽ đương nhiên gây nên những ức chế và bất bình cho đại đa số người tiếp nhận (có lẽ chỉ một bộ phận nhỏ công chúng chấp nhận được). Riêng việc đi sâu mô tả quá tỷ mỷ về động cơ, cách thức gây án hoặc những thủ đoạn, toan tính của thủ phạm sẽ rất dễ khiến thông tin tác động theo chiều tiêu cực (vẽ đường cho tội phạm, gây ra sự trơ lỳ cảm xúc trước cái ác của con người…).

Còn nhớ, trong vụ Nhà báo Hoàng Hùng, nhiều độc giả đã phản ứng quyết liệt và đòi báo chí ngừng đưa tin về sự việc, vì họ hiểu rằng sự nóng vội đẩy tin bài của báo chí đã gián tiếp làm ảnh hưởng tới gia đình nạn nhân. Xã hội hiện nay cần những công chúng trách nhiệm và có thái độ nghiêm túc trước truyền thông đại chúng, nhất là trong thời buổi nhiều người cầm bút đang ngày càng vô cảm…

(*): Bài báo “Chúng tôi an lòng vì tìm thấy di thể cháu Linh”, đăng trên trang tin 24h ngày 8/6/2010.

(**): Bài báo “Phát hiện phần thi thể nghi của nạn nhân vụ Xác chết không đầu”, đăng trên BĐT Dân trí ngày 7/6/2010.

Mạnh Hà – Anh Vũ –  Thu Ninh – Thu Trang – Lan Anh

Lớp Báo mạng điện tử K.29

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN