"Chị Dậu" thời nay vẫn còn...

(Sóng trẻ) - Tôi chỉ biết nghĩ cho hai đứa con mà sống, tôi thương chúng nó thiếu thốn mọi thứ. Chỉ mong có người thuê mà kiếm bữa rau bữa cháo cho con… Mỗi lần trái gió trở trời là tôi lại đau ốm liên miên không đi làm được. Những lúc như vậy ba mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc..." Đó là những lời tâm sự đầy xót xa của chị Hà khi nghĩ về gia cảnh của mình.

Bốn mươi năm, hai nỗi đau, muôn nỗi khổ

Chị Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1974, trú tại tổ 3, xã Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, kể về cuộc sống của mình mà rưng rưng nước mắt. Người đàn bà 42 tuổi ấy vốn sinh ra trong một gia đình nhà nông khốn khó. Năm 13 tuổi, trong một lần đi làm thuê, chị bị lá dứa cứa vào mắt; từ đó, mắt bên phải của chị đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy được nữa.

bc85b72f1_chidau1.jpg
Người đàn bà đã phải chịu thiệt thòi từ bé

Ông trời thương đã bù đắp cho chị một người chồng chịu thương chịu khó và sẵn lòng đùm bọc chị. Chồng chị làm nghề thợ xây, anh chị gặp nhau sau những lần cùng đi phụ hồ, xây nhà cho người ta. Anh chị về ở với nhau chỉ bằng khay trầu và mâm cơm mời hai bên họ hàng. Hai vợ chồng làm thuê biết bao nhiêu công việc chỉ mong có thể có một gia đình đủ ăn đủ mặc đủ lo cho con cái. Dù khó khăn nhưng cả hai vẫn lạc quan và cố gắng vì gia đình.

bc85b72f1_chidau2.jpg
Chị Hà và hai đứa con gái của mình

Hạnh phúc tưởng như đã mở cửa với người phụ nữ này. Nhưng rồi, tám năm trước, số phận cay nghiệt đã cướp đi anh trong một tai nạn nghề nghiệp, để chị lại với đứa con gái đầu lòng lúc ấy gần 2 tuổi và đứa thứ hai mới mang thai được 6 tháng. Kể từ đó, ba mẹ con tự đùm bọc và cùng nhau trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn.

Từ đấy, một mình chị bươn chải đủ công việc từ phụ hồ, làm thuê, mò cua bắt ốc ra chợ bán để lo cho cuộc sống của ba mẹ con. Mất chồng, lại có khuyết tật về mắt, một thân phải tự lo cho hai đứa con, gia đình cả hai bên đều nghèo khổ và không có khả năng giúp đỡ, mọi thứ dường như vô cùng tuyệt vọng với chị. Người phụ nữ khốn khổ ấy đã không biết bao nhiêu lần gạt nước mắt khi gia cảnh túng quẫn cứ mãi đeo bám ba mẹ con. Suốt ngần ấy năm ròng rã, chị nói “3 mẹ con chỉ biết nhìn vào nhau mà cố gắng sống”. Trong căn nhà lụp xụp được dựng tạm trên đất của ông nại, những ngày mưa gió, ba mẹ con chỉ biết cầu mong cho gió không cuốn bay mái nhà và nước không ngập úng khắp mọi nơi. Trong căn nhà ấy, thứ duy nhất có giá trị là chiếc ti vi cũ kĩ được cho từ rất lâu rồi. Đến gian bếp ẩm thấp cũng chỉ có lò củi tạm bợ chứ không có bếp ga hay bếp lò.

bc85b72f1_chidau3.jpg
Căn nhà tạm bợ mà ba mẹ con sống trong hơn 7 năm qua

Con gái đầu của chị, bé Trương Thị Linh Chi (9 tuổi) năm nay học lớp 4, từ khi bố mất lại trở nên lầm lỳ, ít nói, có triệu chứng trầm cảm. Còn bé thứ hai, Trương Ngọc Hoài Thương (7 tuổi) năm nay đáng lẽ ra vào lớp 2 thì do sức học và khả năng tiếp thu chậm nên vẫn học lại lớp 1. Hai đứa bé, một còn chưa kịp nhớ rõ mặt bố, một còn chưa được nhìn mặt bố hàng ngày vẫn cùng nhau đi học, thổi cơm cho mẹ và đợi cửa chờ mẹ về. Chị Hà kể lại, có lần trời mưa to, cô chị sang lớp đón cô em về nhà, hai chị em chỉ có một cái áo mưa duy nhất bé tí, thế là cùng nhau che và dầm mưa về nhà. Sau lần ấy, cả hai cùng ốm một trận nhớ đời. Chị vừa giận vừa thương con, giận vì hai đứa dầm mưa về, thương vì thật ra nhà cũng chỉ có mỗi cái áo mưa đấy. Nhưng rồi chị cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay mà thương cho hai đứa con của mình. Hoàn cảnh gia đình không thể cho hai đứa con chị bằng bạn bằng bè, có điều kiện ăn học như con nhà người ta. Mỗi lần hai đứa làm buồn lòng, chị không dám trách mắng mà tự trách bản thân mình đã không lo nổi cho con.

bc85b72f1_chidau4.jpg
Linh Chi và Hoài Thương chịu thiệt thòi rất nhiều so với những đứa trẻ xung quanh

"Nghèo khổ cũng đã nghèo khổ rồi"

Hàng xóm xung quanh đều thông cảm và thương xót cho gia cảnh 3 mẹ con chị Hà. Chính quyền địa phương và trường học cũng đã có những biện pháp để giúp đỡ. Nhưng với số tiền trợ cấp hộ nghèo hàng tháng là 180 nghìn đồng, cuộc sống của 3 mẹ con vẫn luôn bấp bênh và vô cùng đáng thương. Những năm gần đây, chứng bệnh rối loạn nhịp tim khiến chị Hà không thể đi làm thuê đều đặn và kiếm sống qua ngày nuôi con, có những lần cả 3 mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc.

Cuộc sống khốn khó như thế nhưng dường như nghị lực sống và sự lạc quan của người góa phụ này vẫn luôn rất mãnh liệt. Trong câu nói nửa đùa nửa thật, chị nở nụ cười: “Cũng may có cái ao rau muống này. Trời mưa gió không đi làm được, ba mẹ con còn có bữa cơm rau, bán một bó rau vài ba ngàn thêm được đồng nào hay đồng ấy".

Hai đứa con của chị còn bé nhưng chắc cũng hiểu phần nào nỗi cơ cực của mẹ, cả hai rất nan và thường giúp đỡ mẹ việc nhà, chỉ là nhóm hộ mẹ bếp lửa để mẹ về nấu cơm, tự chăm sóc nhau khi mẹ vắng nhà. Vậy nhưng, trong tâm hồn ngây thơ ấy vẫn ẩn chứa những nỗi buồn, sự thiếu thốn không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về tình cảm, hiếm khi cả hai hỏi mẹ về bố, chắc chúng sợ mẹ buồn. Bắt gặp ánh mắt lơ đãng nhìn lên bàn thờ bố của hai em khi nhắc đến bố, tôi mới hiểu, thì ra, mất mát của trẻ con ám ảnh hơn rất nhiều so với người lớn.

Chị Hà tâm sự: “Số mình nghèo khổ cũng đã nghèo khổ rồi, bây giờ cũng không mong ước gì cao sang cả. Chỉ mong cho hai đứa con đã chịu quá nhiều thiệt thòi lớn lên được có thêm hy vọng và tương lai trong cuộc sống mà thôi”.

Rồi mai đây khi các em lớn hơn, mong rằng các em sẽ là người bảo vệ, chăm lo cho mẹ thay phần bố như bây giờ người mẹ tật nguyền vừa làm mẹ vừa làm cha cho các em. Mong rằng mái nhà kia vẫn luôn tràn ngập tiếng cười và hy vọng và những mảnh đời như ba mẹ con chị Hà sẽ được chắp nối ánh sáng trong nay mai.

Phan Nữ Trà My
Báo Mạng điện tử K33

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN