Chị, người nhóm lên ngọn lửa trong trái tim tôi
(Sóng Trẻ) - “Em à! chị rất tự hào vì có một em gái nan nãn như em. Nhà mình hoàn cảnh, chị phải nghỉ học dở dang nhưng chị hứa sẽ làm tất cả để em được học hành đến nơi đến chốn. Em hãy viết, viết bằng cả sức mạnh và tâm hồn của mình, không cần xa vời lắm đâu em, đề tài luôn quanh em nếu như em đủ tự tin để viết về nó”.
Chị tên là Mai. Cái tên khá là đẹp, một loài hoa bình dị nhưng thanh cao, trong sáng như chính tâm hồn chị vậy. Tôi lấy làm tị nạnh với chị về tên của mình. Mỗi lúc như vậy chị lại an ủi tôi "Mai Sơn - tên đẹp mà em, bố mẹ cũng khéo đặt em nhỉ. Mai là hoa mai, Sơn chính là núi. Hoa mai mọc trên núi. Nó chỉ sự chịu thương chịu khó, nghị lực đó em. Bố mẹ mong muốn chị em mình dù nghèo khổ vất vả nhưng phải luôn giữ cho tâm hồn luôn trong sáng như loài hoa mai và luôn đầy nghi lực biết vượt qua khó khăn gian khổ như hoa mọc trên núi vậy, sống trên núi không có ai chăm sóc nhưng hoa vẫn đẹp và còn hiếm hoi nữa.
Thế là tên Sơn theo tôi suốt những năm học từ cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi vào đại học. Mỗi lần cái tên được xướng lên dù bất cứ ở đâu, dù bạn bè thầy cô có thắc mắc hay chê bai gì tôi lại nhớ đến lời của chị và thấy tự hào biết mấy.
Chị tôi là học sinh giỏi văn. Là cây văn của trường nên thầy cô, bạn bè ai cũng mến chị, khi biết hoàn cảnh gia đình tôi, thầy cô càng quý mến chị hơn. Suốt những năm cấp hai, cấp ba chị luôn là người dẫn đầu trong những đợt thi tuyển học sinh giỏi văn cấp huyện, rồi cấp tỉnh. Chính vì điều đó mà tôi cũng được thơm lây, tôi hãnh diện về chị.
Chị tôi không xinh, không son phấn, không cầu kỳ. Nhà tôi nghèo, hai chị em mỗi người vẻn vẹn chỉ có hai bộ quần áo đi học. Hai chị em suýt soát bằng nhau nên có hôm hai chị em mặc đồ của nhau. Khổ nhất là hôm nào trời mưa không khô được cả hai chị em đều không có quần áo mặc đi học, thế là đành phải nghỉ học. Có hôm còn mỗi một bộ, chị nhường cho tôi mặc để đi học, chị ở nhà và lại tiếc vì hôm nay có bài kiểm tra văn, đúng vào cái đề chị thích nhất.
Những buổi đi học về tôi và chị lại đem thúng đi mót khoai và lạc ở nài rẫy. Những củ khoai bé tẹo so với gia đình khác thì đó là đồ bỏ đi. Nhưng với gia đình tôi thì đó là những miếng cơm nn miệng và quý giá hằng ngày. Những hôm trời mưa to, chúng lộ trên bề mặt đất nên dễ nhìn hơn, chúng tôi vác bị đội mưa đi mót. Có hôm được tận những ba bốn bị liền, chị em tôi ngao ngán đem về. Chị lại cười tít mắt, vậy là mai em không phải nghỉ học đi làm thuê với mẹ nữa rồi. Mai chị xin phép nghỉ học ở nhà phụ bố lợp lại nóc nhà bị giột. Em lo mà đi học đi nhé. Chị luôn hi sinh cho tôi.
Năm tôi lên lớp 9. Chị học lớp 12 thì bỏ học giữa chừng để đi làm phụ giúp bố và nuôi tôi ăn học tiếp. Bạn bè, thầy cô, hàng xóm ai cũng tiếc cho chị, với học lực của chị nếu được học tiếp chị sẽ ngày càng tiến xa hơn. Thầy cô đến nhà động viên chị tôi tiếp tục đi học nhưng chị quết định không đi học nữa.
Trong ký ức của tôi đó là khoảng thời gian buồn bã nhất của gia đình mình. Tôi thương chị lắm, chị phải đấu tranh tư tưởng để quết định từ bỏ ước mơ, niềm đam mê của chị để hi sinh cho gia đình. Thế là mơ ước trở thành nhà báo của chị đã bị chuyện mưu sinh lấn át. Gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của chị. Chị phải thay mẹ lo toan mọi việc trong nhà . Bố tôi vì vất vả nên càng ngày sức khỏe càng yếu dần. Gia đình tôi ngày càng khó khăn hơn.
Cuộc sống cứ thế trôi dần đi, thời gian cũng xóa dần đi những buồn phiền là lo toan. Gia đình tôi vẫn sống yên bình trong ngôi nhà bé nhỏ của mình. Mâm cơm gia đình ấm cúng bên nồi cơm lộn với khoai sắn nhưng vẫn vui vẻ.
Tôi vẫn theo đuổi việc học hành của mình như mong muốn của chị và bố. Mặc dù lực học của tôi không bằng chị ngày trước nhưng tôi cũng có một số thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi đủ để chị và bố tự hào và tin tưởng vào tôi. Vốn dĩ tôi không thích văn nhưng chị tôi đã truyền lại cho tôi khả năng cảm thụ văn học từ những đề văn luyện thi. Tôi dần thấy yêu văn hơn. Tôi gửi gắm tâm hồn mình vào những trang viết.
Tôi bước vào cánh cổng trường cấp ba với những niềm vui rạo rực đồng nghĩa với việc những áp lực học tập và vấn đề chi phí ngày càng nặng nề hơn. Chị tôi phải rời xa bố và tôi để vào nam làm công nhân cho một công ty kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Hằng tháng chị gửi tiền về, số tiền ít ỏi từ sự vất vả của chị nơi đất khách quê người mặc dù không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình nhưng tôi thấy quý trọng nó biết mấy.
Đó là những đồng tiền gửi bằng niềm tin, sự yêu thương của chị dành cho tôi và bố. Thỉnh thoảng chị mượn điện thoai bạn bè gọi điện về hỏi thăm sức khỏe củ và việc học hành của tôi thế nào. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi không làm vơi bớt nỗi nhớ của tôi dành cho chị.
Chị gửi cho tôi một cuốn sổ tay nhỏ, trong đó có viết những dòng nhắn nhủ yêu thương và sự quan tâm của chị dành cho tôi:" Em à! chị rất tự hào vì có một em gái nan nãn như em. Nhà mình hoàn cảnh chị phải nghỉ học dở dang nhưng chị hứa sẽ làm tất cả để em được học hành đến nơi đến chốn". Mỗi lần giở cuốn sổ ra tôi tự nhủ lòng mình phải thực hiện được ước mơ mà chị tôi hằng mơ ước. Những ngày chị vắng nhà, Căn nhà vắng chị trở nên lạnh lẽo và yên ắng hơn.
Tôi được chọn vào đội tuyển văn của trường và vào học lớp chuyên văn. Chị tôi mừng lắm. Thay vì gửi quần áo về chị gửi cho tôi rất nhiều sách mới và hay để đọc. Tâm hồn như được dội vào những giọt nước mát lạnh giữa mùa hè nóng bức bởi những trang sách thật tuyệt mà tôi chưa bao giờ được nhìn, được sờ lên nó bao giờ. Giờ thì tôi hết cảm giác thèm thuồng mỗi khi nhìn thấy lũ bạn nhà giàu cầm mấy cuốn sách dày cộm đặt trên mặt bàn, mà mỗi khi mượn bọn nó lại tỏ thái độ khó chịu.
Tôi tiếp tục cuộc đời sinh viên và nuôi lớn ước mơ của mình. Thấm thuắt cũng gần ra trường. Chị vẫn luôn nhắc nhở tôi cẩn thận trong việc làm báo. Chị bảo: “Em hãy viết bằng cả sức mạnh và tâm hồn của mình. Không cần xa vời lắm đâu em, đề tài luôn ở quanh em nếu như em đủ tự tin để viết về nó”. Lời khuyên của chị càng giúp tôi tự tin bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn.Chị hãy yên tâm nhé! Em sẽ cố găng thay chị thực hiện ước mơ.
Cảm ơn chị đã nhóm lên ngọn lửa trong trái tim tôi!
Cao Thị Sơn
Lớp: Phát thanh K.31
Cùng chuyên mục
Bình luận