Chi tiết trong tin phát thanh hiện nay

(Sóng Trẻ) - Chi tiết là những “điểm nhỏ, những phần rất nhỏ rất nhỏ của nội dung”[1]. “Chi tiết có thể là một hành vi, một lời nói, một cử chỉ của con người hay một trạng thái cụ thể của hoàn cảnh diễn ra sự kiện. Thông qua các chi tiết, nhà báo mô tả, phản ánh sự kiện…”[2]

Nếu đặt một lát cắt lịch sử, lấy mốc năm 1993, chúng ta nhận thấy hệ thống các chi tiết trong tin phát thanh có nhiều sự vận động. Ở năm 1993, tin phát thanh là một tổng hợp dày đặc các chi tiết liên quan đến sự kiện. Phỏng vấn sâu của chúng tôi với các nhà báo kinh qua thời gian này và các nhà nghiên cứu cho kết quả 100% người trả lời khẳng định, chi tiết trong tin phát thanh ở năm 1993 vừa nhiều vừa thiếu tính chọn lọc, được thể hiện theo kiểu tuần tự mà không cân nhắc tầm quan trọng của các chi tiết và việc nên đưa chi tiết nào trước, chi tiết nào sau.


Sự vận động của chi tiết trong tin phát thanh hiện nay thể hiện ở những điểm sau:

- Chi tiết trong tin phát thanh được lựa chọn xung quanh một tâm điểm là chủ đề, phục vụ cho việc làm rõ chủ đề. Do vậy, chi tiết mang tính tập trung và được hạn chế về số lượng.           

Một trong những minh chứng là ở nhóm tin lễ tân, hội họp, nếu như trước đây việc đưa ôm đồm các chi tiết và theo một khuôn mẫu có sẵn khiến cho tin “nặng về phần lễ mà nhẹ về phần tin”, thì hiện nay tin về các sự kiện lễ tân, hội họp đã được cải tiến cách viết theo lối đưa các chi tiết nêu bật hoạt động hoặc kết quả. Theo các nhà báo, tin lễ tân, hội họp ở năm 1993 của Đài TNVN quá chú trọng vào các chi tiết về nghi lễ, về tên người và chức vụ và điều này đã được giản lược trong tin hiện nay. Ví dụ:

Nhận lời mời của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 20 đến 23 tháng 10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ và trao đổi với các lãnh đao cấp cao của Trung Quốc về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương… (Trích chương trình thời sự 17/10/2009, Đài TNVN)

Cũng có thể thấy, nếu xét về số lượng thì tin về sự kiện lễ tân hiện nay xuất hiện nhiều hơn so với năm 1993 do đường lối đổi mới của Đảng đã mở ra quan hệ đa phương và song phương với các nước bạn bè năm châu. Các sự kiện lễ tân chính là kết quả của các mối quan hệ ngày một mở rộng đó. Nhưng những chi tiết lễ tân đơn thuần trong tin đã được giảm đi, thay vào đó là sự chú ý tới những chi tiết có tác động tới đời sống xã hội, có ý nghĩa đối với công chúng thính giả. Hơn nữa, sự ưu tiên cho những tin về sự kiện lễ tân cũng giảm đi. Nếu như ở năm 1993, những tin về sự kiện lễ tân thường xuất hiện ở đầu chương trình thì hiện nay, những tin này có thể xuất hiện ở đầu, giữa, thậm chí cuối chương trình.

Nhằm giúp thính giả dễ tiếp nhận thông tin, việc hạn chế sử dụng nhiều con số trong tin phát thanh hiện nay, khác với việc sử dụng số liệu tự do trong tin năm 1993 cũng là minh chứng cho sự vận động của chi tiết. Chỉ 1,21% tin hiện nay có sử dụng 3 con số; 0,04% tin có sử dụng 4 con số, hầu hết các con số đều được làm tròn trừ những trường hợp cần phải đưa chi tiết cụ thể như giá vàng, giá đô- la … đã cho thấy có sự cân nhắc các chi tiết khi sử dụng.

Chủ đề rõ và góc tiếp cận hẹp đã tác động lên cách lựa chọn chi tiết. Hơn nữa, do tính chất nhanh và nhiều của dòng chảy tin trên sóng phát thanh khiến cho nhà báo phải lựa chọn chi tiết để tin ngắn hơn, đưa được nhiều tin hơn, phải làm sao để trong một khoảng thời gian ngắn nhất, công chúng tiếp nhận được nhiều thông tin nhất. Ở năm 1993, số lượng tin chưa nhiều nên phóng viên, biên tập viên chưa phải đối mặt với sức ép của việc lựa chọn và tổ chức tin sao cho đưa được nhiều tin trong một bản tin. Thậm chí, theo nhà báo Đào Văn Cổn, tin còn phải viết cho dài để tình đủ thời lượng của một bản tin. Phóng viên lúc này cũng chưa chịu sức ép phải viết tin sao cho dễ nghe, dễ nhớ, trong khi hiện nay, việc viết tin đã được cân nhắc khả năng tiếp nhận của thính giả và mỗi phóng viên phải tự trang bị kiến thức và kỹ năng để viết tin sao cho mang lại sự thuận tiện với cách thức tiếp nhận bằng tai nghe.

- Chi tiết quan trọng thường được đưa lên vị trí đầu tin nhằm thể hiện trực tiếp chủ đề. Kết quả khảo sát cho thấy 73,61% tin có chi tiết quan trọng nhất được đưa trong câu mở đầu đã chứng minh cho luận điểm này. Nài ra, 19,3% tin có chi tiết quan trọng nhất được đưa ở vị trí giữa tin. Vị trí của chi tiết quan trọng nhất thể hiện mô hình kết cấu tin.

Chi tiết quan trọng nhất được đưa lên đầu tin là cách thức đã được các nhà nghiên cứu chứng minh là phù hợp với cách tiếp nhận của công chúng thính giả hiện đại, vừa tạo sự dễ tiếp nhận, dễ nắm bắt thông tin, tạo hứng thú nghe và từ đó, thu được hiệu quả cao hơn.

- Chi tiết trong tin phát thanh đi vào trả lời các câu hỏi 5W+1H ở mức độ khái quát, cơ bản nhất. Nếu như ở các thể loại khác, các câu hỏi 5W+1H được trả lời tương đối kỹ lưỡng với nhiều tình tiết liên quan trực tiếp và gián tiếp thì trong tin, các chi tiết được chọn lọc sao cho trả lời các câu hỏi này ở cấp độ khái quát.

- Sức thuyết phục, sự sinh động của chi tiết trong tin phát thanh hiện nay được nâng lên do nhà báo sử dụng giọng nói nguyên gốc của nguồn tin để thể hiện. Chúng tôi sử dụng khái niệm âm thanh gốc để gọi tên những âm thanh do chính nguồn tin trực tiếp thể hiện. Đó là những thông tin do những nhân vật có thẩm quyền, do nhân chứng cùng sự tham gia của tiếng động hiện trường trong một số trường hợp đã tạo độ tin cậy cao cho các chi tiết. Giọng nói của phóng viên có mặt tại hiện trường cũng được coi là một dạng âm thanh gốc do họ là người chứng kiến, trải nghiệm sự kiện và thể hiện thông tin. Lúc này, họ có vai trò như một nguồn tin. 24% tin có trích dẫn trực tiếp lời phát biểu của các nhân vật; 7,1% tin đưa trực tiếp lời nói của phóng viên đã cho thấy việc sử dụng âm thanh gốc để tăng tính thuyết phục và sinh động cho chi tiết trong tin.

Nhìn chung, chi tiết trong tin phát thanh đã được chọn lọc và thu hẹp về số lượng. Một câu hỏi được đặt ra là so với mức độ dày của chi tiết trong tin năm 1993,  trong tin giữ lại những dạng chi tiết nào. Chúng tôi nêu cụ thể những dạng chi tiết thông tin với tư cách là những bộ phận nhỏ của nội dung tin phát thanh:

+ Chi tiết thông tin định hình và gọi tên sự kiện. Ví dụ: Thái Nguyên triển khai miễn thủy lợi phí cho người dân; 5 người chết trong trận lũ quét tại Tương Dương, Nghệ An; Chập điện cao thế ở Hà Nội;…

+ Chi tiết thông tin mô tả diễn biến chính của sự kiện. Ví dụ:

Nhiều giải pháp quan trọng đã được đề ra nhằm thúc đẩy sản xuất, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 13 sáng nay…(Trích chương trình thời sự 12 giờ ngày 12/12/2008)

+ Chi tiết thông tin liên quan trực tiếp đến sự kiện: nói về nguyên nhân, mục tiêu, kết quả, hậu quả. Ví dụ:

Đại diện các công ty kinh doanh ga cho biết, nài nguyên nhân giá ga thế giới tăng, giá ga trong nước tăng cao còn do giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng 2 lần trong 1 tháng qua… (Trích bản tin 8h ngày 2/9/2009)

+ Chi tiết thông tin đánh giá khái quát về sự kiện: nói về quy mô, phạm vi, ý nghĩa, tính chất của sự kiện. Ví dụ:

Ước tính, số hàng nhập lậu trị giá gần 2 tỷ đồng. Đây là vụ phát hiện hàng nhập lậu đồ thể thao lớn nhất trong 2 năm trở lại đây ở Hà Nội…(Trích chương trình thời sự 6 giờ ngày 11/12/2008)

+ Chi tiết thông tin dự báo sự kiện: tức đưa ra hướng phát triển của sự kiện dựa trên những cơ sở dữ liệu đáng tin cậy và tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ những sự kiện cần có những dự báo hoặc đã có đủ dữ liệu để đưa ra dự báo thì dạng chi tiết này mới xuất hiện. Chúng cũng thường xuất hiện dưới dạng nhận định của một nhân vật có thẩm quyền hoặc chuyên gia. Ví dụ:

…Ông Cha-vết nói:

Băng 13’’4: “Thế  kỷ 21 sẽ không phải là một thế giới lưỡng cực hay đơn cực. Đây phải là một thế giới đa cực. Cùng với Nam Mỹ, Châu Phi sẽ trở thành một cực địa lý, kinh tế và xã hội quan trọng trên bản đồ thế giới.” (Trích chương trình thời sự 18 giờ ngày 26/9/2009)

Trong phần sau của tin, nhân vật – ông Cha-vết – tổng thống Vê-nê-xu-ê-la đã đưa ra những thông tin nhận định mang tính dự báo về tương lai của Châu Phi và Nam Mỹ trong bối cảnh chính trị của thế kỷ 21.

Trong các dạng chi tiết trên, dạng chi tiết đầu tiên tức thông tin định hình và gọi tên sự kiện thường do nhà báo thể hiện. Các dạng chi tiết sau có thể sử dụng lời nói của phóng viên tại hiện trường và nhân chứng để thể hiện. Nhà báo cũng có thể sử dụng tiếng động hiện trường như một dạng âm thanh gốc để bổ sung, cung cấp thông tin thuộc dạng mô tả các diễn biến chính của sự kiện tới công chúng.

Bên cạnh đó, không phải mọi tin phát thanh đều hàm chứa tất cả các dạng chi tiết thông tin trên. Trong những điều kiện nhất định sẽ có thể có những dạng chi tiết được ẩn đi.

Về yếu tố bình luận trong tin phát thanh, trái lại với ý kiến của một số chuyên gia cho rằng trong tin không nên có yếu tố bình luận, kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy yếu tố bình xuất hiện trong nhiều tin phát thanh (6,85%). Từ việc phân tích định tính tin có yếu tố bình, chúng tôi nhận thấy với nhiều tin, yếu tố bình luận đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp thính giả hiểu được tình hình hoặc bản chất sự kiện. Ví dụ:

Nại trưởng Hilari – Clinton đang tiến hành chuyến công du thăm 3 nước Châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Chuyến thăm này của bà Hilari cho thấy Châu Á đang trở lại vị trí ưu tiên trong chính sách nại giao của Mỹ. (Trích bản tin 15 giờ ngày 6/2/2009)

Câu thứ hai của đoạn tin trên thể hiện bình luận về ý nghĩa của sự kiện.  

Việc bình luận trong tin phát thanh xuất phát từ những đòi hỏi của công chúng và những yêu cầu trong nhiệm vụ truyền thông của đài phát thanh. Một đặc điểm trong tâm lý tiếp nhận của công chúng hiện đại là không chỉ muốn nhận biết những tin mới, tin nóng hổi mà họ còn có nhu cầu biết ý nghĩa cũng như cách đánh giá, nhìn nhận của cơ quan báo chí. Thông qua yếu tố bình luận dù rất hạn chế trong tin, Đài phát thanh thể hiện tính định hướng của mình và điều này hướng dẫn công chúng cách nghĩ, cách làm phù hợp với sự biến chuyển của tình hình thực tế.

Tuy nhiên, yếu tố bình trong tin thường được hạn chế về liều lượng và mức độ để vẫn đảm bảo tính thông báo, ngắn gọn, khách quan của thể loại này. Hai ví dụ chúng tôi nêu trên cũng thể hiện điều này.

Đinh Thu Hằng
Khoa Phát thanh – Truyền hình
 Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tài liệu tham khảo:

1. Đại từ điển Tiếng Việt, tái bản 2008, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

2. Tác phẩm báo chí tập 1, 1995, Tạ Ngọc Tấn chủ biên, NXB Giáo dục.


Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN