Chủ quán cà phê e ngại trước tệp khách hàng sinh viên

(Sóng trẻ) - Tại nhiều quán cà phê, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ đang vùi mình vào bài vở, bên cạnh là những chiếc laptop cá nhân được cắm sạc liên tục trong nhiều giờ đồng hồ. Tình trạng này khiến nhiều chủ quán cà phê gặp phải khó khăn trong kinh doanh.

Khách đến nhiều vì có bàn cao và ổ điện

Mở quán cà phê được hơn 5 năm, chị Ngọc Phương (35 tuổi, Hải Phòng) có cho mình lượng khách hàng ổn định. Không có thiết kế quá độc lạ hay trang trí theo “trend”, quán cà phê của chị Phương trong suốt nhiều năm qua có tệp khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng, người đi làm tới để thưởng thức đồ uống, trò chuyện cùng bạn bè.

1-1.png
Chị Phương mở quán cà phê từ cuối năm 2018, đồng thời cũng là pha chế chính của quán. (Ảnh: Thùy Linh)

 

Thế nhưng, trong một năm trở lại đây, lượng khách hàng là học sinh, sinh viên tới quán cà phê của chị Ngọc Phương tăng lên đáng kể. 

“Khoảng gần cuối năm 2022, tôi có sửa sang lại quán đôi chút. Tôi kê thêm một vài chiếc bàn cao và lắp thêm ổ điện cho xung quanh quán. Nhiều lúc khách muốn sạc điện thoại hay máy tính, có ổ điện ngay cạnh cũng tiện cho họ”, chị Phương cho rằng đây là ý tưởng sẽ giúp “ghi điểm” trong mắt khách hàng.

2-1.png
Bàn cao được chị Phương trang bị cho quán, bên cạnh mỗi chiếc bàn đều có ổ điện riêng. (Ảnh: Thùy Linh)
3-1.png
Bàn cao, dài phục vụ cho mục đích trò chuyện, họp nhóm đông người của khách hàng. (Ảnh: Thùy Linh)

“Từ khi quán sửa xong, các bạn học sinh, sinh viên đến quán mình đông hơn đáng kể. Các bạn đến để học bài, làm việc, khá ưa thích những góc có bàn cao và nhiều ổ điện trong quán”, chị Phương cho rằng việc sửa sang quán nước đã thu hút thành công tệp khách hàng mới.

Quán đông nhưng mất khách quen, doanh thu không tăng

Khách tới đông, quán cà phê cũng trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn. Chưa kịp vui mừng trước sự khởi sắc của quán, chị Phương lại có cho mình thêm một nỗi lo mới. Đó là tình trạng các bạn trẻ “đóng đô” hàng giờ đồng hồ. 

“Các bạn thường gọi nước rồi ngồi ở quán mình khá lâu, trung bình từ 3 – 4 tiếng, hoặc có thể là cả ngày nếu trong mùa thi. Khách mới đến đôi khi không có chỗ ngồi vì các bạn đã ngồi kín diện tích quán”, chị Ngọc Phương nói.

Trước đó, khách hàng tới quán cà phê của chị Ngọc Phương chỉ ở lại trung bình nửa tiếng, nhiều nhất là một, hai tiếng với nhóm khách đông, rồi lại tới lượt khách khác. Với tốc độ xoay vòng ổn định, quán chị Phương tuy không quá đông khách nhưng giữ được doanh thu ổn định, có nhiều khách quen. 

Giờ đây, quán luôn chật kín khách hàng nhưng lượt khách không tăng, thậm chí còn giảm so với thời gian trước, ảnh hưởng tới doanh thu của quán.

“Các bạn ít khi gọi thêm đồ uống, đa phần sẽ gọi đồ một lần khi ngồi học ở đây. Thoạt nhìn quán có vẻ làm ăn tốt, luôn đông khách, nhưng có những tháng tôi thu về chỉ vừa đủ tiền vốn, không có đồng lãi nào”, chị Phương thở dài.

Với xuất phát điểm không phải quán cà phê làm việc, chị Phương gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũ và mới. Chị đã từng nghĩ đến việc tăng giá đồ uống hay đặt ra yêu cầu phải gọi thêm đồ uống sau số giờ nhất định ngồi tại quán, nhưng những ý tưởng trên đều gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Cũng như chị Phương, quán cà phê của anh Nhật Minh (24 tuổi, Hà Nội) cũng gặp phải tình trạng tương tự. Để giải quyết vấn đề này, anh đã đề ra quy định giới hạn thời gian khách hàng ngồi tại quán. Thời gian tối đa khách hàng được ngồi tại quán là 3 tiếng. Sau thời gian này, khách hàng nếu muốn tiếp tục ngồi tại quán sẽ phải gọi thêm đồ uống, hoặc quán sẽ thu thêm phụ phí bằng với mức giá món đồ uống thấp nhất. Song, giải pháp này của anh Minh cũng chưa thật sự hiệu quả.

“Việc nắm rõ và quản lí thời gian đến và đi của khách hàng không hề dễ dàng, đặc biệt vào dịp cuối tuần, khi lượng khách đông. Rất dễ dẫn đến sự nhầm lẫn giữa các khách hàng”, anh Minh chia sẻ.

Gặp phải quá nhiều bất cập, quy định về thời gian của anh Minh đã được loại bỏ sau một tháng triển khai.

Bạn Phạm Huyền, 19 tuổi, sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Mình và bạn bè thường ra quán cà phê để học khi có bài tập hoặc tới mùa thi. Vì còn là sinh viên nên mình thường ưu tiên các quán cà phê có giá thành rẻ, phải chăng. Nếu quán tăng giá, mình sẽ tìm đến những quán cà phê khác phù hợp với chi tiêu của mình hơn”.

4-1.png
Bạn Phạm Huyền cho biết sẽ tìm quán cà phê mới nếu quán cũ tăng giá. (Ảnh: Thùy Linh)

Không chỉ riêng quán cà phê của chị Ngọc Phương và anh Nhật Minh, nhiều quán cà phê khác cũng đang gặp phải vấn đề tương tự, khi mà học sinh, sinh viên ngày càng có xu hướng “cắm rễ” để chạy deadline nhiều hơn. Cần phải có những thay đổi phù hợp để các quán cà phê đáp ứng được xu thế chung, không dẫn tới “phá sản”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN