Chữa bệnh trong bóng tối


(Sóng Trẻ) - Hiền lành, nhiệt tình và chu đáo, đó là những nhận xét đầu tiên của hàng xóm và cả những khách hàng quen thuộc tại cửa hàng xoa bóp, bấm huyệt của anh Trần Công Ninh - một người khiếm thị với nghị lực vượt khó đáng khâm phục.

Không có việc gì khó

 

Ngôi nhà nhỏ nằm ở ngõ 12, đường Lương Khánh Thiện (Phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) của anh Trần Công Ninh là địa điểm tìm đến của rất nhiều khách hàng khi có nhu cầu tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt và chữa trị một số bệnh theo y học cổ truyền.

 

Căn bệnh viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp đã dần cướp đi đôi mắt quý giá để nhìn thấy ánh sáng của anh. Đó là quãng thời gian 5 năm về trước đầy khó khăn và dằn vặt đối với riêng bản thân anh. Do hạn chế về thị lực, anh buộc phải nghỉ công việc lái xe, ở nhà.

 

Mọi trách nhiệm, thu nhập kinh tế của gia đình đều trông cậy vào cửa hàng may nhỏ của người vợ, chị là Nguyễn Thị Nhu – người phụ nữ gốc Hà thành. Những lo toan, tần tảo ở cái tuổi 47, dường như đã làm chị già đi nhiều so với tuổi của mình.

 

Ba năm, anh Ninh sống với biết bao nhiêu buồn tẻ và dằn vặt. Bởi, anh thầm tự trách chính mình, vì không giúp được gì cho vợ con. Mỗi ngày qua đi trong bóng tối, càng làm cho anh thấy con đường phía trước thêm mờ mịt. Nhưng rồi, anh cũng đã tìm thấy cho mình con đường đi có mục đích hơn.

 

Một lần tình cờ, người anh trai của anh Ninh có đọc được ở trên báo giới thiệu về một trung tâm xoa bóp, bấm huyệt rất hiệu quả của một người khiếm thị. Và đã nói với anh rằng: tại sao người ta cũng là người khiếm thị mà làm được như thế, hay chú thử đến học nghề này rồi đi làm ở trung tâm đó xem sao? Câu nói của người anh trai đã là hướng gợi mở trong anh Ninh những suy nghĩ thử học công việc này và không bỏ qua cơ hội nào.

 

Anh tham gia vào hội người mù quận Hoàng Mai, sau đó đã được Hội cử đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt, học chữ nổi, học vi tính. Anh Ninh tâm sự: Nếu không thử sức với những hoạt động như vậy, anh không thể biết được khả năng tiếp thu của mình cũng rất nhanh.
 

Anh Vũ Thủy – Phó Chủ tịch Hội người mù quận Hoàng Mai cho biết: “Bình thường, đối với những người khiếm thị khác, thì việc học chữ nổi cũng như học vi tính, họ phải mất một thời gian khá dài để làm quen và thành thạo. Nhưng với anh Ninh thì chỉ mất đúng một tuần là anh có thể đọc được chữ nổi và sử dụng được máy vi tính. Đây là khả năng rất tốt mà không phải hội viên nào cũng có được”.

 

Sau khi kết thúc khóa học xoa bóp bấm huyệt dành cho người khiếm thị ở quận Hoàng Mai, anh lại tiếp tục học thêm tại Học viện Y Dược Học Cổ Truyền, hoàn thành khoá học với chứng chỉ nghề xuất sắc, một tương lai tươi sáng thực sự đang mở ra trước mắt anh.

 

Chỉ với một năm học nghề, anh Ninh đã tự tin với khả năng của mình và mạnh dạn mở phòng xoa bóp, bấm huyệt để chữa bệnh ngay tại nhà. Lượng khách ban đầu tuy còn khiêm tốn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn khi anh chữa khỏi một số căn bệnh nan y cho nhiều người, thì lượng khách tìm đến với cửa hàng của anh ngày một đông.

 


Anh Ninh luôn tâm niệm rằng: “Trong cuộc sống, không có gì là không thể làm được, người khác làm được thì mình cũng làm được”. Có lẽ chính bởi lý lẽ giản dị ấy mà anh chưa bao giờ nghĩ rằng có bất cứ việc nào khó đối với mình.


Điểm tựa là hạnh phúc gia đình


 

Khi được hỏi về động lực nào đã giúp anh có được cuộc sống ổn định như bây giờ, anh Ninh không ngần ngại chia sẻ những tình cảm, cả lòng biết ơn rất lớn tới người vợ của mình. Trong suốt những ngày tháng anh phải chịu đựng sự tăm tối, chị chưa bao giờ than phiền về trách nhiệm nặng nề - những công việc lẽ ra phải do người chồng đảm đương.

 

Hơn ai hết, chị hiểu, thông cảm và rất yêu thương anh. Nụ cười hiền hòa của chị toát lên được sự tin tưởng và hạnh phúc khi nhắc đến anh. Chị nói trong niềm tự hào về người chồng mà chị vô cùng nể trọng: “Tôi không có gì để “chê” anh ấy cả. 20 năm qua, đối với tôi và con, anh ấy vẫn là trụ cột của gia đình”.  

 

Chị Nguyễn Thu Hà – Chủ tịch Hội người mù quận Hoàng Mai cho biết, anh Ninh là một trong số rất ít những người khiếm thị hiện nay trong hội trở thành lao động chính của gia đình. Sau một thời gian dài sống với nhiều khó khăn và mặc cảm, anh đã vươn lên, giữ gìn hạnh phúc gia đình bền chặt, điều mà không phải người khiếm thị nào cũng dễ dàng làm được.

 

Anh Ninh mong muốn sẽ mở được một cơ sở Xoa bóp, bấm huyệt lớn hơn với nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Trong nền kinh tế thị trường, anh cũng nhận thức được rằng: Uy tín luôn là chất lượng hàng đầu. Chữ tâm và chữ tài đều thích hợp cho mọi loại nghề nghiệp, nhưng với những người làm công việc cứu người thì phải luôn luôn ghi nhớ điều này.

 

Niềm tin, nghị lực của anh Ninh chính là bài học cho những người khiếm thị còn ngần ngại đi tìm ánh sáng, hướng đi mới cho cuộc đời mình.

Vân Anh

Báo mạng điện tử K.27

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN