Chùa Hương: Thực hư câu chuyện giá vé tăng, len lỏi tình trạng “lách” quy định
(Sóng trẻ) - Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) diễn ra được hơn một tháng kể từ ngày khai hội (11/2/2024). Mặc dù đã giảm thiểu đáng kể các tình trạng chèo kéo khách đi đò, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế khác.
Giá vé tăng mạnh khiến nhiều khách du lịch than vãn
Từ 1/1/2024, giá vé thắng cảnh chùa Hương (quần thể Hương Sơn) được nâng từ 80.000 đồng lên 120.000 đồng/người/lượt; với những đối tượng ưu tiên thì giá vé 60.000 đồng/người/lượt. Đồng thời, giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách cũng tăng mạnh. Cụ thể, tuyến Hương Tích là 85.000 đồng/người/ 2 lượt vào - ra (trước đây là 55.000 đồng); giá vé đò 2 chiều tuyến Thanh Sơn - Long Vân 65.000 đồng/người. Giá vé cáp treo khứ hồi người lớn 220.000 đồng, trẻ em 150.000 đồng, vé đi một lượt 150.000 đồng/người lớn, 100.000 đồng/trẻ em. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện 20.000 đồng/người/lượt.
Việc tăng giá vé thắng cảnh và thuyền đò vận chuyển khách khiến không ít người phàn nàn. Theo chia sẻ của chị Vũ Thị Lan (47 tuổi - Thái Bình): “Mỗi dịp đầu năm, gia đình tôi thường đi lễ chùa ở nhiều nơi, như chùa Yên Tử ở Quảng Ninh, chùa Phi Lai Địa Tạng ở Hà Nam, đền Trần ở Nam Định, nhưng không bị mất phí tham quan như ở chùa Hương, phí năm nay lại tăng nhiều”.
Bên cạnh việc tăng chi phí, việc bán “gộp” vé thắng cảnh và vé thuyền đò, cũng khiến nhiều người thắc mắc. Tại điểm bán vé bến Yến (chùa Hương), đa phần những khách đến mua vé đều có chung một câu hỏi “Có thể mua riêng vé đò được không?”. Chị Nguyễn Thị Xuân - nhân viên bán vé bày tỏ: “Thông thường, mọi người mua vé sẽ hỏi khá nhiều những câu như này, nhưng tôi cũng chỉ giải thích đúng theo quy định của Ban Quản lý”.
Theo cô Vũ Thị Bằng (51 tuổi - Nam Định): “Việc bắt buộc phải mua vé thắng cảnh và vé đò sẽ khiến cho chi phí đi lại rất cao, vì không phải tôi sẽ đi hết, có thể tôi chỉ đi một đến hai nơi ở chùa Hương. Nhìn chung, giá vé từ 135.000 đồng lên 205.000 đồng là quá cao”.
Mặc dù giá vé dịch vụ tăng mạnh hơn so với các năm trước, nhưng chùa Hương đã cải thiện đáng kể được tình trạng chèo kéo, vòi vĩnh khách đi đò. Trong năm nay, đã có sự vào cuộc và chỉ đạo của Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Chùa Hương, từ việc tuyên truyền trên loa phát thanh đến việc sắp xếp số thứ tự cho từng đò.
Tồn tại một số trường hợp lái đò lợi dụng giá vé “tăng” để thu lợi
Theo ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên, một số du khách tham quan không mua vé từ các điểm bán vé tại khu di tích nhưng vẫn có những thuyền đò chở vào điểm tham quan với giá vé được báo rẻ hơn so với giá đã được Ban Quản lý niêm yết.
Thực trạng này xuất phát từ việc các thuyền đò do Hợp tác xã quản lý được đánh số cố định, nhưng vào những hôm vắng hoặc ít khách, có một số lái đò không có chuyến nên nhận chở khách với mức giá khác. Việc cái lái đò nhận chở khách từ đền Trình đến Thanh Sơn bằng đò cá nhân được trao đổi một cách khéo léo với khách du lịch. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là giá đò được báo với nhiều mức khác nhau: 160.000 đồng/người, 25.000 đồng/người… Thậm chí, một số ít lái đò cũng không thông báo rõ ràng về việc du khách sẽ không thể tham quan các điểm du lịch bên trong nếu không sử dụng vé QR code do Ban Quản lý phát hành.
Đây được xem là hành vi không minh bạch về giá cả và lịch trình của số ít lái đò, đánh vào tâm lý “giá rẻ” của du khách. Tình trạng này vẫn “len lỏi” qua những quy định chặt chẽ về giá vé, nhằm thu lợi riêng cho cá nhân.