Chuyện con mèo dạy hải âu bay: Điều kỳ diệu từ một nghịch lý
(Sóng Trẻ) - Câu chuyện là minh chứng cho việc không phải lúc nào nghịch lý cũng đồng nghĩa với cái xấu, đôi khi trong nghịch lý lại ẩn chứa những điều kỳ diệu…
Là cuốn sách đầu tiên dành cho thiếu nhi của nhà văn Luis Spuslveda, “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” đã mang lại một không khí mới mẻ cho thể loại truyện thiếu nhi. Một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, đầy sức ám ảnh và trên hết đó là một nghịch lý đầy tính nhân văn.
(Nguồn: internet)
Câu chuyện mở ra bằng chuyến hành trình vượt đại dương của đàn hải âu Hải Đăng Cát Đỏ đến vùng đất mới. Nhưng trong cuộc hành trình, cô hải âu Kengah - một thành viên trong đàn đã gặp nạn. Cô bị váng dầu loang trên biển ngấm vào người khi đang sục đầu xuống nước bắt cá. Thứ chất lỏng tử thần đó đã buộc cô phải từ bỏ cuộc hành trình và dừng chân tại nhà chú mèo béo Zorba. Ở đây, khi chuẩn bị đẻ trứng, Kengah đã dùng chút tàn lực cuối cùng để xin Zorba ba lời hứa: “Hãy hứa với tôi anh sẽ không ăn quả trứng”, “Hứa với tôi sẽ chăm lo cho quả trứng đến khi chim non ra đời”, “Và hãy hứa với tôi anh sẽ dạy nó bay”.
Dường như tất cả tàn lực của Kengah dồn lại chỉ để xin Zorba lời hứa cuối cùng kia. Và đó chính là sự khởi đầu của một nghịch lý xuyên suốt câu chuyện.
Bay - việc mà một con mèo bình thường vĩnh viễn không bao giờ làm được, vậy thì làm sao có thể dạy một con hải âu non, loài chim mà theo như con mèo Bốn biển cam đoan: “Không một loài chim nào rành rẽ chuyện bay bằng hải âu” được. Nhưng Zorba, “con mèo mun to đùng, mập ú” trong truyện đã làm được điều phi thường ấy.
Dạy hải âu non tập bay không hề đơn giản. Những lời chỉ dẫn của các con vật không thể bay không thể giúp chim non cất cánh. Không bỏ cuộc, Zorba đã đi đến quyết định quan trọng nhất là phá vỡ điều cấm kị, nói chuyện với con người để xin sự giúp đỡ. Và trong một đêm mưa bão, Zorba cùng với sự trợ giúp của con người đã giúp hải âu non Lucky dang rộng đôi cánh non nớt bay lượn khắp bầu trời với nỗi sung sướng tột cùng khi được trở về với chính bản năng của mình.
Điều kỳ diệu ẩn chứa sau nghịch lý “mèo dạy hải âu bay” không chỉ là Lucky biết bay mà hơn thế nữa đó là sức mạnh của lòng tận tâm và sự tin tưởng, của tình yêu thương chân thành mà những kẻ khác loài dành cho nhau. Chính sự chân thành và đồng cảm đó giúp Zorba vượt qua khó khăn và sự khác biệt để chăm sóc quả trứng và cũng chính điều đó đã nâng cánh cho chú hải âu non dang rộng cánh chao liệng giữa bầu trời. Vì vậy, mặc dù tác giả kết thúc truyện trong không gian u ám của đêm giông nhưng tràn ngập câu chuyện vẫn sáng bừng ánh sáng của tình mèo, tình người, và thắp lên hy vọng trong lòng độc giả.
“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” không khác nào những trang truyện cổ tích nhẹ nhàng đi vào lòng độc giả. Cùng với đó, những thông điệp nhân văn mà tác giả gửi gắm trong câu chuyện sẽ còn mãi lắng đọng và giúp độc giả tin vào những điều kỳ diệu sẽ xảy ra trong guồng quay cuộc sống đầy bon chen phía trước.
Phạm Lan Anh
Lớp báo mạng điện tử K.30
Học viện Báo chí và Tuyên truyền