Chuyện ghi ở "làng thương binh"

(Sóng trẻ) - Máu đào của các anh nhuộm lá cờ Tổ quốc thêm phần đỏ tươi, những anh hùng không tên để lại mảnh hồn nơi núi rừng, mang những vết thương về thể xác và tâm hồn trở về quê hương. Thời bình, những nỗi đau ấy lại được xoa dịu bằng sự ân cần, chăm sóc của thế hệ trẻ đối với những người đã dành cả tuổi xuân vì đất nước. Đó là câu chuyện mà chúng tôi ghi lại được tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam.

Hơn cả hai từ trách nhiệm

Chúng tôi di chuyển về Thị xã Duy Tiên, Hà Nam, nơi Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên đang chăm sóc và điều trị cho hơn 50 thương, bệnh binh. Thành lập từ năm 1997, trải qua gần 67 năm thăng trầm, Trung tâm như một nhân chứng sống của lịch sử dân tộc. 

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây đã từng là nơi tiếp nhận, điều trị hàng trăm thương binh, bệnh binh, thậm chí lên đến 700 người. Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, nhiều thương binh đã chọn quay về quê hương, xây dựng lại cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có những người ở lại, coi Trung tâm như ngôi nhà thứ hai, gắn bó với nơi này cho tới những năm cuối đời.

Men theo dãy phòng, chúng tôi thăm hỏi từng thương binh, gặp gỡ bác sĩ Đoàn Văn Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm. Với mái tóc đã điểm bạc và đôi mắt hiền từ, bác sĩ Kiện như một người cha già hiền hậu gắn bó với nơi này 32 năm. Đối với bác, công việc này không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là một mối duyên. Tình cảm nuôi dưỡng suốt hàng chục năm, bác sĩ Kiện coi những thương binh như người cha, người chú trong nhà. Cái duyên ấy khiến ông tự nhủ phải cố gắng hoàn thành công việc mà Đảng và Nhà nước giao cho. 

vpt_7903.JPG
vpt_7828.JPG
Hàng ngày đều đặn hai bữa trưa và bữa tối, 3 nữ hộ lý sẽ tập trung nấu cơm cho các thương, bệnh binh tại đây.

 

Đa số thương, bệnh binh bị thương khi mới mười tám, đôi mươi, mức độ thương tật nặng khiến họ không xây dựng gia đình. Vì vậy, bên cạnh nỗi đau về thể xác, với các bác, đó còn là nỗi cô đơn, trống trải. Bác sĩ Kiện chia sẻ: “Đối với tôi, chăm sóc các bác là vừa là trách nhiệm của người thầy thuốc, vừa là tình cảm của người công dân. Để sức khỏe các bác ổn định, các cán bộ nhân viên luôn cố gắng tận tâm trong công tác điều trị, chăm sóc, sẵn sàng lắng nghe các bác giúp họ chiến thắng cái bệnh tật, thương tật hàng ngày”. 

vpt_7593.JPG
vpt_7637.JPG
Bữa cơm sẽ đủ 3 phần cơm, canh và thịt, khẩu phần ăn cũng sẽ được linh động sao cho vẫn đầy đủ dinh dưỡng và hợp khẩu vị các bác.  

 

Công việc nào cũng có áp lực, làm việc tại trung tâm chăm sóc người có công lại càng phải chú ý nhiều hơn. “Hiện nay, tại trung tâm các y tá, hộ lý hầu như là các bạn trẻ, họ phải cố gắng nhiều để hòa nhập, trò chuyện động viên các bác thương bệnh binh. Chung quy lại, cán bộ nhân viên có công việc đặc thù như chúng tôi phải đặt chữ “Nhẫn” lên hàng đầu”, bác sĩ Kiện cho hay. 

Với tỷ lệ thương tật từ 81-100%, mỗi người lính đều là một câu chuyện bi hùng. Những vết thương lâu năm, những mảnh đạn còn nằm trong da thịt như lời nhắc nhớ về những trận chiến khốc liệt mà họ đã trải qua. Dù đã qua nhiều năm, những cơn đau vẫn hành hạ họ mỗi khi thời tiết thay đổi. Lúc này, sự chăm sóc ân cần của những y bác sĩ tại Trung tâm như niềm an ủi, động lực để các bác vượt qua mọi khó khăn. 

Mối nhân duyên đậm chữ tình 

Chị Nguyễn Thị Hằng, phó phòng y tế, đến nay đã công tác tại trung tâm được 16 năm. Với chị, khoảng thời gian ấy không dài cũng không ngắn, chứng kiến bao lớp người đến và đi, chị Hằng vẫn chọn ở lại với ngôi nhà thứ hai này. 

Theo chân chị Hằng làm công tác điều trị các bác thương binh, chúng tôi hiểu rõ thêm một phần công việc của chị. Hàng ngày tổ điều trị của phòng y tế sẽ thay băng, tiêm truyền, rửa vết thương cho các bác. Chị giải thích, các vết thương, mảnh đạn trên người dù lâu năm nhưng phải được thay đều đặn để không bị viêm, không gây lở loét cho các thương binh. Việc chăm sóc ở đây không đơn thuần là về thể chất mà còn cần đến những “liều thuốc tinh thần”, để các bác không cảm thấy cô đơn một mình chống chọi bệnh tật. 

vpt_7785-compressed.jpg
Vì các thương, bệnh binh đa số đều là người 90 tuổi hoặc gần 90 tuổi mang trong mình nhiều nỗi đau chiến tranh, những điều dưỡng viên tại đây thường xuyên tiến hành đo huyết áp nhằm đảm bảo sức khỏe cho các bác.

 

Ngoài hai từ trách nhiệm của công việc, được phục vụ chăm sóc cho các bác trong 16 năm, đó là niềm vui niềm vinh hạnh của tất cả cán bộ nhân viên trung tâm. Chị Hằng kể: “Mỗi khi trái gió trở trời, nhìn các bác chống chọi với cơn đau thể xác, mình thấy thương lắm. Bởi các bác đã hy sinh bản thân, dành độc lập tự do cho đất nước, cho thế hệ con cháu như mình được sống trong hòa bình, nên mình càng có thêm quyết tâm, động lực cố gắng chăm sóc các bác”. 

Công việc của phòng y tế không dừng lại ở việc chăm sóc về bệnh lý, mà còn về cuộc sống đời thường của các bác. Tổ phục vụ hay còn gọi là hộ lý phụ trách việc nấu ăn, quét dọn, rửa chén… làm mọi việc cho các bác được nghỉ ngơi, an dưỡng. Mỗi bữa ăn tại trung tâm được các hộ lý phục vụ theo khung giờ cố định, một phần ăn có giá 15.000 đồng/người. Thực đơn cho các bác được thay đổi theo ngày, hôm thì thịt rang, hôm thì đậu nhồi thịt… nghe các chị chia sẻ, chúng tôi nhận ra cái khó là làm sao đa dạng món ăn để các bác không chán, nhưng cũng phải đáp ứng đủ dinh dưỡng về sức khỏe.  

vpt_7763-compressed.jpg
Thú vui thường ngày của những người anh hùng cách mạng đơn giản là ván cờ tướng mỗi chiều hoặc ngân nga câu hát cách mạng. 

 

Sinh hoạt cùng các bác lâu năm, tình cảm của những cán bộ nhân viên cứ lớn dần theo thời gian. Ở đây, họ không phải là những cá nhân riêng biệt, họ là một đại gia đình, nơi có tình thân, sự chăm sóc, thấu hiểu và giúp đỡ nhau. Chính sự gắn kết ấy đã vun đắp nên tình yêu nghề giúp những người như chị Hằng gắn bó lâu dài với nơi này. 

“Thương binh tương tàn nhưng không phế” 

Tiến đến dãy nhà khác, chúng tôi loáng thoáng thấy tiếng cười nói rôm rả của các cựu chiến binh, tiếng đánh cờ, đặc biệt là tiếng ca những giai điệu cách mạng của ông Nguyễn Quốc Khương. Tham gia chiến đấu tại Mặt trận Trị Thiên Huế năm 1972, ông Khương vừa bị thương ở mắt vừa chịu ảnh hưởng từ chất độc màu da cam. 

Một mình đã nhiều năm, mỗi khi có người thăm, ông Khương đều rất nhiệt tình tiếp đón. Ông hỏi han chúng tôi về chuyện học hành, di chuyển xuống đây thế nào. Tâm sự với chúng tôi, ông Khương tiết lộ bản thân đã từng hai lần lập gia đình, nhưng vì sức khỏe không tốt, không thể sinh con, ông quyết định để người phụ nữ đi xây dựng hạnh phúc mới.

vpt_7632-compressed.jpg
Thương binh Nguyễn Quốc Khương bị mù hai mắt trong trận chiến chống đế quốc Mỹ vào năm 1972. 

Ở một mình từ năm 44 tuổi đến nay, những tưởng cuộc sống tại Trung tâm sẽ nhàm chán, nhưng ông Khương vẫn rất minh mẫn, vui cười nói chuyện. Trong căn phòng 20m vuông ấy, ông nhớ rất rõ những ca khúc cách mạng, tiếng hát hòa cùng tiếng vỗ tay theo nhịp khiến chúng tôi cảm thấy vừa tự hào vừa xúc động. Có lẽ nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chăm sóc của cán bộ nhân viên đã giúp ông tốt hơn phần nào về sức khỏe và tinh thần. 

vpt_7591-compressed.jpg
Thương binh Nguyễn Quốc Khương luôn trân quý tình cảm của tất cả bạn trẻ khi đến thăm ông tại Trung tâm. 

 

Ông Nguyễn Xuân Mai (92 tuổi), Ninh Bình, là thương binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh phỉ ở biên giới Việt - Lào. Sau khi bị thương ở chân, ông Mai ở lại quân đội thêm 3 năm, sau đó ra quân và đến năm 1964 thì được chuyển về trung tâm. Ông tự hào kể cho chúng tôi nghe về những “chiến tích” sau nhiều năm cống hiến cho đất nước, huân chương hoàn thành nhiệm vụ Chiến sĩ vẻ vang hạng 3, huân chương tổng kết kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng 2… 

vpt_7664-compressed.jpg
Màu xanh áo lính ghim đầy những chiến công được ông Nguyễn Xuân Mai treo cẩn thận trên đầu giường. 

 

Sinh hoạt và điều trị ở trung tâm đã lâu năm, nên ông Mai rất rõ những thay đổi tại đây. “Những năm đầu tôi về, khi ấy đất nước còn đang trong thời bao cấp, khó khăn về vật chất lắm nhưng được Đảng và Nhà nước quan tâm, có chính sách chăm sóc bệnh binh tốt. Khổ như vậy nhưng đời sống tinh thần lại rất vui vì bấy giờ còn nhiều anh em khác. So với ngày ấy thì bây giờ đã tốt hơn rất nhiều về chất lượng phục vụ, sinh hoạt cũng không còn khổ như trước”, ông Nguyễn Xuân Mai không ngừng cảm thán khi nói về Trung tâm.

Cuộc sống tại Trung tâm trôi qua nhẹ nhàng, bình yên. Dù mang trên mình những vết thương chiến tranh, nhưng các bác vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Họ từng trải qua những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, chứng kiến bao mất mát, đau thương. Thế nhưng, ý chí và nghị lực của họ vẫn không hề suy giảm. Trở về từ chiến trường, có người tiếp tục việc học, có người làm kinh tế, có người lập gia đình... Mỗi người một cuộc sống, mỗi người một câu chuyện, họ đều là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN