Yêu cầu phẩm chất, năng lực của nhà báo chiến sỹ trong thời đại 4.0
(Sóng trẻ) - Trong xu thế hội nhập truyền thông quốc tế nói chung và sự phát triển mạnh mẽ các loại hình truyền thông đa phương tiện ở Việt Nam nói riêng, đang có sự cạnh tranh rất gay gắt về nội dung thông tin. Qua đó, khẳng định vị thế của mình trước công chúng. Với vị thế, vai trò là cơ quan ngôn luận của QUTW-BQP; tiếng nói của LLVT và nhân dân Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) cũng không nằm nài mục tiêu đó. Để hiểu rõ hơn những yêu cầu phẩm chất, năng lực, trình độ, kỹ năng của những nhà báo chiến sỹ trong thời đại truyền thông đa phương tiện hiện nay, PV Vũ Viết Dương đã có cuộc phỏng vấn Đại tá, Nhà báo Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng biên tập Báo QĐND.
PV: Thưa đồng chí, Trên cương vị là người lãnh đạo cơ quan báo chí truyền thông hàng đầu của Quân đội, có bề dày thành tích, kinh nghiệm gần 70 năm ra đời, đồng hành cùng đất nước. Đồng chí đánh giá như thế nào về vị trí, ý nghĩa của việc xây dựng cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện (xây dựng tòa soạn báo hội tụ) hiện nay?
Phó Tổng biên tập Đỗ Phú Thọ: Cách đây gần 25 năm, đang ở Binh đoàn 12, tôi được chuyển công tác về Báo Quân đội nhân dân và trở thành phóng viên trẻ nhất của Phòng Biên tập Kinh tế-xã hội-nội chính. Lúc bấy giờ tòa soạn chưa có máy tính như hiện nay. Phóng viên phải viết tay, sau đó cán bộ phòng phải ký vào bản thảo rồi mới được mang sang đánh máy chữ. Đánh máy xong, nếu có sửa chữa thì phải đánh máy lại. khổ nhất là bản thảo chẳng may bị ướt, bị mất thì lại phải ngồi viết lại…Chụp ảnh bằng phim, nếu chẳng may phim bị hỏng, bị lộ sáng thì coi như không có ảnh… Tòa soạn lúc đó chỉ có báo in hằng ngày 4 trang, phát hành 6 số trong tuân. Riêng báo Thứ Bảy thì 12 trang khổ nhỏ (nay chuyển thành Báo Cuối tuần).
Đến nay thì công nghệ gửi tin, bài, ảnh đã thay đổi hẳn. Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy ảnh cơ nữa. Thay vào đó, là máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, máy quay Ca-mê-ra, chiếc điện thoại thông minh có thể chuyển ngay lời ghi âm thành văn bản, nhanh chóng chuyển tác phẩm về tòa soạn và sau đó đến bạn đọc dưới nhiều hình thức khác nhau…
Tờ báo in có lịch sử truyền thống vẻ vang gần 70 năm qua đã và đang bị cạnh tranh gay gắt bởi báo điện tử. Do đó, tòa soạn hội tụ đã hình thành một cách khách quan với báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình.
Đại tá, Nhà báo Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng biên tập Báo QĐND
PV: Hiện nay, Báo QĐND đã xây dựng mô hình truyền thông đa phương tiện như thế nào?
Phó Tổng biên tập Đỗ Phú Thọ: Hiện nay ở Báo QĐND, nài báo in truyền thống, chúng tôi còn có báo điện tử phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Lào và tiếng Khơ-me. Trong báo điện tử có chương trình phát thanh, truyên hình. Phóng viên đang có xu hướng “4 trong 1” nghĩa là vừa làm báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình.
Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã cho phép Báo QĐND xây dựng mô hình truyền thông đa phương tiện và chúng tôi đang nỗ lực thực hiện chiến lược này. Chúng tôi đã xây dựng Đề án thành lập Phòng Phát thanh-Truyền hình, tăng thời lượng phát sóng truyền hình, phát thanh trên báo điện tử và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong làm báo.
Hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông điệp, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau. Đó là nhận định mang tính đúc kết sau khi thế giới chứng kiến sự phát triển với tốc độ chóng mặt của mạng xã hội vốn có tính năng không khác gì một ấn phẩm báo chí đích thực, có khả năng tiếp cận bạn đọc rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
PV: Để xây dựng cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện, bảo đảm “Nhanh- đúng - trúng - hay và hấp dẫn”thì những nhà báo chiến sỹ “4 trong 1” hiện nay cần phải có những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất gì, thưa đồng chí?
Phó Tổng biên tập Đỗ Phú Thọ: Trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Làm báo trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức mới đây, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập Báo QĐND đánh giá rằng, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí và điều đó sẽ làm thay đổi kỹ năng tác nghiệp của phóng viên. Giờ đây, một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh.
Nài những kỹ năng chung đó, ở Báo QĐND, các phóng viên còn phải có thêm tố chất của người chiến sĩ. Đó là phẩm chất của người cán bộ quân đội, tinh thần kỷ luật, tác phong nhanh nhẹn và có thể sử dụng thành thạo một số vũ khí để khi cần có thể tham gia chiến đấu được ngay. Trước kia vũ khí của phóng viên báo QĐND là ngòi bút, trang giấy và khẩu súng thì nay còn thêm máy quay phim, máy ghi âm, máy tính, phương tiện truyền tín hiệu...
PV: Vậy, với cương vị là người đi trước, có nhiều trải nghiệm trong nghề làm báo của mình; qua đây, đồng chí muốn nhắn nhủ gì tới những người làm báo trẻ nói chung và những nhà báo chiến sỹ, những TTV, CTVcủa Báo QĐND trong thời đại công nghệ hiện nay?
Phó Tổng biên tập Đỗ Phú Thọ: Tại hội thảo “Rèn luyện đạo đức và kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0” vừa được tổ chức tại tỉnh Hưng Yên, có sự tham gia của hơn 20 cơ quan báo chí khu vực phía Bắc, nhiều ý kiến thống nhất rằng, chính đạo đức của người làm báo, thái độ trân trọng sự thật, trách nhiệm với tin tức và sự dấn thân… là những giá trị cơ bản, xuyên suốt của nghề báo. Đó là thứ mà không máy móc hay công nghệ nào thay thế được. Đó cũng chính là điều tôi muốn nhắn gửi tới các nhà báo trẻ.
Theo tôi, để trở thành một nhà báo giỏi, các bạn trẻ, bên cạnh cập nhật kiến thức làm báo của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà báo phải thường xuyên tự bồi đắp kiến thức, viết về lĩnh vực gì thì phải nắm chắc lĩnh vực đó. Viết về quân sự mà không tìm hiểu kỹ về quân sự thì không thể có những tác phẩm báo chí hay.
Làm báo trong giai đoạn hiện nay, nếu chúng ta không có trình độ xử lý thiết bị máy tính, không có khả năng phân tích tổng hợp, không có kiến thức của một người tự tổ chức nguồn thông tin của mình, bao gồm trình bày, đồ họa, cùng các phương thức liên quan để truyền tải trên tác phẩm báo chí, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị tụt hậu.
Với mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, người làm báo phải trung thực với mình, cho dù làm báo ở cơ quan hay tham gia thông tin trên mạng xã hội.
Tôi nghĩ rằng, yêu cầu căn bản với các nhà báo chiến sĩ vẫn là những kiến thức quân sự và kỹ năng căn bản của báo chí hiện đại, kỹ năng làm việc toàn cầu, có lối tư duy mở, năng lực truyền thông sáng tạo, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại.
PV: Vâng, trân trọng cảm ơn đồng chí!
Vũ Viết Dương
(Lớp Báo in K37B – BQP)
Cùng chuyên mục
Bình luận