Cô gái Bắc Ninh và hành trình 5 năm “lăn bánh” yêu thương

(Sóng trẻ) - Từ một cô gái trẻ với đam mê lái xe, Lê Thị Nhung đã trở thành người bạn đồng hành, người trao gửi yêu thương cho hàng trăm bệnh nhân nghèo. 5 năm gắn bó với “Những chuyến xe yêu thương” đã mang đến cho Nhung những trải nghiệm quý giá, giúp cô gái học được cách trân trọng những điều bình dị và lan tỏa lòng tốt đến mọi người xung quanh.

Nhắc đến nhóm lái xe thiện nguyện “Những chuyến xe yêu thương”, không ai không biết đến Lê Thị Nhung - cô nàng 9X với ngoại hình xinh xắn. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng ẩn sau dáng vẻ ấy là một cô gái từng lái xe suốt 1.200 km trong 32 giờ liên tục để đưa bệnh nhân về nhà hoàn toàn miễn phí.

Hơn 5 năm gắn bó với tay lái, rong ruổi khắp các tỉnh thành để đưa những hoàn cảnh khó khăn trở về nhà, chị không chỉ trải qua nhiều câu chuyện xúc động mà còn nhận lại những bài học sâu sắc về lòng nhân ái và sự sẻ chia giữa con người với nhau.

Từ sở thích lái xe, cô nàng 9X giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân nghèo trở về nhà an toàn. (Ảnh: NVCC)
Từ sở thích lái xe, cô nàng 9X giúp đỡ hàng trăm bệnh nhân nghèo trở về nhà an toàn. (Ảnh: NVCC)

PV: Cơ duyên nào đưa chị đến với "Những chuyến xe yêu thương"?

Lê Thị Nhung: Mình bắt đầu tham gia nhóm “Những chuyến xe yêu thương” từ năm 2020. Trước đó, mình từng thực hiện một chuyến xuyên Việt kéo dài khoảng một tháng rưỡi. Tình cờ biết đến nhóm trên Facebook, mình quyết định tham gia. Ban đầu, mình chỉ đơn giản theo đuổi sở thích lái xe, có thể giúp được ai thì giúp. Nhưng càng đi nhiều, càng gặp những hoàn cảnh đặc biệt, mình hiểu rằng đây là công việc mà mình muốn gắn bó lâu dài.

PV: Chuyến xe đầu tiên để lại cho chị ấn tượng như thế nào?

Lê Thị Nhung: Khi mới bắt đầu công việc này, mình hầu như không có nhiều hiểu biết về các căn bệnh hiểm nghèo. Lần đầu tiên nhìn thấy những em nhỏ bị bại não, cả mình và mọi người trong nhóm đều vừa sợ, vừa thương. Thời điểm đó, mình cũng không biết căn bệnh này có chữa được hay không.

Ngay trong chuyến xe đầu tiên, mình đã gặp một trường hợp rất đặc biệt. Hôm đó, mình đưa cả gia đình về Hưng Yên. Bố của em bé là nạn nhân chất độc màu da cam, còn người mẹ thì không được nhanh nhẹn. Khi đưa con đi chữa trị, người bố không rời con nửa bước. Anh chị bảo mình: “Con đến với chúng tôi rồi, dù thế nào cũng phải cố chữa trị cho con”. Chính khoảnh khắc đó đã để lại ấn tượng sâu sắc, khiến mình càng có thêm động lực để tiếp tục những chuyến xe tiếp theo.

PV: Trong những lần phải di chuyển một mình, chị gặp phải những khó khăn gì?

Lê Thị Nhung: Lái xe đường dài, nhất là khi chỉ có một mình, chắc chắn sẽ có lúc rất mệt mỏi. Nhưng dù có mệt đến đâu, mình thường không dừng lại nghỉ ngơi, vì phần lớn các chuyến đi mình đều chạy xuyên đêm để kịp giờ đưa bệnh nhân về nhà hoặc đến bệnh viện đúng hẹn.

Vào những thời điểm đông bệnh nhân, mình cố gắng tận dụng tối đa thời gian để chở được nhiều người nhất có thể. Có chuyến đi kéo dài tới 1.200 km trong suốt 32 tiếng đồng hồ, đến đêm thứ hai, vì quá mệt nên phải dừng xe tại một cây xăng và ngủ ngay trong xe để lấy lại sức.

Ngoài sự mệt mỏi, còn có những tình huống phát sinh bất ngờ như xe bị dính đinh. Vì vậy, mình luôn chuẩn bị sẵn dụng cụ sửa chữa trong xe. Nếu ở gần khu dân cư thì có thể bơm tạm để đi tiếp, nhưng nếu đang ở đoạn đường đèo hoặc khu vực vắng người, mình phải tự thay lốp ngay tại chỗ để có thể tiếp tục hành trình.

PV: Việc lái xe nhiều cũng có những vấn đề phát sinh như chi phí đi lại, tiền xăng, bảo dưỡng… Đó có phải trở ngại đối với chị?

Lê Thị Nhung: Khi nhận chuyến, nhóm mình tự lo toàn bộ chi phí, bao gồm ăn uống, xăng xe, bảo dưỡng… Vì vậy, các thành viên trong nhóm luôn làm trong khả năng của mình, không ép bản thân quá sức. Ví dụ, nếu có thời gian và tài chính cho phép, mình có thể nhận những chuyến đi xa như Tây Bắc.

Ngược lại, khi không đủ điều kiện, mình chỉ nhận các chuyến gần như Nam Định, Hưng Yên. Nhờ vậy, yếu tố tài chính hay thời gian chưa bao giờ trở thành rào cản đối với mình.

Lê Thị Nhung cho biết bản thân cố gắng sắp xếp công việc chở được nhiều bệnh nhân nhất có thể. (Ảnh: NVCC)
Lê Thị Nhung cho biết bản thân cố gắng sắp xếp công việc chở được nhiều bệnh nhân nhất có thể. (Ảnh: NVCC)

PV: Chị có cảm xúc đặc biệt với chuyến đi nào nhất?

Lê Thị Nhung: Nhóm mình thường hỗ trợ bệnh nhi, nhưng có một chuyến chở bệnh nhân lớn tuổi để lại trong mình nhiều cảm xúc. Khác với trẻ con chưa ý thức rõ về bệnh tình, người lớn khi mắc bệnh không lo cho bản thân mà lo cho người thân trong gia đình họ.

Mình từng đồng hành cùng một chị bị ung thư vú trong suốt quá trình điều trị. Lần nào lên xe chị cũng khóc, đặc biệt trong chuyến đi cuối cùng. Chị không sợ bệnh tật mà chỉ lo cho đứa con còn nhỏ, không có bố, chỉ mong sống thêm 1-2 năm để con bớt tủi thân.

Một chuyến khác vào dịp Tết, nhóm đưa một cô bị ung thư máu về Thái Bình. Chồng mất sớm, hai người con trai thay nhau chăm mẹ bao năm trời. Trước Tết, hai anh em nói với mẹ: “Mẹ cố qua Tết này nhé, con không muốn về nhà chỉ còn thấy bát hương”. Biết gia đình không có gì để đón Tết, mình mua một cành đào và vài chiếc bánh chưng. Sau Tết, cô mất. Khi đến thắp hương, chị gái cô nghẹn ngào nói: “Lúc cô đến, nó vui lắm, bảo rằng giờ em mới biết thế nào là cây đào, bánh chưng ngày Tết”.

Những điều mình làm rất nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần lớn với người khác. Điều đó khiến mình càng muốn tiếp tục hành trình hơn.

PV: Khi nhận được sự giúp đỡ, các bệnh nhân sẽ rất cảm kích. Đã bao giờ chị được họ đáp lại bằng tiền hay hiện vật?

Lê Thị Nhung: Phần lớn bệnh nhân mình giúp đỡ thường cảm thấy ngại vì họ không có tiền để trả cho mình. Nhưng họ luôn muốn thể hiện lòng biết ơn bằng những gì có sẵn. Ví dụ, có nhà trồng rau, nuôi gà thì biếu mình ít rau, ít trứng.

Có một lần, mình đưa một gia đình nghèo ở Thanh Hóa về quê. Khi xe chuẩn bị rời đi, ông cụ trong nhà cầm theo một chiếc túi, đứng chờ và gõ cửa xe. Vì lúc đó đã khuya, mình hơi e dè, nhưng cuối cùng cũng mở cửa. Ông dúi vào tay mình 1/4 con ngan - không phải một con nguyên vẹn như người ta thường biếu, mà là phần ít ỏi trong số những gì gia đình có. Đó là một khoảnh khắc mình không bao giờ quên. Đến tận bây giờ, gia đình đó vẫn là một trong những người mình giữ liên lạc và tiếp tục hỗ trợ khi cần. 

Lê Thị Nhung luôn cảm thấy biết ơn vì nhận được sự quý mến từ người bệnh. (Ảnh: NVCC)
Lê Thị Nhung luôn cảm thấy biết ơn vì nhận được sự quý mến từ người bệnh. (Ảnh: NVCC)

PV: Sau những chuyến đi, chị thấy mình nhận được điều gì ý nghĩa nhất?

Lê Thị Nhung: Điều quý giá nhất mà mình nhận lại chính là những lời cảm ơn chân thành từ bệnh nhân và gia đình họ. Không chỉ vậy, chính những trải nghiệm trên hành trình đó đã giúp mình thay đổi rất nhiều trong cách nhìn về cuộc sống.

Trước đây, mình từng sống buông thả, ăn uống vô tội vạ mà không quan tâm đến sức khỏe. Nhưng sau khi chứng kiến nhiều bệnh nhân phải vật lộn với bệnh tật, mình dần học cách trân trọng cuộc sống. Mình biết trân quý sức khỏe của bản thân và cả những người xung quanh nhiều hơn.

Nụ cười của bệnh nhân trở thành động lực để cô gái trẻ tiếp tục hành trình lăn bánh. (Ảnh: NVCC)
Nụ cười của bệnh nhân trở thành động lực để cô gái trẻ tiếp tục hành trình lăn bánh. (Ảnh: NVCC)

PV: Trong trường hợp biết người mình giúp đỡ không trung thực, thậm chí lợi dụng lòng tốt, chị sẽ cảm thấy như thế nào?

Lê Thị Nhung: Gần đây, mình giúp một bệnh nhân trở về quê trước Tết. Vì xe còn trống, mình tìm thêm khách đi cùng để có kinh phí bù vào, giúp bệnh nhân không phải lo lắng về tiền xe. Đến sát ngày đi, mẹ bệnh nhân nhắn tin bảo con bị cấp cứu, không thể về được. Thương quá, mình đã gửi luôn số tiền đó cho họ để động viên.

Nhưng sau đó, mình mới biết bệnh nhân không hề nhập viện mà vẫn khỏe mạnh, vui chơi bên ngoài. Thông tin họ cung cấp là không trung thực. Điều này khiến mình hơi chạnh lòng, không phải vì số tiền, mà vì mình luôn mong muốn những gì nhận được từ thiện nguyện phải đến đúng tay người thực sự cần. Dù vậy, mình không vì một vài lần thất vọng mà mất đi niềm tin. Mình biết vẫn còn rất nhiều người cần giúp đỡ, và đó mới là điều quan trọng nhất.

PV: Đâu là động lực để cho chị cũng như các thành viên trong nhóm "Những chuyến xe yêu thương" duy trì công việc này trong suốt nhiều năm?

Lê Thị Nhung: Không giống nhiều nhóm hoạt động thông qua phòng công tác xã hội, nhóm mình tìm đến những trường hợp không biết đến các kênh hỗ trợ này. Đa số bệnh nhân biết đến nhóm qua lời giới thiệu của những người từng được giúp đỡ, cô lao công, hoặc nhân viên bệnh viện.

Động lực lớn nhất của mình là niềm vui của bệnh nhân khi được về nhà. Có chuyến xe mình chạy hàng trăm cây số, giữa đêm mưa lạnh, hai cha con ngồi ôm nhau chờ. Đưa họ về đến nhà là họ bớt đi một phần vất vả. Những chuyến đi không chỉ giúp đỡ người khác mà còn khiến mình thay đổi bản thân.

Khi chứng kiến quá nhiều cảnh đời khó khăn, mình nhận ra một điều rất đơn giản nhưng lại dễ bị lãng quên trong cuộc sống thường ngày: nếu có thể nhẹ nhàng với mọi người, mình càng phải biết bao dung và yêu thương hơn với chính những người thân yêu bên cạnh. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025

Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Tối ngày 31/5, đêm chung kết Miss World 2025 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế HITEX, thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Đại diện Thái Lan - Opal Suchata Chuangsri đã xuất sắc đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi. 

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN