Có hay không tình trạng "học giả bằng thật" công khai?
(Sóng trẻ) - Chuyện “học giả bằng thật” không còn là đề tài mới. Nhưng thời gian gần đây, tình trạng này diễn ra càng ngày càng nhiều và tinh vi hơn khi những lời rao bán các loại bằng cấp xuất hiện công khai trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo.
Không đi học nhưng các cá nhân có nhu cầu sử dụng những tấm bằng cấp giả chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định là có thể mua được tấm bằng mong muốn với dấu đỏ, in phôi giống hệt như bằng thật.
Các status làm bằng giả xuất hiện công khai trên mạng xã hội
Các tổ chức làm bằng giả chỉ việc quảng cáo về những tấm bằng cấp giả trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần tìm kiếm “học giả, làm bằng thật” trên Facebook, sẽ có hàng loạt các trang như: “Làm bằng Đại học giá rẻ phôi thật 100%” hay “Bằng Đại học giả phôi thật 100%”... hiện lên.
Các đường dây làm bằng giả thường được tổ chức khép kín và quy mô. Đặc biệt, việc làm bằng giả có thể được thực hiện rất dễ dàng với những “thiết bị” như: phôi bằng, giấy nến, mực và đủ loại nhựa ép vỏ.
Cả xã hội tiếp tay cho "học giả bằng thật"
Bệnh bằng cấp là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng “học giả bằng thật”. Hiện nay, có rất nhiều sinh viên, học viên tuy không học nhưng vẫn muốn có bằng cấp để thăng tiến lên những vị trí cao hơn trong công việc, được thuận lợi hơn trong quá trình thi tuyển, xét duyệt. Các cơ quan khi xét tuyển lại quá chú trọng tới bằng cấp, thường lấy bằng cấp để đánh giá năng lực làm việc.
Bằng tốt nghiệp bằng tiền giờ lại tốt hơn cả bằng tốt nghiệp bằng kiến thức thực sự?
Khi phát hiện sinh viên, cán bộ, công chức sử dụng bằng cấp giả thì cơ quan, nhà trường thường cũng không có thái độ quyết liệt, chưa có các biện pháp xử lí thích đáng đối với những cá nhân này.
Thêm vào đó, nguyên nhân sâu xa là do nền giáo dục, việc dạy học và thực tế công việc chưa đồng bộ - học một kiểu và khi đi làm lại là một kiểu khác nên người ta phải chạy mua những tấm bằng giả cho phù hợp với yêu cầu của công việc.
Những đôi tay chỉ biết "cầm bằng"
Vẫn biết bằng cấp sinh ra là thước đo đánh giá năng lực học vấn. Thế nhưng, nạn bằng giả khiến cho thước đo đó bị biến dạng và không còn chuẩn xác. Những người dùng bằng giả đó để thăng quan tiến chức, nhanh chóng có địa vị, rồi tham gia vào guồng máy quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội thì không biết hệ lụy sẽ ghê gớm như thế nào.
Bằng cấp không phải là thứ quan trọng nhất khi đi xin việc
Hiểm họa bắt nguồn từ đôi tay đầy đủ những “tấm bằng” nhưng khi làm việc thì không biết bắt đầu như thế nào vì năng lực thực sự không có. Điều này đối với ngành y tế thì lại càng nguy hiểm hơn bởi sinh mạng của người bệnh đang được đặt trong tay những vị bác sĩ “giả danh”. Nạn bằng giả có thể dẫn đến xu hướng làm cho xã hội mất lòng tin vào bằng cấp, đe dọa sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Với mức độ “nguy hiểm” của những tấm bằng cấp giả này, ngành giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đánh giá chất lượng đầu ra để đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan và cho ra trường những người lao động có chất lượng. Ngành giáo dục cần xây dựng lại quy chế cũng như vận dụng các phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá hiện đại để đảm bảo chất lượng đầu ra cho nhà nước và cho xã hội.
Quy trình cấp phát phôi bằng tại các trường Đại học, cao đẳng cucần phải chặt chẽ hơn, không thể phát phôi bằng một cách tùy ý. Nài ra các trường cần phải có hồ sơ lưu, giấy tờ lưu, hồ sơ ra trường cần phải có bảng điểm rõ ràng, và phải công khai danh sách các sinh viên tốt nghiệp, được cấp bằng lên website. Mặt khác công ty, đơn vị phải có cách tuyển dụng minh bạch hơn, mọi ứng viên tham gia đều có cơ hội như nhau, có hội đồng tuyển công tâm với những tiêu chí rõ ràng thì nhiều người giỏi sẽ có cơ hội.
Đỗ Thu Hiền
Truyền hình K32A1
Cùng chuyên mục
Bình luận