Đôi điều với Queen of the night về bài thơ "Đôi Mắt"
(Sóng trẻ) - Tôi mặc định đấy là những dòng cảm xúc viết bất chợt của một người trẻ tuổi khao khát yêu đương luôn hoài nghi về lẽ sống và mối tình đau đớn. Nhưng khi đọc bài bình của Queen of the night về bài thơ, tôi giật mình, suy ngẫm, nên quyết định đọc lại cả bài thơ và bài bình kĩ lưỡng.
Tôi đọc bài đôi mắt qua lời giới thiệu của một người bạn, nhưng không để tâm nhiều vì cảm giác đầu khi đọc là lời thơ khá gượng gạo, ý thơ chênh, rối và phô. Nếu nhận xét một cách “khắc nghiệt” đến từng câu từ và ý thơ trong bài Đôi Mắt, sẽ có rất nhiều hạn chế, nhiều điều phải bàn trên khía cạnh văn học về bài thơ của một người “không mấy khi thấy làm thơ hay đam mê văn học” như bạn đã nói.
Nhưng để phán xét một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật, một đứa con tinh thần hay những cảm xúc được rút ra từ tâm can người viết thì quả thật là “độc ác” và vô lý. Nghệ thuật vốn dĩ không thể đo được bằng một đơn vị đo lường nào, hay không có một chuẩn mực nhất định để phán xét, đánh giá.
Từ những cuộc cách mạng thơ đã diễn ra trong lịch sử, những thước đo của nghệ thuật thi ca càng trở nên khó lường và đa dạng hơn bao giờ hết. Và trong thời đại hiện nay, một cuộc cải cách thi ca khác đã bắt đầu nhen nhúm, mà bắt nguồn của nó chính là thể thơ mà người ta vẫn gọi là “thơ tự do”. Cuộc cải cách thơ này hướng tới lối viết giản tiện, gần gũi với cảm xúc thường ngày của con người, từ đó đưa vào thơ với lối ngắt nhịp tùy hứng đầy thú vị; bài Đôi mắt chính là một bài thơ như vậy.
Bài thơ là một trường dài cảm xúc của người viết về tình yêu, tình cảm đối với nhân vật Anh. Đó không phải là cảm xúc bất chợt, mà là một chuỗi những yêu thương dai dẳng trong tâm hồn người viết, nên dĩ nhiên câu chữ viết ra sẽ phản ánh một tình yêu dài, rất dài được đúc kết qua một chuỗi thời gian nhất định.
Vì thế, việc bài thơ được viết vội hay là một quá trình lâu dài ấp ủ và gây dựng, những cảm xúc trong bài thơ vẫn giữ nguyên vẻ tha thiết, yêu thương nồng nàn của nó. Chủ đề bài thơ là về đôi mắt, đôi mắt khiến tác giả yêu tha thiết từ lâu, nhưng lại bất chợt nhận ra vẻ đẹp cùng sự lạnh lùng của nó, ngay trong chủ đề đã thể hiện sự đa dạng trong ý tứ, vừa dài lâu, vừa bất chợt. Đây là một điểm sáng trong bài thơ.
““Đôi mắt”- bài thơ “mỏi mắt” không tìm thấy vần, thấy nhịp, “đau đầu” cũng không thấy sự hài hòa, logic đoạn thơ. Thơ tự do có thể không quá quan trọng vần nhưng nhịp thơ thì là cái không thể thiếu. Tiếc thay vì một lý do nào đó, tác giả đã làm mất đi hoặc chưa tạo được nhịp điệu bài thơ.”
Ý kiến này của Queen of the night, theo tôi, là phiến diện và thiếu chính xác. Như đã nói ở trên, bài thơ Đôi mắt là một bài thơ tự do theo phong cách mới với lối ngắt nhịp ngẫu hứng, ở lối ngắt nhịp ấy, chỉ khi cảm nhận sâu sắc về bài thơ, hiểu nó mới có thể nhận ra nhịp điệu ẩn trong đấy. Nhịp điệu và bố cục bài thơ tuy còn nhiều thiếu sót nhưng nếu nói “mỏi mắt” không tìm ra thì quả thật sai lầm, bởi nài những thiếu sót nhất định, có những vần thơ, đọc đến, mà nao lòng người.
“Nhưng anh chưa từng nóiSự im lặng đốt cháy trái tim emĐể em biết yêu sự bình yênHay bắt nhịp với dòng đời dông bão?”“Em sợ bóng tối theo chiều dài tiếc nuốiCánh hoa rơi theo muôn lối gió trườngĐôi mắt sắc lạnhĐôi mắt bình yênĐôi mắt đánh cắp trái tim em trong một chiều gió lênNơi trong đó em thấy em mãi mãi!”Trích – “Đôi mắt”
Những đoạn thơ trên không dùng lối đánh nhịp thông thường, nhưng khi hòa vào nó, độc giả vẫn tìm thấy được sự hòa hợp trong vần điệu và nhịp thơ. Một bài thơ hay chưa chắc là một bài thơ hoàn hảo, mà là một bài thơ gây cho người đọc sự ám ảnh về những tâm sự mà người viết muốn truyền tải. Xét theo phương diện đó, “Đôi mắt” đã thành công khi lôi kéo người đọc theo cảm xúc, khiến người đọc day dứt cùng người viết về nỗi đau mà tình yêu mang lại.
Trong cuối bài bình của mình, Queen of the night có viết: “Và một bài thơ "lạ" liệu có khi nào "bén rễ" từ một tình yêu "lạ"?”. Tôi không chắc mình hiểu được tình yêu “lạ” ở đây ám chỉ điều gì, nhưng tôi ngỡ ra được nhiều điều mà ngay từ đầu bài bình luận mà tôi không hiểu, đó là nhận xét cho rằng đây là một bài thơ “lạ”. Lời kết luận ấy như đánh đố độc giả, khi chỉ Queen of the night và Gió Hạ hiểu được nét “lạ” của tình yêu đấy. Là một bài bình luận về văn chương, lại lôi những bí mật riêng tư của người viết để bình, sự phiến diện và đanh đá hằn lên từng câu chữ trong bài bình hoàn toàn thiếu khách quan.
Tôi không rõ khả năng cảm thụ văn chương của Queen of the night đến đâu để nhận xét Gió Hạ không có năng khiếu văn chương, hay chỉ vì cảm nhận chủ quan khi biết rõ về tác giả ở nài đời, như bạn tự nhận. Theo tôi, cảm thụ văn chương, không nên và không bao giờ được phán xét về năng khiếu văn chương của người viết.
Bởi lao động nghệ thuật là một quá trình lâu dài tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện, đây có lẽ là bước khởi đầu của Gió Hạ, dù còn nhiều thiếu sót nhưng vẫn thể hiện nội lực tâm hồn và ngòi bút độc đáo, hứa hẹn nhiều tiềm năng. Bởi vậy, người vội vàng trong văn học, hôm nay, thiết nghĩ không phải là Gió Hạ, mà chính là Queen of the night, người muốn được coi Hoài Thanh là thầy.
Hoài Thanh khi viết Thi Nhân Việt Nam, đã bỏ qua những cảm xúc cá nhân với người nghệ sĩ để chỉ cảm nhận một cách công tâm nhất về tài năng và đóng góp của họ. Queen of the night hôm nay là một tay viết khá đanh đá, sắc sảo, nhưng có lẽ cần công tâm hơn trong nhận xét và bình luận về văn chương, vì nghệ thuật mang con mắt đa chiều, nếu không rũ bỏ những định kiến cá nhân, sẽ không thể nào nhận thấy những điều tốt đẹp ẩn sâu trong nó.
Hải Miên
Cùng chuyên mục
Bình luận