Công nghệ số trong kinh doanh tại làng lưới Trần Phú: Cơ hội hay thách thức?
(Sóng trẻ) - Vì cuộc sống mưu sinh gắn liền với với nghề đan lưới cước, người dân làng nghề lưới Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Thường Tín) hiện đang học cách làm giàu từ việc bán ngư cụ thủ công của địa phương kết hợp với công nghệ số hiện đại.
Theo sử sách ghi lại, làng nghề lưới Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội) - ngôi làng được mệnh danh là “làng biển giữa đất Hà Thành” được hình thành và phát triển nghề đan lưới cước truyền thống từ thế kỷ XIV. Dù là một địa phương ở cách xa biển, người dân không ra khơi, nhưng đây vẫn là nơi sản xuất và buôn bán ngư cụ lớn tại miền Bắc và được UBND Thành phố Hà Nội trao danh hiệu “Làng nghề truyền thống” vào năm 2012.
Cơ hội làm giàu nhờ công nghệ số
Phần lớn các sản phẩm ngư cụ tại làng lưới Trần Phú luôn được những người thợ lành nghề đan cước thủ công, giữ được vẹn nguyên nét văn hóa truyền thống có từ xa xưa. Tuy nhiên, để có thể duy trì được hoạt động của làng nghề, thu nhập của người dân tại đây cũng cần được đảm bảo. Chính vì vậy, ngoài việc sản xuất và phân phối ngư cụ trực tiếp tại xưởng theo truyền thống, hiện nay người dân nơi đây đã biết cách áp dụng những mô hình kinh doanh mới trên các sàn thương mại điện tử với công nghệ số hiện đại.
Bà Phạm Thị Dơ, người dân làng Trần Phú chia sẻ: “Thương mại điện tử đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho cuộc sống và thu nhập của người dân trong làng. Trước đây, chúng tôi chủ yếu sản xuất lưới chài để phục vụ cho nhu cầu địa phương và các vùng lân cận, nhưng giờ đây sản phẩm đã được mở rộng ra các thị trường lớn hơn, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này giúp tăng thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống kinh tế của gia đình chúng tôi”.
Công việc làm lưới thủ công cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau như thắt lưới, cặp chì, lăn chì,.... Mỗi công đoạn đều rất vất vả, cần sự khéo léo, tỉ mỉ từ những người thợ lành nghề. Vì vậy, thợ làm nghề hiện nay chủ yếu là những người cao tuổi, có kinh nghiệm và chuyên môn lâu năm.
Với thế hệ trẻ, họ dần chuyển sang bán những mặt hàng ngư cụ trên các sàn thương mại điện tử như shopee, tiktok, lazada,... và có được thu nhập ổn định từ hình thức kinh doanh này. Việc thay đổi mô hình kinh doanh từ hướng truyền thống sang thương mại điện tử tạo công việc ổn định và mức thu nhập tốt cho các bạn trẻ tại làng.
Bạn Phạm Khánh Ly (20 tuổi, người trẻ tại làng) cho biết: “Hiện tại những người trẻ ở làng mình có bán lưỡi câu, cần câu trên mạng kiếm được thu nhập rất tốt. Nhiều gia đình dạy con kiếm tiền như vậy từ khi còn bé”. Khánh Ly cũng cho biết thêm, những mặt hàng được bán trên các sàn thương mại điện tử một phần là sản phẩm được sản xuất tại làng, còn lại được nhập về từ Trung Quốc để đa dạng mẫu mã và giảm chi phí.
Nguy cơ mai một bản sắc văn hóa
Bên cạnh những điểm sáng trong việc kết hợp sản xuất ngư cụ truyền thống với công nghệ số hiện đại, việc người trẻ chuyển dần sang kinh doanh bằng hình thức trực tuyến khiến truyền thống đan lưới thủ công của làng nghề có nguy cơ bị mai một. Bà Nguyễn Thị Nơi, người dân thôn Trần Phú bộc bạch: "Hiện nay tại làng chỉ còn người cao tuổi, không nhanh nhạy về công nghệ mới giữ nghề làm lưới. Còn lại, phần lớn thanh niên trong làng không học nghề truyền thống mà chuyển hẳn sang bán hàng online vì thu nhập cao và ổn định hơn”.
Ngoài ra, một trong những thách thức lớn nhất mà làng nghề đan lưới Trần Phú gặp phải khi tiếp cận với thương mại điện tử là sự cạnh tranh từ các sản phẩm ngư cụ công nghiệp giá rẻ do những người bán hàng trực tuyến nhập về. Vì để đẩy mạnh số lượng và giảm giá thành, họ nhập nhiều sản phẩm được sản xuất hàng loạt, từ bỏ hoàn toàn các kỹ thuật đan lưới thủ công tinh xảo của làng nghề, khiến việc duy trì nghề lưới truyền thống trở nên ngày càng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở phân phối đồ câu Trung Đức chia sẻ: “Ngày xưa với lưới tự đan thì người thợ sẽ cẩn thận và kĩ lưỡng hơn. Giờ bán online đồ câu thì không có thời gian làm lưới mà phần lớn nhờ máy móc làm và nhập hàng về nên chất lượng lưới làm ra cũng không còn đẹp như xưa”.
Để hạn chế tình trạng mai một bản sắc văn hóa, nhiều gia đình theo nghề đan lưới truyền thống vẫn luôn duy trì hoạt động sản xuất ngư cụ, đặc biệt là đan lưới cước thủ công và truyền nghề lại cho thế hệ trẻ, để người dân làng Trần Phú vừa giữ được nét văn hóa truyền thống, vừa có thu nhập ổn định từ chính các sản phẩm của quê hương.
Việc phát triển mô hình kinh doanh online áp dụng công nghệ số ở làng lưới truyền thống truyền thống đã mang lại nhiều cải thiện cho đời sống của người dân, trong bối cảnh hội nhập thương mại toàn cầu như hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước, địa phương cũng cần quan tâm sát sao và có các chính sách hỗ trợ kịp thời, để nghề đan lưới, làm ngư cụ truyền thông làng Trần Phú không bị mai một theo thời gian.