Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng và những lá thư, nhật ký thời chiến
Chương trình trò chuyện trực tuyến là cơ hội để công chúng hiểu rõ hơn về cuộc sống, chiến đấu của thế hệ cha anh đi trước; đồng thời, qua những trang nhật ký thời chiến, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh, động lực, nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý chí vươn lên.
Hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã cướp đi biết bao người con ưu tú của đất nước. Tuy nhiên, di sản tinh thần mà họ để lại vẫn còn sống mãi với thời gian, trong trái tim của triệu triệu đồng bào Việt Nam. Những trang thư, những dòng nhật ký nhuốm màu thời gian và khói lửa chiến trường không chỉ là những kỷ vật thiêng liêng mà còn là những bằng chứng lịch sử quý giá, ghi lại những hy sinh cao cả, những tình cảm sâu sắc của một thế hệ đã làm nên những trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc.
Hơn hai thập kỷ qua, Đại tá Đặng Vương Hưng, một cựu chiến binh và nhà văn tài năng, đã không ngừng sưu tầm, biên soạn và công bố những lá thư, nhật ký quý báu từ thời chiến tranh. Với một tâm huyết đặc biệt dành cho tư liệu lịch sử, ông đã trở thành người tiên phong trong việc xây dựng bộ sách đồ sộ “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, góp phần quan trọng vào việc lưu giữ và tôn vinh ký ức hào hùng của dân tộc. Bộ sách đã hai lần xác lập Kỷ lục Việt Nam: Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” dày gần 5.000 trang, và tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” dày gần 1.000 trang.
Khi nói về những trang viết vội của các người lính thời khói lửa, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất, khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước”.
Đôi nét về Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: - Nguyên Phó TBT Báo An ninh thế giới - Công an Nhân dân; - Trưởng BBT Sách Văn học, NXB Công an Nhân dân; - Phó chủ tịch CLB "Mãi mãi tuổi 20; Người sáng lập đồng thời là Chủ tịch của Tổ chức "Trái tim người lính Việt Nam". - Ông từng có 15 năm trực tiếp cầm súng, bảo vệ vùng biên giới phía Bắc và gần 30 năm phục vụ trong lực lượng Công an Nhân dân. - Là tác giả của gần 60 cuốn sách với nhiều thể loại, ngoài sáng tác văn học (cả thơ và văn xuôi). Là người sưu tầm và giới thiệu nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (Cuốn nhật ký được cố biên kịch Hoàng Nhuận Cầm lấy ý tưởng Kịch bản bộ phim chiến tranh nổi tiếng “Mùi cỏ cháy”). Cùng với “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” 2 cuốn sách này đã tạo nên phong trào “Tiếp lửa truyền thống – Mãi mãi tuổi 20” của thế hệ trẻ Việt Nam từ năm 2005 và là cảm hứng sách tác văn học nghệ thuật cho nhiều văn nghệ sĩ cả nước). |