Đổi thay ở Lũng Luông có công bộ đội “Sao vàng”
(Sóng trẻ) - Dưới nắng ban mai, con đường vào bản Lũng Luông, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đẹp hơn bao giờ hết. Đó là con đường bê tông rộng rãi đi được ô tô, xe máy mà bà con nơi đây hằng mơ ước đã thành hiện thực. Con đường do cán bộ, chiến sĩ Đoàn Sao vàng (Sư đoàn 3, Quân khu 1) ra sức phá đá, hạ đèo mở đường vào bản, giúp nhân dân phát triển kinh tế, nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Gian nan tìm con chữ
Từ bao đời nay, bản Lũng Luông như một “ốc đảo” biệt lập với chung quanh, bị bao bọc bởi các dãy núi đá vôi cao lừng lững. Con đường độc đạo để ra khỏi bản nằm cheo leo trên ngọn núi này. Tất cả chỉ là đường mòn để người ta đi bộ. Mùa khô thì mất khoảng hơn một giờ đi bộ, còn mùa mưa thì phải lâu hơn thế. Những bước chân nhọc nhằn, trệu trạo khắc ghi trên đá.
Những gì người ta cảm nhận được khi lần đầu tiên bước chân đến nơi đây chỉ gói gọn trong hai từ “đói nghèo” và “biệt lập”. Bà con cách 4 – 5 ngày mới băng rừng, vượt đèo để đi chợ. Rồi đi chợ về cũng chẳng dám mua nặng, mua nhiều bởi gánh gồng mà leo qua ngọn núi này thì mệt lắm, khổ lắm. Cả bản làng trong thung lũng ấy chìm khuất trong mây, trong nghèo đói, thiệt thòi. Hôm chúng tôi đến đúng phiên chợ, trời mưa rả rích nhiều ngày, bùn đặc quánh, trơn trượt. Gặp chúng tôi trên đường đi chợ về, Bà Hoàng Thị Niêng, 56 tuổi chia sẻ: “Cách 4 ngày một phiên chợ, đi lại khó lắm à, chỉ đi bộ thôi! Trời nắng còn đỡ, trời mưa thì khổ rồi, dễ ngã lắm, chưa kể lũ ống, lũ quét, rồi rắn, rết nữa chứ...”.
Trò chuyện cùng Ông Nông Văn Thượng, Trưởng thôn Lũng Luông, chúng tôi được biết: Là bản đặc biệt khó khăn của xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn với diện tích tự nhiên 26 héc-ta nhưng chủ yếu là núi đá, Lũng Luông có 38 hộ dân sinh sống, với 273 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng. Do gần như bị cô lập hoàn toàn với bên nài nên người dân trong bản chủ yếu “tự cung tự cấp”, đời sống của họ gặp vô vàn những khó khăn.
Với địa hình trũng thấp, mưa to thì nước ở thượng nguồn đổ xuống gây sạt lở, lũ ống, lũ quét, mưa nhỏ thì ngập úng cục bộ, ít có loại cây trồng nào có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt đó. Bà con chỉ còn biết làm nương trồng ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ, quanh năm suốt tháng lương thực chính là ngô đủ món. Ai có sức khỏe hơn thì vào rừng chặt củi đốt than, chờ phiên chợ nài xã để bán, kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng rồi, sức khỏe nào có thể bền bỉ được với những gập ghềnh khúc khuỷu của quãng đường ra chợ. Thế nên, đói nghèo, tăm tối vẫn đeo bám bà con như mây mù quấn quanh đỉnh núi. Xóa đói, giảm nghèo chỉ là giấc mơ mãi xa vời.
Bộ đội phá đá mở đường vào bản Lũng Luông
Nhiều năm nay, ở Lũng Luông không ai có trình độ đại học, rất ít người học hết bậc Trung học Phổ thông. Điểm trường chỉ có duy nhất một phòng học, nên học sinh tiểu học và mầm non đều học ghép. Bắt đầu từ lớp 3, hàng ngày, các em phải băng rừng, vượt đèo ra nài xã thì mới có thể học tiếp. Kẻ đi tìm chữ, người đi gieo chữ. Hành trình vào bản dạy học của cô giáo trẻ Hồ Thị Dự cũng không kém phần gian nan, vất vả.
Mỗi ngày đều dậy từ rất sớm, đi bộ, trèo đèo ba đến bốn cây số dưới thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng, khi mưa, núi rừng heo hút là thử thách không hề nhỏ với cô. Nhưng bằng trách nhiệm, bằng tình thương, lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi thanh xuân, cô vẫn tận tụy, cần mẫn vào bản mỗi ngày để ươm những mầm non. Bao đời sống trong ốc đảo mịt mù này, bà con vẫn ước ao có được một con đường. Một con đường mở thông vào bản sẽ không chỉ giải tỏa nỗi khổ vì không có đường đi mà còn phá được tính biệt lập, cục bộ, đưa được ánh sáng văn minh và tiến bộ xóa đi sự chênh lệch vùng miền, góp phần xây dựng, củng cố và giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn.
Một trong những tiêu chí cuối cùng mà xã Vạn Linh phải hoàn thành để về đích nông thôn mới đó chính là phải có đường vào bản Lũng Luông. Một con đường vào bản có thể đi được ô tô – xe máy, dân bản muốn lắm, xã muốn, huyện muốn, tỉnh cũng muốn, nhưng phá núi đá để hạ đèo làm đường không phải là chuyện đơn giản.
Do thường xuyên thăm hỏi, khảo sát đời sống nhân dân trên địa bàn đóng quân, Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 3 – Sao Vàng đã nhiều lần vào bản Lũng Luông và nắm được tình hình khó khăn của bà con trong bản. Xác định việc quân đội chung sức cùng nhân dân và chính quyền trên địa bàn đóng quân xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị thời bình, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn đã báo cáo Thường vụ Đảng ủy Quân khu 1, xin được bỏ công sức để làm đường, giúp nhân dân Lũng Luông mở mang dân trí, phát triển kinh tế, dần vươn lên thoát nghèo.
Niềm vui ngày mở đường
Sau khi kế hoạch “Công trình hạ đèo Lũng Luông” được xây dựng và thông qua. Hơn 110 cán bộ và chiến sỹ Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng khoác quân trang hành quân vào chân đèo Lũng Luông, san mặt bằng hạ trại. Tiếng nổ mìn khởi công công trình vang lên giữa mênh mông rừng núi, làm chấn động cả một vùng đất hằng say ngủ. Lúc chung tay hạ đèo làm đường cũng là lúc những người làm đường vấp phải vô vàn khó khăn, vất vả.
Trực tiếp chỉ đạo bộ đội thi công hạ đèo, Thiếu tá Trần Hữu Đông, cho biết: “Đèo Lũng Luông dài hơn một cây số, độ dốc lớn, kết cấu bền vững chủ yếu là đá vôi liền khối. Để mở một con đường rộng 5,5m từ chân đèo bên này vượt sang bên kia đèo thì chiều cao hạ đèo trung bình khoảng 4m, đoạn hạ sâu nhất lên tới 12m. Thời gian thi công liên tục trong 6 tháng với khối lượng đất đá phải vận chuyển hơn 17.000m3”. Thi gan cùng gian khổ mà mở đường và làm đường. Giữa rền vang rừng núi những tiếng đục, khoan, quai búa làm nên một bản giao hưởng hùng vĩ của sức lao động con người.
Bộ đội Đoàn Sao vàng tích cực làm đường vào bản Lũng Luông
Mỗi ngày, bộ đội phải sử dụng hơn 20kg thuốc nổ để phá núi đá. Nổ mìn rồi bê đá để san đường, hòn nào to không vần được thì nhiều người khiêng. Thi công chủ yếu dựa vào sức người là chính giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là thung lũng sâu, điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Có lúc phải đu mình trên vách núi dựng đứng để khoan đá, nhồi thuốc nổ, đặt mìn. Lại có khi phải đưa máy nén khí nặng gần 400 cân lên đỉnh đèo, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng chung vai dò từng bước, có người bị đá cứa tóe máu, rồi trượt chân… nhưng không một ai nản chí. Những con người này đã dùng niềm tin, ý chí và sức mạnh của tuổi trẻ để chiến đấu và chiến thắng sự khốc liệt của đá núi. Tất cả họ đều tâm niệm rằng: giúp nhân dân như giúp chính gia đình mình.
Trên công trường rộn tiếng ca, bộ đội và nhân dân cùng chung sức khiến cho cả tuyến đường trở nên sôi động. Tiếng máy nổ sình sịch xen lẫn tiếng trộn bê tông ràn rạt. Bộ đội đổ bê tông lòng đường còn bà con đắp đất kè đường để ngăn sạt lở. Mọi người ai vào việc nấy, tự giác, hăng say, tùy theo khả năng của mình mà lựa việc để làm. Ông Páo năm nay gần 80 tuổi, là một trong những người già nhất bản cũng hăng hái tay cuốc, tay xẻng góp một phần công sức của mình. Mỗi nhát cuốc găm vào núi, mỗi xẻng đất xúc lên để kè bờ đều thắm cái tình “quân với dân một ý chí”. Lúc nghỉ tay, là lúc làm quen, thăm hỏi, chuyện trò, là lúc mấy chị phụ nữ hát cho mọi người nghe. Lời ca tiếng hát mộc mạc thôi nhưng lại có sức mạnh khiến cho tình cảm quân dân thêm nhiều phần gắn kết.
Thắm tình quân dân
Rồi câu chuyện về mối tình quân dân cùng cuộc chiến xuyên lòng núi đá hơn một năm trời ròng rã của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 3 đã đi đến ngày hạnh phúc. Ngày mơ ước ấy đánh đổi bằng gần 30 ngàn ngày công lao động cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của biết bao con người. Lần đầu tiên, 38 hộ gia đình sống sau những dãy núi đá vôi cao lừng lững ấy đã nhìn thấy con đường bê tông phẳng lỳ từ từ hiện ra như có phép màu. Con đường ấy giống hệt một dải lụa mềm vắt ngang sườn núi, chạy dài vào trong bản, bắt đầu mang đến cho bà con ánh sáng của cuộc sống văn minh.
Đại tá Lê Văn Bền, Phó Chính ủy Sư đoàn 3 khẳng định: “Công trình hạ đèo Lũng Luông thể hiện tình quân dân sâu đậm, thiết thực cổ vũ phong trào “Đoàn Sao Vàng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Sư đoàn coi đây là nhiệm vụ chính trị thời bình nên hằng năm chúng tôi giúp nhân dân hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang hàng vạn ngày công mở đường, tặng nhà tình nghĩa... trị giá hàng tỷ đồng”.
Bộ đội Đoàn Sao vàng tích cực làm đường vào bản Lũng Luông
Con đường khánh thành đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo, vật chất, tinh thần của Lũng Luông. Câu chuyện phá núi đá mở đường đã khép lại nhưng từ sự kết thúc ấy, một câu chuyện mới được mở ra, đó là câu chuyện về con đường đưa bà con bản Lũng Luông đến gần hơn với ấm no, hạnh phúc. Đường làm xong, điện cũng theo đường về bản. Âm thanh sản xuất của máy móc vang lên khắp xóm. Bà con có điều kiện tiếp cận khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả và hiệu suất lao động. Đói nghèo lùi dần vào quá khứ. Diện mạo đời sống cứ thế mà “thay da đổi thịt” từng ngày. Ông Nông Văn Đức 84 tuổi, dân tộc Nùng, một trong những cụ cao niên trong bản xúc động, cho biết: “Ngày xưa chưa có đường, muốn ra trung tâm xã phải mất mấy tiếng vượt đèo, khổ lắm. Nay có đường mới, chỉ cần mười phút đã ra đến xã, dân bản cảm ơn bộ đội Sao Vàng nhiều lắm”.
Ánh đèn dầu leo lét ở nhà em Nông Mạnh Tường hôm nào, nay nhường chỗ cho ánh điện tuyp sáng trưng. Có điện để học bài, niềm vui mừng sáng lên rạng rỡ trong đôi mắt trẻ thơ, nét chữ đều tăm tắp đúng hàng, thẳng lối, buộc chặt con chữ ở lại với bản làng. Cũng giống như Tường, bao em nhỏ ở Lũng Luông sẽ thắp lên niềm hi vọng từ ngàn đời của ông, bà, bố, mẹ, xóa đi cái thất học, đói nghèo.
Khi có đường rồi, chuyện vui cứ nối tiếp chuyện vui. Đi học vào những ngày mưa đối với các em không còn là cơn ác mộng, không còn là những cái thảng thốt giật mình khi lỡ trượt chân trên đường đèo trơn tuột. Đường từ nhà đến trường giờ đây dễ quá, gần quá. Áp lực của việc nghỉ học hoặc trễ giờ sẽ mãi mãi không còn đeo bám trong suy nghĩ non nớt của các em được nữa. Con đường vào bản đã nhấc đi được gánh nặng âu lo ấy, cho các em được vô tư học hành, vui chơi đúng với cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” của mình.
Đi trên con đường quân dân thắm nghĩa đượm tình, chúng tôi có dịp cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 hăm hở quay trở lại Lũng Luông để chia sẻ cùng bà con niềm vui trọn vẹn khi có con đường mới. Các anh đã mang đến cho 38 hộ dân trong “ốc đảo” này một con đường để thay đổi cuộc đời sau bao nhiêu năm sống trong tăm tối, thiệt thòi; một con đường sáng cho sự đổi thay cả trong tư duy và nhận thức.
Niềm vui của bà con bản Lũng Luông đi trên con đường mới
Đón các anh vào bản là những nụ cười thân thương, trìu mến, những cái bắt tay rất chặt, rất tình. Câu chuyện về quá khứ, hiện tại và cả tương lai của bản làng cứ râm ran không dứt.
Bên bếp lửa hồng, ôn lại những ký ức về một “ốc đảo” xa xôi, đói nghèo, nhắc lại những khó khăn không thể nào quên lúc chung tay hạ đèo, mở con đường mới, gương mặt ai cũng bồi hồi xúc động. Đi qua những ngày nắng, đi hết những ngày mưa. Những kỷ niệm chan chứa tình quân dân cứ đong đầy, nồng đượm như than củi vùi trong tro ấm. Miếng bánh, chén trà cũng vì thế mà đậm đà hơn theo lời người kể chuyện.
Trao đổi với chúng tôi, Bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Phó Ban chỉ đạo thi công công trình hạ đèo Lũng Luông phấn khởi cho biết: “Lũng Luông là thôn nghèo nhất của xã Vạn Linh, đường đi hiểm trở, hiện tại xã mới đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tiêu chí về giao thông là khó khăn nhất. Nay được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn chung tay gánh vác phần việc khó, chúng tôi rất xúc động. Có sự giúp sức của Sư đoàn, chúng tôi quyết tâm xây dựng xã Vạn Linh thành xã nông thôn mới, đặc biệt ưu tiên cho thôn Lũng Luông”.
Đón các anh bộ đội về chung vui con đường mới, bà con mổ lợn, gói bánh, không khí rộn ràng lan ra khắp bản. Những đôi bàn tay phá đá mở đường hôm nào, nay lại vụng về, lóng ngóng trải từng tấm lá, buộc từng nút lạt, gửi trọn tấm chân tình người chiến sĩ vào trong từng chiếc bánh bánh đòn, bánh chay...Tiếng nói chuyện, cười đùa vang cả một góc nhà sàn. Ngày vui, bộ đội ở lại ăn cơm cùng với dân bản. Uống những chén rượu ngô ủ bằng men lá say lịm, ngọt ngào, chủ và khách uống cạn, trao gửi cho nhau cái tình, cái nghĩa như không muốn xa rời.
Đường qua đèo Lũng Luông, con đường của tình quân dân gắn kết, con đường của ý Đảng, lòng dân, con đường của phong trào “dân vận khéo”, biết gần dân, hiểu dân để giúp dân. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 đã mang cuộc sống ấm no, niềm vui, hạnh phúc về cho Lũng Luông. Cũng giống như bao đồng đội khác làm công tác dân vận trên khắp mọi miền Tổ quốc nói chung và LLVT Quân khu 1 nói riêng, họ đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục cùng nhau phá đá bạt đồi làm nên những con đường mới, đưa ánh sáng văn minh lên vùng núi, miền cao, cho xe ô tô chở ước mơ, chở muối, chở dầu, chở cả niềm tin đến những bản làng xa xôi heo hút, mang đi cái đói nghèo và tháng năm cơ cực.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Nam
Cùng chuyên mục
Bình luận