Drag Queen: Chàng vũ công hóa thân thành "nữ hoàng" khi đêm xuống
(Sóng trẻ) - Từ một cậu bé nhút nhát, tự ti đến hình ảnh Drag Queen lộng lẫy, kiêu sa trên khấu, là hành trình chàng trai Trần Tuấn Phong đi tìm lại bản ngã của mình.
22 giờ, tại một quán bar nhỏ trên con phố Đông Tản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tuấn Phong xuất hiện rạng rỡ trên sân khấu cùng nghệ danh Chi Lê bê đê của mình. Trong tiếng hò reo, vỗ tay nồng nhiệt của khán giả, Chi Lê không ngừng phô diễn những vũ đạo đẹp mắt, quyến rũ đã được kỳ công chuẩn bị.
Chia sẻ về nghệ danh đặc biệt của mình, Tuấn Phong cho biết đây là một nghệ danh vui, phù hợp với năng lượng tích cực và muốn hướng tới sự thoải mái, vui vẻ cho tất cả mọi người. Chi Lê bê đê cũng là niềm tự hào, sự tự tin, thoải mái mà Phong được bộc lộ ra dưới ánh đèn sân khấu.
Lựa chọn sống cùng đam mê
Trần Tuấn Phong, 21 tuổi, là con trai thứ hai trong một gia đình sống tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Hiện tại Phong đang theo học nghề trang điểm và là một nghệ sĩ biểu diễn Drag.
Từ "Drag" là viết tắt cho cụm từ "Dress Resembling A Girl" (ăn mặc như một cô nàng). Nghệ thuật biểu diễn Drag hay Drag Queen nhìn chung có thể hiểu là các loại hình nghệ thuật biểu diễn có người nam hóa trang thành nữ. Nó là sự tổng hòa của nhiều môn nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, diễn xuất, vũ đạo…
Chia sẻ về lần đầu tiên công khai với gia đình chuyện mình là người đồng tính và mong muốn được làm Drag, Tuấn Phong không ngừng xúc động kể lại.
"Sau khi vừa thú nhận với bố, bố nhìn mình và khóc. Nhưng rồi bố cũng nói 'con không phải khóc, dù con có là ai đi chăng nữa thì bố vẫn yêu con, con vẫn là con của bố'. Khoảnh khắc ấy mình đã rất bất ngờ vì phản ứng của bố. Và thật lòng mình cảm thấy hạnh phúc, biết ơn khi mình được ở trong một gia đình mà mọi người ủng hộ mình đến vậy."
Tuấn Phong cũng không ngần ngại chia sẻ anh cũng từng cảm thấy không thích Drag Queen và thấy rằng nó khá lố lăng và hơi… kỳ lạ, khi con trai trang điểm, mặc váy, đội tóc giả, … tự tin xuống phố ca hát và nhảy múa. Nhưng cũng chính vào lúc anh cảm thấy tự ti, gặp nhiều điều thất vọng trong cuộc sống và anh thấy Drag Queen Valentina trên chương trình RuPaul Drag Race. Điều đó đã nhen nhóm ngọn lửa đam mê cho Phong, để rồi Phong đưa ra sự lựa chọn quyết tâm thực hiện công việc này.
"Mới đầu mình cũng chỉ là những khán giả đi xem các anh chị diễn. Sau vài lần khi các anh chị thấy mình và thấy được khả năng biểu diễn của mình nên đã ngỏ lời muốn mình gia nhập vào nhóm. " - Phong chia sẻ về cơ duyên đến với nghề.
Tháng 7/2022, Phong nhận show diễn đầu tiên của mình xuất hiện với cái tên mới là Chi Lê bê đê. Vì là buổi diễn đầu tiên, mong muốn gây được sự chú ý với mọi người, nên Phong dồn hết sức lực để làm tốt phần trình diễn.
"Dù cho chân có đau, dập đầu gối, sưng đỏ hết lên nhưng mình vẫn cảm thấy vui khi được biểu diễn trên sân khấu và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả."
Sự đánh đổi không chỉ là những giọt nước mắt
Đam mê với nghề là vậy nhưng Tuấn Phong cũng vấp phải không ít những khó khăn trong quá trình làm nghề của mình. Hầu hết thu nhập từ việc đi diễn được Phong dùng để mua đồ trang điểm, tóc giả, trang phục, phụ kiện, … cho những lần diễn khác. Ngoài công việc biểu diễn Drag, Phong cũng đang đi học trang điểm để có thể kiếm thêm thu nhập khác.
Phong thường phải dành từ 3-4 tiếng để biến hoá thành Chi Lê. Tóc giả cũng là một phần vô cùng quan trọng, mỗi bộ tóc đều phải được thiết kế tỉ mỉ từng chi tiết. Trang phục biểu diễn cũng phải luôn thật đẹp và mang màu sắc, cá tính riêng. Phong cũng tự mua vải, thuê thợ may theo thiết kế của mình. Mỗi bộ trang phục đều lộng lẫy, cồng kềnh và nặng nề, gồm cả đồ lót chiết eo, nịt bụng, để tạo được đường cong, dẫn đến khó thở.
"Chuẩn bị kỳ công là vậy, nhưng trước kia hoạt động cá nhân, mình không có nhiều show. Từ ngày về với Haus of Fiona HiLee thì mọi người hay đi diễn cùng nhau, có show diễn sẽ gọi nhau nên thu nhập cũng sẽ khá hơn." - Phong chia sẻ về hội nhóm Haus of Fiona HiLee của mình.
Ngoài ra, khó khăn còn ở thời gian làm việc chủ yếu về đêm. Có những hôm kết show muộn đã là 2-3 giờ sáng, những lúc ấy Phong chỉ muốn đi về nhà thật nhanh để nghỉ ngơi, trút bỏ hết lớp trang điểm, quần áo nặng nề.
Sân khấu cũng là một vấn đề lớn. Phong chia sẻ một kỉ niệm "Có show Pride ball vào tháng 8 vừa qua, sân khấu diễn là ở ngoài trời. Đang diễn thì trời đổ mưa, chúng mình vẫn cố gắng cháy hết mình trên sân khấu để không phụ sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả."
Có lẽ, động lực lớn nhất đối với Chi Lê bê đê nói riêng và với các nghệ sĩ Drag nói chung đó chính là sự những tràng vỗ tay của khán giả, những tin nhắn khen ngợi, những lời cảm ơn giúp Chi Lê không bỏ cuộc. Từ đó, anh nhận ra sứ mệnh của một người nghệ sĩ, chính là truyền tải được những thông điệp, cùng khóc, cùng xúc động, cùng cười với khán giả.