Đường Nguyễn Xiển – “Bài toán ngược chiều” vẫn chưa được giải quyết
(Sóng trẻ) - Nhiều năm qua, tình trạng đi ngược chiều trên tuyến đường Nguyễn Xiển vẫn còn tồn tại. Thậm chí, tình trạng này còn ngày càng trở nên phổ biến hơn vào mỗi khung giờ cao điểm. Hàng trăm xe máy đi ngược chiều, bất chấp nguy hiểm, làm cho giao thông đoạn đường Nguyễn Xiển – Nghiêm Xuân Yên đang dần trở thành một khu vực giao thông “tử thần”.
Tại đường Nguyễn Xiển, tình trạng phương tiện đi ngược chiều đã tồn tại nhiều năm nay. Theo ghi nhận tại hiện trường, việc đi ngược chiều của các phương tiện xuyên suốt cả quãng đường dài từ ngã tư Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển – Khuất Duy Tiến đến dọc tuyến đường Nghiêm Xuân Yên. Khi phát hiện thấy lực lượng chức năng, các chủ phương tiện lập tức quay đầu xe “bỏ chạy” hoặc tắt máy xuống xe và dắt bộ.
Những chiếc xe bất chấp nguy hiểm thản nhiên đi ngược chiều
Trên tuyến đường này có nhiều đường nhánh, rẽ vào các ngõ nhỏ của đường Nguyễn Xiển. Vì thế, đa số các phương tiện tham gia giao thông ngược chiều đều xuất phát từ các đường nhánh đổ ra đường Nguyễn Xiển hướng về ngã tư Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến. Thậm chí, nhiều người điều khiển xe máy đi ngược chiều không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách giữa làn xe đi đúng chiều.
Nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông “quyết tâm” không đội mũ bảo hiểm mặc dù có mang theo
Đã đi ngược chiều nhưng hai nam thanh niên vẫn không chịu đội mũ bảo hiểm
Theo phản ánh của người dân sống ở khu vực này, tình trạng các phương tiện tham gia giao thông đi ngược chiều đã diễn ra trong rất nhiều năm gần đây. Thậm chí, vào ngày 4/6/2019, tại đoạn đường này đã xảy ra vụ việc xe máy đi ngược chiều gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy. Mặc dù lực lượng CSGT thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng “ngựa quen đường cũ”, tình trạng này vẫn tồn tại suốt thời gian qua.
“Bao năm rồi tình trạng này vẫn cứ tồn tại, cứ đến giờ cao điểm là người ta đi ngược chiều, đi lên trên cả vỉa hè rất nguy hiểm. Ngày nào CSGT cũng ra xử lý nhưng khi vắng mặt CSGT là đâu lại vào đấy. Người dân ở đây bức xúc lắm nhưng không làm gì được. Cũng có tai nạn xảy ra rồi nhưng họ cứ đi bất chấp như vậy”, cô Văn Minh Hiền chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Xiển bức xúc.
Đến hẹn lại lên, các phương tiện nối đuôi nhau đi trên vỉa hè để rẽ vào ngã tư Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến
Chị Phạm Thị Mai, người buôn bán trên tuyến đường này chia sẻ: “Các phương tiện đi ngược chiều để rẽ vào làng Triều Khúc cho nhanh thay vì phải vòng thêm một đoạn dài. Các phương tiện cứ nối đuôi nhau đi ngược chiều cả ngày, đến giờ cao điểm thì đông lắm”.
Theo ghi nhận của phóng viên, một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đi ngược chiều của các phương tiện giao thông trên đoạn đường Nguyễn Xiển là do ý thức kém. Người dân vẫn còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến có những hành động chưa đúng đắn. Thay vì đi đúng đường, các chủ phương tiện đã cố tình đi ngược chiều dưới lòng đường, thậm chí cả trên vỉa hè để rút ngắn thời gian.
Lý do “sợ muộn làm, đi ngược chiều rẽ vào cho tiện” trở thành “châm ngôn” của những người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều
Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Vào các giờ cao điểm, áp lực giao thông tăng cao dẫn đến tình trạng các phương tiện đi ngược chiều, bất chấp nguy hiểm đang rình rập đến tính mạng.
Video ghi nhận của phóng viên về tình trạng đi ngược chiều tại đường Nguyễn Xiển
Để có thể nhanh chóng giải quyết tình trạng đi ngược chiều của các phương tiện giao thông trên đoạn đường Nguyễn Xiển – Nghiêm Xuân Yên, các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách triệt để hơn. Hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tham gia giao thông, nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ để có thể cải thiện được tình trạng trên, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt lỗi đi ngược chiều đối với xe máy là 300.000 - 400.000 đồng; đối với xe ô tô là 800.000 - 1.200.000 đồng. Nài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo điểm b khoản 12 điều 5 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng đối với xe máy và 2 – 4 tháng đối với xe ôtô.
|
Chu Linh - Phan Loan
Cùng chuyên mục
Bình luận