Gia đình: Điểm tựa vững chắc giữa xã hội hiện đại
(Sóng trẻ) - Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho mỗi người. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đang làm phai nhạt sự gắn kết gia đình. Việc thích nghi và giữ gìn mái ấm trở thành thách thức không hề nhỏ.
Trong xã hội hiện đại đầy biến động, con người ngày càng bị cuốn theo những vòng xoay của công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội. Giữa những bộn bề ấy, gia đình là nơi để mỗi người tìm về, sẻ chia và được là chính mình.
Chị Vũ Thị Phượng (34 tuổi, Hải Dương) là quản lý của một cửa hàng kinh doanh tại Cầu Giấy, Hà Nội. Công việc bận rộn khiến chị thường xuyên phải đối mặt với những áp lực. Chị Phượng tâm sự: “Dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn luôn dành thời gian cho gia đình. Đó là khoảng thời gian tôi cảm thấy thư giãn nhất, giúp tôi tìm thấy sự bình yên và cảm nhận được tình yêu thương sau một ngày dài làm việc mệt mỏi”.
Chị Phượng chia sẻ thêm chính sự đồng hành và thấu hiểu của chồng đã giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi phải vừa chăm con nhỏ, vừa làm việc từ xa trong khoảng thời gian dịch bệnh. “Chúng tôi chia sẻ mọi việc trong nhà, hỗ trợ nhau, và quan trọng nhất là không bao giờ để những bực bội của công việc ảnh hưởng đến cách cư xử với người thân”.

Còn với Quỳnh Anh (19 tuổi, Hòa Bình), gia đình là món quà vô cùng quý giá, không gì có thể thay thế được. Quỳnh Anh nhớ mãi giai đoạn áp lực khi ôn thi đại học, dù lịch học kín tuần nhưng cô bạn luôn có gia đình đồng hành, chăm sóc.
“Bố mẹ mình hành động nhiều hơn lời nói. Nhớ những ngày đi học tới tối muộn mới về nhưng bố mẹ vẫn luôn chờ cơm, chăm sóc mình vô cùng tỉ mẩn. Thấy được sự quan tâm của gia đình, mình lại có thêm động lực để cố gắng”, Quỳnh Anh bày tỏ.
Câu chuyện của chị Phượng và bạn Quỳnh Anh cũng là tiếng nói chung của rất nhiều người hiện nay - những người đang phải căng mình trước nhịp sống hiện đại nhưng vẫn luôn hướng về mái ấm như một nơi để “chữa lành".

Tuy nhiên, hiện nay với biến động xã hội cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra nhiều thách thức đối với các gia đình, tình trạng ly hôn đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê từ tòa án, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 600.000 vụ ly hôn. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến gồm: mâu thuẫn lối sống (27,7%), ngoại tình (25,9%), khó khăn kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), khoảng cách thế hệ, và thời gian sống xa nhau (1,3%). Mỗi con số là một mảnh ghép phản ánh những rạn nứt trong đời sống gia đình hiện đại.
Ảnh hưởng từ mạng xã hội và áp lực công việc cũng khiến thời gian kết nối giữa các thành viên trở nên hạn hẹp. Một số bậc phụ huynh vì mải mê với công việc mưu sinh mà không có thời gian để ở bên, chăm sóc và lắng nghe con cái. Trái lại, không ít người trẻ lại tìm đến mạng xã hội như một cách giải tỏa, nhưng rồi dễ rơi vào cảm giác cô đơn, xa rời các giá trị truyền thống.
Chị Phượng từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp xung quanh mình rơi vào cảm giác khủng hoảng khi gia đình thiếu đi sự kết nối. “Không phải ai cũng may mắn như mình. Có người về nhà là xảy ra những cuộc cãi vã, con cái thì đóng cửa phòng, mỗi người một thế giới riêng. Lúc ấy, nhà không còn thật sự là nhà nữa”, chị nói.

Tương tự, anh Đức Tài (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ có những người bạn của anh chọn sống tách khỏi gia đình vì cảm thấy “không được thấu hiểu”, nhưng sau đó lại rơi vào trạng thái lạc lõng, “Bạn mình từng rất hào hứng khi chuyển ra sống riêng, nhưng rồi thường xuyên gọi điện về nhà chỉ để nghe giọng bố mẹ cho đỡ nhớ”.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhịp sống ngày càng gấp gáp, nhu cầu kết nối và tìm kiếm cảm giác thân thuộc vẫn là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều người. Việc duy trì sự gắn kết không còn phụ thuộc vào những giá trị truyền thống đơn thuần, mà nằm ở khả năng thích ứng, thấu hiểu và sẻ chia giữa các thành viên.