Gian nan con đường đăng kí tín chỉ
(Sóng Trẻ) - Tín chỉ là hình thức học có nhiều ưu điểm đang được áp dụng ở hầu hết hệ thống trường đại học Việt Nam. Tuy nhiên, việc đăng kí tín chỉ lại trở thành cơn “ác mộng” đối với đa số sinh viên bởi những “thảm họa” mà học chế này mang lại.
Mất ăn, mất ngủ vì tín chỉ
Sinh viên phải tập trung cao độ và dồn hết sức lực cho mỗi đợt đăng kí tín chỉ vì mong muốn được học vào đúng khung giờ mình thích, đúng giáo viên mình yêu quý và chung một lớp với những người bạn của mình. Hơn nữa, không đăng kí được môn học cũng đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ “thất học” vào kì học tới.
Thời gian biểu những ngày này của Đỗ Hương Giang – sinh viên năm 2 Đại học Nại Thương bị xáo trộn đáng kể. Cô bạn gần như phải gác lại hết kế hoạch học tập và sinh hoạt không cần thiết để giành thời gian cho việc đăng kí tín chỉ. Đây chính là quãng thời gian “khủng khiếp” mà hàng nghìn sinh viên trường Nại Thương phải đối mặt.
“Lúc chuẩn bị đến giờ thì đứa nào cũng tim đập chân run, sợ hãi lo lắng tột độ vì nhỡ không đăng kí được môn nào. Bọn mình phải huy động hết cả mạng dây, wifi và 3G, thậm chí “cắm cọc” cả ở hàng net để không bỏ lỡ bất kì cơ hội nào” – Giang cho biết.
Sinh viên ĐH Nông nghiệp tập trung tại trường giữa đêm để đăng ký tín chỉ. (Nguồn: Infonet)
Đây không chỉ là “nỗi khổ” của riêng sinh viên Đại học Nại Thương mà còn là thực trạng chung của sinh viên tất cả các trường đại học đang theo học chế tín chỉ. Khác với hệ niên chế (nhà trường đưa ra thời khóa biểu), việc học theo tín chỉ tạo điều kiện cho sinh viên tự lựa chọn chương trình học cho mình trong mỗi học kì. Cũng nhờ cơ chế này, sinh viên có thể ra trường sớm với điều kiện đã hoàn thành hết số tín chỉ và môn học quy định. Thuận lợi là thế, nhưng những “thảm họa” mà tín chỉ mang lại cũng khiến không ít sinh viên phải hoảng loạn và khiếp sợ.
Cũng với tình cảnh tương tự, Vũ Tuấn Thành (Khoa Luật – Đại học Quốc Gia HN) bức xúc: “Mỗi lần đăng kí tín chỉ là lại chật vật, khổ sở lắm. Nhà trường không thông báo giờ đăng kí nên bọn mình cứ phải ngồi canh me cả ngày. Ức chế nhất là những khi đăng kí được rồi, thoát ra vào lại thì những gì vừa đăng kí được đã bị xóa sạch”.
Trong thời điểm chuyển giao giữa hai kì học như hiện nay, đăng kí tín chỉ đang trở thành chủ đề nóng để sinh viên bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm. Trên mạng xã hội Facebook, sinh viên liên tục cập nhật những trạng thái, bình luận than vãn, kể khổ và chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau nhanh chóng vượt qua thời kì “ác mộng” này.
Những cập nhật trạng thái và bình luận của sinh viên xoay quanh việc đăng kí tín chỉ.
Không chỉ các bạn sinh viên phải khổ sở với những lần đăng kí tín chỉ mà các bậc phụ huynh cũng thấp thỏm và lo âu không kém. Cô Lê Huyền Anh (Kim Mã – Hà Nội) tâm sự: “Con trai cô đang học ở trường Kinh tế quốc dân. Cứ mỗi lần phải đăng kí tín chỉ là nó chẳng dám ăn dám ngủ gì, đi vệ sinh cũng không yên, cứ dán chặt mắt vào máy tính. Mà lần nào đăng kí cũng phải mất cả ngày mới xong, cô nhìn mà xót hết cả ruột”.
Mặc dù khó khăn trong đăng kí tín chỉ đôi khi biến thành những trở ngại, nhưng có những bạn lại cảm thấy đây là những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ trong quãng đời sinh viên. Việc thức đêm cùng nhau, động viên, giúp đỡ hay chia sẻ kinh nghiệm khi đăng kí tín chỉ đã giúp các bạn trở nên thân thiết và đoàn kết hơn. Có những bạn sinh viên điều kiện thuận lợi đã tranh thủ cơ hội kiếm tiền bằng cách đăng kí thuê cho các bạn khác.
Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp khó khăn mỗi lần đăng kí tín chỉ. Trần Hoàng Nam (Đại học Kinh tế quốc dân) vui vẻ cho biết: “Mình đăng kí một phát được luôn, chẳng vật vã như lũ bạn. Chắc cũng do may rủi nữa”.
Khó đăng kí tín chỉ, lỗi đổ tại đâu?
Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu gây ra những khó khăn trong quá trình đăng kí tín chỉ ở các trường đại học bao gồm cả khách quan và chủ quan.
Những sự cố về cơ sở vật chất như “đơ server”, “lag server”, nghẽn mạng… là nguyên nhân khách quan mà đa số sinh viên gặp phải. Và dường như đây là vấn đề “không thể khắc phục”, bởi qua rất nhiều kì đăng kí tín chỉ, hệ thống server của các trường vẫn trong tình trạng bất ổn định. Lê Khánh Linh (Học viện Nại Giao) “tố cáo” hệ thống này chính là thủ phạm khiến cô bạn phải vật vã suốt nhiều ngày, “ngày thường vào mà còn sập lên sập xuống, chả trách đến khi đăng kí tín chỉ cũng chẳng khá hơn là bao”.
Trong khi điều kiện cơ sở vật chất không thuận lợi như vậy, nhiều sinh viên thiếu ý thức đã vô tình “tiếp tay” để việc khó càng thêm khó. Nhiều bạn không trong khung giờ đăng kí nhưng vẫn đăng nhập vào hệ thống và F5 liên tục, làm ảnh hưởng tới những người đăng nhập đúng khung giờ. “Một khóa của trường chỉ có khoảng 2000 sinh viên, thế mà lần nào đăng nhập cũng thấy có tận 5000 – 6000 người đang truy cập” – Vũ Thùy Trang (Đại học Nại Thương) cho biết.
Đó là những điều ai cũng có thể nhận thấy được, tuy nhiên sự thật không chỉ có thế. Chính sự điều hành, quản lí lỏng lẻo, kém chất lượng của các ban quản lí nhà trường; số lượng ít ỏi của các lớp học và các giảng viên trình độ cao khiến sinh viên phải tranh giành để đạt đứng nguyện vọng là những nguyên nhân sâu xa dẫn tới khó khăn trong quá trình đăng kí tín chỉ ở các trường đại học hiện nay.
Tìm giải pháp khắc phục
Học chế tín chỉ được đưa vào hoạt động từ năm 2001. Thời điểm áp dụng hệ thống mới này vào nền giáo dục đại học Việt Nam cũng chính là thời điểm phát sinh những mặt trái và hạn chế, thậm chí được coi là rào cản đối với quá trình học tập của sinh viên.
Để phát huy lợi ích và khắc phục những hạn chế mà tín chỉ mang lại, cần có sự cố gắng và quyết tâm của cả nhà trường và sinh viên. Ban giám hiệu, bản quản lí của mỗi trường cần có kế hoạch cụ thể để củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống mạng nhà trường. Nhà trường cũng cần điều chỉnh số lượng lớp học tùy thuộc vào môn học để tránh khỏi tình trạng một lớp tập trung quá nhiều sinh viên trong khi những lớp khác lại thiếu.
Về phía sinh viên, cần nâng cao ý thức khi truy cập hệ thống đăng kí tín chỉ, tránh đăng nhập vào những khung giờ của người khác. Đôi khi, mỗi sinh viên cũng cần phải biết chấp nhận những lịch học “không hoàn hảo” để không phải hao công tổn sức quá nhiều, dành thời gian cho việc học tập và trao cơ hội cho những người bạn khác chưa đăng kí được tín chỉ.
Tóm lại, đào tạo tín chỉ sẽ trở thành một hình thức tiên tiến, phát huy được nhiều thế mạnh nếu có những bước đi đúng hướng. Các nhà quản lí giáo dục và bản thân sinh viên cần có sự kết hợp, hỗ trợ và cảm thông với nhau để có được những biện pháp thích hợp nhằm phát triển học chế này.
Phạm Thị Quỳnh Trang
Lớp Báo ảnh K.31
Cùng chuyên mục
Bình luận