Giáo dục thay đổi sau một tháng siết chặt dạy thêm, học thêm
(Sóng trẻ) - Sau một tháng Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực, việc học tập của các em học sinh đã có sự thay đổi rõ rệt.
Sau khi quy định về việc dạy thêm, học thêm được siết chặt, nhiều học sinh buộc phải thay đổi các phương pháp học tập để thích ứng. Với những học sinh có tinh thần tự giác, không học thêm ngoài giờ trở thành cơ hội giúp các em có thêm thời gian tự học, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Hải Nam, học sinh lớp 10A4, Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, sau giờ học ở trường, em phải đi học thêm và tiếp tục ôn bài ở nhà khiến việc học thêm gần như lấp đầy quỹ thời gian một ngày. "Giờ không phải vội vã với chuyện học thêm, thời gian tự học đã giúp em cải thiện kết quả học tập và bớt áp lực hơn", Hải Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh. Công nghệ ngày nay không chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ tra cứu thông tin mà còn đóng vai trò như một “trợ thủ” đắc lực giúp các em học sinh giải quyết các bài tập còn chưa hiểu và nâng cao kiến thức hiệu quả hơn.
Thay vì chỉ tìm kiếm đáp án một cách thụ động, các em có thể tận dụng các nền tảng trực tuyến như YouTube, TikTok hay các ứng dụng học tập để tiếp cận nhiều cách giải thích khác nhau. Em Anh Thơ (Trường THCS Phú La) cho biết: “Các nền tảng học tập trực tuyến đã giúp em tra cứu và giải đáp kiến thức một cách thuận tiện, đặc biệt là những vấn đề em còn chưa hiểu khi thầy cô giảng trên lớp”.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có tinh thần tự học cao. Đặc biệt với những học sinh bậc Tiểu học, tự học trở thành vấn đề nan giải đối với các bậc phụ huynh. Chị Đào Thị Thảo (32 tuổi, Hà Nội), hiện có con đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học Phú La không khỏi đau đầu với việc từ nay con sẽ phải tự học nhiều hơn và bố mẹ cũng phải cố gắng đồng hành cùng con trong việc học tập.
“Công việc của tôi thời gian không được ổn định, vợ chồng tôi không thể thường xuyên kèm con học. Trước tình hình hiện tại, gia đình tôi sẽ phải cố gắng sắp xếp thời gian linh hoạt để có thể quan tâm con nhiều hơn”, chị Thảo tâm sự.

Thay vì tìm các lớp học thêm hay thuê gia sư, anh Đình Dũng (quận Ba Đình, Hà Nội) luôn nhấn mạnh với con tầm quan trọng của việc tự học. “Việc này không chỉ giúp con có thể quản lý thời gian mà còn nâng cao hiệu quả học tập. Tôi tin rằng khi đó, con sẽ tự tin và linh hoạt hơn trong việc tiếp thu kiến thức mới”. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần có thêm những phương thức riêng để khuyến khích con phát huy khả năng tự học, tạo động lực để con không ngừng nỗ lực và đạt kết quả tốt hơn.
Trước những thay đổi này, nhiều giáo viên đã điều chỉnh phương pháp giảng dạy để hỗ trợ học sinh. Một số giáo viên đã tổ chức các buổi ôn tập, tăng cường hướng dẫn cách tự học hiệu quả, đồng thời trường học cũng khuyến khích học sinh tham gia vào các câu lạc bộ học tập để tạo môi trường hỗ trợ lẫn nhau.
Cô Bùi Thị Loan - giáo viên bộ môn Ngữ Văn tại Trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường hướng dẫn các em cách đọc hiểu văn bản, lập dàn ý, ghi chép hiệu quả và tìm kiếm tài liệu tham khảo đáng tin cậy. Bên cạnh đó, tôi cũng khuyến khích học sinh tham gia thảo luận nhóm để tự học một cách chủ động và sáng tạo hơn”.

Quy định mới về việc dạy thêm, học thêm đã tạo ra những thay đổi rõ rệt trong thói quen học tập của học sinh. Dù vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn nhất định song các em đang dần thích nghi với việc học mà không cần phụ thuộc vào các lớp học thêm. Để quá trình thích nghi trở nên dễ dàng hơn, sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh cũng như chính bản thân các em học sinh là yếu tố vô cùng quan trọng.