GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: "HÀNH TRÌNH TỪ TRÁI BÓNG ĐI LÊN"

(Sóng trẻ) - Vào 15h ngày 27/05, chương trình giao lưu trực tuyến “Hành trình từ trái bóng đi lên” đã được diễn ra và được livestream trên fanpage Sóng Trẻ với sự góp mặt của Biên tập viên Lê Đại Cán và Phóng viên ảnh Nguyễn Như Đạt.

Youtuber Lê Đại Cán (Cán Cris) từng là biên tập viên thể thao của Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện tại, Cán Cris là vlogger chuyên về mảng bóng đá phong trào. Anh cũng là cầu thủ phủi có tiếng tại Hà Nội. Bên cạnh đó, một vai trò mà ít ai biết tới về Cán Cris đó là quản lý của hai cầu thủ cầu thủ Hùng Dũng, Nhâm Dũng. 

Phóng viên Nguyễn Như Đạt hiện là phóng viên ảnh có tiếng tại Soha.vn và là người đã cùng các vận động viên “nếm mật, nằm gai” trong những ngày tháng diễn ra SEA Games 31. Hoạt động chuyên môn với tâm niệm “Với 1 phóng viên ảnh, niềm hạnh phúc lớn nhất là được có mặt ở những điểm nóng”, anh không ngại rong ruổi cùng đội tuyển quốc gia trên khắp các sân vận động để ghi lại từng nhịp đập của SEA Games 31.

Buổi giao lựu xoay quanh hành trình từ những chàng trai trẻ đam mê thể thao nói chung, bóng đá nói riêng đến những biên tập viên, phóng viên ảnh có tiếng. Họ đã làm gì để đạt được thành công như hiện tại? Hành trang để trở thành biên tập viên thể thao và theo đuổi công việc sáng tạo nội dung trong lĩnh vực này cần chuẩn bị những gì? Những thắc mắc sẽ được 2 khách mời chia sẻ và làm rõ trong toạ đàm lần này.

0e9b86eebde37dbd24f2.jpg
BBT Sóng Trẻ tặng hoa cho hai khách mời.

Nội dung giao lưu giữa độc giả của Sóng Trẻ và hai vị khách mời:

Cơ duyên nào đã đưa hai anh đến với công việc là một phóng viên, biên tập viên thể thao? (Trung Kiên - Hà Nội)

PV Như Đạt: Anh có thể nói rằng, tất cả bắt đầu từ niềm đam mê chụp ảnh và thích đá bóng. Từ hai yếu tố đó, anh bắt đầu theo đuổi mảng báo chí thể thao. Cảm giác được viết bài, được chụp lại những khoảnh khắc đẹp giúp anh cảm thấy mình như đang hòa nhịp cùng các cầu thủ trên sân. Đến giờ thì cảm giác ấy như ăn vào máu thịt của anh rồi.

BTV Đại Cán: Khi còn đang là sinh viên năm ba của Học viện Ngoại giao, anh là một cậu sinh viên rất đam mê bóng đá. Lúc đó anh tham gia đội bóng Trà Dilmah, trong đội bóng đó có anh Quốc Khánh là BTV Thể thao của VTV - Thần tượng của rất nhiều người trẻ. Chính anh Quốc Khánh là người đã đưa anh vào con đường trở thành một biên tập viên. Anh Quốc Khánh rất khắt khe với anh. Đó là người có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm báo của anh. Những gì anh học được rất quan trọng cho con đường sau này. Anh coi đó là cơ duyên, và khi nó đến anh đã may mắn đón nhận nó.

Anh có thể chia sẻ về biệt danh "Dị nhân sân phủi" của mình không? (Phương Linh - AJC)

BTV Đại Cán: Thường thì từ "dị nhân" hay dùng cho các cầu thủ mang lối đá hơi "kì hoa dị ảo". Mặc dù phong cách của anh không quá "quái" nhưng phải thú nhận cách đá của anh cũng khá màu mè, nổi bật hơn cả khi ở trên sân.

BTV Đại Cán đã từng có cơ hội đến Old Trafford - nhà hát của những giấc mơ, là sân nhà của Manchester United, được gặp đội bóng yêu thích; và vừa rồi anh đã đến sân Signal Iduna Park (Dortmund) ở Đức. Trong hai chuyến đi này, anh có trải nghiệm gì đáng nhớ? (Thu Thuỷ - Hà Nội)

BTV Đại Cán: Gần đây nhất anh có chuyến đi Đức thăm sân vận động Signal Iduna Park của câu lạc bộ Dortmund. Anh coi những chuyến đi như vậy là một sự may mắn. Đặc biệt, anh là một fan của Manchester United vậy nên cơ hội được đến Old Trafford như một giấc mơ. Nó rất khó để diễn tả. Sau đó anh đã được chơi bóng tại đây. Anh rất thích cảm giác được bước ra từ đường hầm, mình cảm nhận như mình những Ronaldo hay Rooney.

Trong những khoảnh khắc lịch sử ví dụ như khi đội nhà ghi bàn, cảm xúc của những thủ trên sân và trên khán đài như nổ tung, còn anh cảm thấy thế nào trong những khoảnh khắc đó? Chắc hẳn cách ăn mừng của những phóng viên như anh Đạt sẽ có điểm khác biệt chứ? (Quỳnh Trang - [email protected])

PV Như Đạt: Khi mà cầu thủ chạy ra sân ăn mừng thì anh luôn tự nhủ là: "ngồi yên, ngồi yên". Đó là bởi vì phóng viên ảnh thì ngồi sát sân, nếu mình ăn mừng quá khích thì sẽ ảnh hưởng đến công việc của mình và người khác. Có lần, sau khi mọi người ăn mừng, anh đã quay sang người đồng nghiệp bên cạnh và thấy mắt bạn ấy đỏ hoe. Anh mới hỏi: "Ơ khóc à?". Lúc đấy bạn đó mới bảo: "Em cũng không biết mình khóc từ lúc nào". Hay ví dụ như trong trận Việt Nam - Jordan tại VCK U23 Châu Á 2018, khi nhìn thấy cầu thủ đội mình ghi bàn thì anh rất sung sướng, nhưng vẫn phải tập trung vào máy ảnh.

Cả hai anh đều không xuất phát từ môi trường đào tạo về báo chí, vậy các anh bắt đầu với nghề báo từ đâu?
PV Như Đạt: Lúc đầu thì chụp ảnh chỉ là sở thích cá nhân của anh, anh chỉ chụp cho gia đình, bạn bè thôi. Sau một thời gian, anh thấy mình muốn làm một cái gì đó mới mẻ hơn, anh tự hỏi: "Tại sao mình không theo con đường thể thao". Anh nghĩ là nó không phải điều gì ghê gớm, chỉ là anh đã theo và thực sự thích nên anh quyết tâm gắn bó. 

BTV Đại Cán: Anh không được đào tạo bài bản về báo chí. Vì vậy, anh phải học từ những thứ cơ bản. Thành thật thì lúc đầu cũng thấy chán, vì trước khi được lao ra hiện trường làm các tin tức trong nước thì anh phải làm mảng quốc tế. Quan trọng nhất là anh có một người thầy rất nghiêm khắc. Anh đã từng trải qua một năm làm BTV quốc tế cùng BTV Minh Tân là BTV của chương trình Thể Thao 24/7 cũng được anh Quốc Khánh đào tạo. Hồi đó, mỗi ngày anh đều đến cơ quan để bê băng đi thu. Thời đó công nghệ số chưa phát triển như bây giờ, anh phải học từ dựng băng, ngồi xem hai đầu băng, làm mọi thứ đều rất thủ công, viết lời, đọc lời bình và thu. Anh bắt đầu từ mảng quốc tế trước vì công việc có phần đơn giản hơn thể thao trong nước. Anh thu bản tin từ đài ESPN rồi dùng đoạn băng đó nghe và dịch lại. Đó là anh của 10 năm trước. Sau đó anh mới được đi làm phóng viên bắt đầu với những môn thể thao như đấu kiếm, bắn súng, điền kinh rồi mới được đi làm về bóng đá.

 

z3447145035524_12a48a4cce0fdd534142640d59c0563f.jpg
Các khách mời cùng giao lưu trong chương trình

Khi mới bắt đầu làm một phóng viên ảnh, anh có gặp khó khăn gì về thiết bị không ạ?
PV Như Đạt: Thực ra hồi đầu anh cũng không có nhiều thiết bị, mà chỉ đầu tư vào những gì phù hợp với mình thôi. Về sau thì anh nghĩ rằng những thiết bị không được tối ưu hóa sẽ hạn chế khả năng của mình, chẳng hạn như khi cần chụp ở khoảng cách xa hơn, trong các điều kiện chụp khác nhau. Vì vậy, anh đã xác định đó là sự đầu tư cho công việc, bên cạnh đó cũng cần cả sự cho phép của vợ nữa.

Anh thuyết phục gia đình như thế nào để có thể đầu tư vào những trang thiết bị đắt tiền như vậy? (Thanh Bình - [email protected])

PV Như Đạt: Khi có gia đình rồi anh phải cân đối chi tiêu, chăm lo cho gia đình nhiều hơn, nên muốn mua gì cũng phải bàn với vợ. Anh thường thuyết phục vợ bằng khoản nhuận bút kiếm được và dần dần anh đã mua được từ máy ảnh Canon 6D đến 5D4, sau đó là X2, mình cứ mua dần dần. Lúc đầu anh hay đắn đo rằng có nên mua không, nhưng sau lại quyết tâm mua vì càng nghĩ về nó anh lại càng "nghiện", càng đam mê thì càng cố gắng kiếm tiền để mua được.

Em thấy anh có niềm đam mê, sự hiểu biết đặc biệt với bộ môn bóng đá, không biết khi làm BTV tại VTV anh phải tiếp cận, dịch tin về những bộ môn thể thao khác thì có khó khăn gì không?

BTV Đại Cán: Khó chứ. Nhưng anh quan niệm là mình phải trải nghiệm những cái mới thì lúc đó vốn sống và kinh nghiệm của mình sẽ tăng lên. Đó là một thông điệp anh muốn chia sẻ với các bạn trẻ. Biết đâu những trải nghiệm khác sẽ giúp mình có những cảm xúc mới thì sao.

Những bạn học quay phim chụp hình ở trường báo ít có cơ hội được đi thực chiến để có thể bắt được những khoảnh khắc đẹp. Vậy làm thế nào để biết được ảnh mình đã đạt chất lượng hay chưa?

PV Như Đạt: Anh thường xuyên đi chụp các giải ở cả trong nước và quốc tế, sau đó về và tiếp thu lời khen chê từ mọi người để từ đó anh biết mình cần thay đổi những gì. Anh cũng được cơ quan tạo điều kiện cho đi chụp nhiều, từ đó anh nắm bắt thêm những cơ hội, tự rút kinh nghiệm cho mình.

Với từ cách là một phóng viên đi trước, anh có thể chia sẻ cho các bạn trẻ phải làm sao để phát triển và làm nghề này lâu dài ạ?
PV Như Đạt: Đối với anh quan trọng nhất là chuyên môn, chứ không phải môi trường làm việc. Ví dụ như ở SEA Games có những môn thể thao rất ít nổi tiếng nhưng lại có thể sáng tạo ra những bức ảnh rất viral. Nếu các bạn kén chọn môi trường làm việc thì sẽ rất khó để có thể phát triển. Các em đừng ngại đi chụp ở những sự kiện nhỏ, hãy bắt đầu đi chụp từ những giải của các bạn trẻ hay bóng đá phong trào và từ đó tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân.

Anh Đạt có thể chia sẻ việc chụp ảnh thể thao khác những lĩnh vực khác như thế nào không? (Hoàng Anh - SĐT 0936*****22)
PV Như Đạt: Khác biệt đó là không thể dàn dựng, những khoảnh khắc đã trôi qua rồi thì không thể chụp lại được, nên mình cần hết sức tập trung.

Theo em thấy trong những sự kiện, các phóng viên ảnh thường cùng nhau chọn góc đẹp, nhưng lại có những người ngồi ở góc riêng mà ít người ngồi, vậy anh chọn góc máy như thế nào?
PV Như Đạt: Nếu trong những sự kiện mà cơ quan chỉ có mình anh đi thì anh vẫn sẽ ưu tiên chọn những vị trí đẹp, an toàn để đảm bảo số ảnh cần thiết. Còn nếu nhiều người đi cùng thì anh sẽ chọn những vị trí khác để có thể bắt được những khoảnh khắc đặc biệt nhưng hiếm hoi. Quan trọng nhất vẫn là đủ số ảnh, khi ra hiện trường cứ đủ trước rồi sáng tạo sau.

Khi anh Cán Cris chuyển từ công việc BTV sang công việc Youtuber thì có điểm gì khác biệt không ạ?

BTV Đại Cán: Anh quyết định rời VTV vì đối với anh 9 năm là đủ để trải nghiệm và lĩnh hội được những kinh nghiệm nên anh cần một cú bứt phá. Anh cũng đã từng bị kỷ luật, bị "phốt" nhưng anh rất cảm ơn những kỷ luật đó, vì nó đã cho anh những bài học không thể nào quên. Dù vẫn còn sự lưu luyến nhưng anh quyết định nghỉ để được làm những thứ mình thích, được tự do, vì làm cho đài quốc gia thì bị kiểm duyệt nội dung rất gắt gao. Trong năm 2015 anh cũng đã bị mang tiếng rất lớn rằng “BTV VTV24 gọi khán giả như hổ đói”. Lúc đó, anh đã bị các cổ động viên tràn vào mắng chửi, thận chí đe doạ. Nhưng nhờ những chuyện như vậy, anh đã cẩn thận hơn cho công việc làm Youtube của mình. Do từng làm việc một thời gian dài tại VTV nên anh có rất nhiều thuận lợi khi chuyển sang làm Youtube.

Về thuận lợi, khoảng thời gian từng làm việc tại VTV đã giúp anh có kinh nghiệm trong rất nhiều lĩnh vực, anh cũng nâng cao tiêu chuẩn cho những nội dung trên Youtube từ góc quay đến lời bình, tất cả phải như một sản phẩm truyền hình.

Còn về điểm bất lợi đó là vì mình quá kỹ tính nên những video mình đăng lên đôi khi không còn tính nóng hổi, gần gũi. Tiêu biểu như trận đấu từ thiện với các người nổi tếng như Jack, Độ Mixi… phải mất 10 ngày sau anh mới đăng lên được, biết như thế là chậm nhưng mình vẫn phải cẩn thận chứ không thể xuề xòa.

Đối với anh mỗi sản phẩm như một trang nhật ký để lưu giữ kỉ niệm và truyền tải thông điệp nhất định, dù không lên trending nhưng vẫn mang lại những giá trị đặc biệt cho người xem, cũng vì những điều đó mà anh luôn có một lượng người xem dù không nhiều nhưng họ luôn trung thành với những video của anh. Trong lĩnh vực báo chí anh thấy có rất nhiều người làm nội dung nhưng không nhiều người làm cẩn thận, các em cần hiểu là những giá trị mà các em tạo ra chính là thứ theo bọn em suốt đời nên không thể qua loa được, cứ trải nghiệm thật nhiều rồi các em sẽ hiểu những gì anh nói.

Một phóng viên ảnh phải đi nhiều nơi, có những chuyến khi về nhà mở file ảnh lên anh không hài lòng, thì cảm xúc của anh lúc đó như thế nào?

PV Như Đạt: Thường thì anh sẽ không bao giờ ưng hết cả, có thể lúc đầu mình cũng ưng ý nhưng sau khi xem ảnh của các đồng nghiệp khác anh lại thấy mình chụp không được đẹp bằng, mình nên tập trung, học hỏi nhiều hơn từ họ.

BTV Đại Cán: Bình thường sau mỗi sự kiện anh sẽ xem lại file video để ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa. Đối với anh, người quay phim rất quan trọng vì họ thường sẽ bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất. Cũng nhiều khi tiếc vì không quay được những thước phim đắt giá, nên anh lại phải lên Youtube để xin rồi ghi nguồn.

PV Như Đạt: Dù không nói ra nhưng anh rất hay ngầm so sánh sản phẩm của mình với các đồng nghiệp. Sau mỗi sự kiện, trên Facebook của anh thường ngập tràn ảnh, anh sẽ xem lại và đặt câu hỏi vì sao mình không chụp đẹp được như vậy để tự rút kinh nghiệm cho bản thân.

Anh có thể chia sẻ quy trình sản xuất nội dung Youtube của anh ạ?

BTV Đại Cán: Sau mỗi trận anh đi đá bóng về, quay phim sẽ gửi hình cho anh xem và anh lọc ra những tình huống mà anh nghĩ sẽ dùng được. Không chỉ là những bàn thắng highlight mà cả những tình huống vui nhộn, ý nghĩa trên sân. Sau đó anh lọc lại lần hai và tưởng tượng anh sẽ kể câu chuyện gì, có thể kể về những nhân vật trên sân rồi từ đó kể qua những pha bóng của họ, làm hiệu ứng để thành một câu chuyện. Chính những nhân vật đó đôi khi trở thành người nổi tiếng và được nhiều người biết đến sau video của anh. Đầu tiên, anh tưởng tượng ra câu chuyện, sau đó viết lời bình và thêm những câu nối bắt trend, rồi tiến hành thu âm, hậu kỳ. 20 vlog đầu anh tự làm hoàn toàn, sau đó anh thuê một bạn hậu kỳ riêng.

Tuy nhiên có những sản phẩm mà anh phải quyết định cảm xúc cho nó. Đó có thể là một phóng sự kể một câu chuyện buồn, hay vui. Anh phải làm sao để lấy được nước mắt và nụ cười của người xem. Ví dụ có nhiều loại cảm xúc buồn, anh phải chọn được nhạc nền hợp cảm xúc để tối ưu hóa cảm xúc mà mình muốn truyền tải. Tất cả điều đó anh đều rất kỹ, quan trọng nhất là anh phải đặt mình vào vị trí người xem để biết chỗ nào hay, chỗ nào dở mà có thể người ta sẽ tua. 

Tại kỳ SEA Games vừa qua, anh đã tham gia chụp rất nhiều bộ môn thể thao, vậy đâu là khoảnh khắc anh ấn tượng nhất? 

PV Như Đạt: Anh thường cố gắng ghi được càng nhiều khoảnh khắc càng tốt. Anh ấn tượng nhất là bộ môn đấu kiếm nữ trong trận chung kết. Sau khi các bạn ấy chiến thắng và cởi mũ ra hò hét, đó là một khoảnh khắc không thể lặp lại. Bộ môn thứ hai là chạy tiếp sức, đặc biệt nhất là thời điểm các vận động viên ăn mừng. Anh muốn thông qua những bức ảnh của mình, người xe sẽ quan tâm nhiều hơn tới các bộ môn khác, giúp khán giả hiểu về những cái hay, sự cố gắng của các vận động viên, từ đó muốn theo dõi các môn thể thao khác chứ không chỉ riêng bóng đá.

Hai anh có khi nào thấy ngộp với công việc của mình không? (Đinh Ngọc Huyền - AJC)

BTV Đại Cán: Có chứ em, nhiều khi anh phải làm đêm, không chỉ mệt mà còn làm mình bị cạn cảm hứng sáng tạo. Khi mới làm Youtube, anh phải đầu tư cho nhiều thứ mà tiền bạc lúc đó cũng chưa nhiều, để có được thành công anh đã phải đánh đổi nhiều.

Đối với anh Đạt, anh làm thế nào để cân bằng được công việc với cuộc sống? (Độc giả Thành Trung)

PV Như Đạt: Anh đã phải qua nhiều khó khăn, thường xuyên vắng nhà, ăn uống không đảm bảo đặc biệt là trong thời gian SEA Games, anh chỉ được ngủ có 3-4 tiếng mỗi ngày. Khi đi làm về anh phải xem rồi lọc lại ảnh, rất mất thời gian. Một trận bóng bình thường anh chụp tới 1500-3000 tấm, phải ngồi trước máy tính lâu rất mệt mỏi. Nhưng trên hết thì vẫn yêu nghề và rất cảm ơn công việc này. Để giữ sức khoẻ trong quá trình làm việc, anh và các đồng nghiệp tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi lúc ngồi trên xe di chuyển, và đặc biệt không được bỏ bữa.

Được biết mới đây anh Cán có đảm nhận vai trò là quản lý của cầu thủ Nhâm Mạnh Dũng - người đã đánh đầu ghi bàn giúp Việt Nam giành tấm HCV SEA Games môn bóng đá nam và cầu thủ Đỗ Hùng Dũng - đội trưởng U23 Việt Nam. Vậy anh có thể chia sẻ thêm về công việc này?

BTV Đại Cán: Mỗi một cầu thủ đều có một câu chuyện riêng. Để chia sẻ hết thì có lẽ chương trình phải kéo dài thêm hai tiếng nữa mới đủ. Anh đã đồng hành cùng hai cầu thủ đó từ rất lâu, cùng trải qua những thăng trầm. Công việc quản lý cầu thủ cũng có rất nhiều nhà báo thể thao tham gia, vì họ là những người có cơ hội tiếp cận các vận động viên, giúp họ xây dựng hình ảnh. Anh nghĩ người nào thức thời, hiểu biết về bóng đá, truyền thông đều có thể làm được nhưng không có nhiều người tâm huyết.

Anh nghĩ mình phù hợp với nghề quản lý vì anh có đủ những tố chất như: vốn đã là một cầu thủ đá bóng dù không phải chuyên nghiệp, giác quan cảm nhận con người, biết ai là người có thể phát triển, đi xa. Bên cạnh đó anh có đủ đạo đức, tâm huyết… để có thể đồng hành cùng họ trên những chặng đường tiếp theo trong sự nghiệp.

Trước khi kết thúc buổi giao lưu, anh có lời khuyên nào về nghề báo cho mọi người đang xem livestream, đặc biệt là sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền?

BTV Đại Cán: Có thể anh nói ra điều này sẽ hơi khó nghe đối với nhiều người nhưng đừng để áp lực phải làm báo làm kìm hãm những khả năng khác của các bạn. Không phải ai học báo chí cũng ra làm báo. Khi các bạn đã học 4 năm và được đào tạo bài bản, hãy cố gắng biến những kiến thức thành hành trang sau này cho mình. Trước tiên, hãy làm những việc nhỏ nhưng đúng với đam mê, đừng bắt đầu bằng sự áp lực như phải vào VTV. Nếu làm việc bằng đam mê, các em sẽ có được những thành quả xứng đáng. Ví dụ như con đường của anh từ một BTV đến một Youtuber, tất cả đều đúng với niềm yêu thích của anh. Mong rằng với những chia sẻ của anh, các em có thể lĩnh hội, chọn lọc, từ đó vận dụng vào công việc sau này. Chúc các em sẽ luôn thành công trên con đường mình đã, đang và sẽ chọn, không chỉ là với nghề báo.

PV Như Đạt: Các bạn nên kiên nhẫn, từ đó tìm ra cơ hội cho mình. Đừng từ bỏ khi chưa được làm những việc lớn, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ để nắm bắt những cơ hội lớn hơn.

Chương trình giao lưu trực tuyến "Hành trình đi lên từ trái bóng" kết thúc vào lúc 17h chiều ngày 27/05/2022

Trang tin điện tử Sóng trẻ xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi và tương tác với buổi giao lưu trực tuyến. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin điện tử Sóng trẻ. Mọi phản hồi xin gửi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected]

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN