Hà Nội: Chợ cóc, chợ tạm bủa vây đô thị
(Sóng trẻ) - Hà Nội hiện đang đối mặt với tình trạng chợ cóc, chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường, làm mất mỹ quan đô thị và gây cản trở giao thông trên nhiều tuyến phố. Thực trạng này không chỉ gây bức xúc trong cộng đồng mà còn làm xấu đi hình ảnh của một thành phố văn minh, hiện đại.
Nhu cầu lớn, giải pháp thiếu
Hàng ngày, tại ngõ 70 phố Nguyễn Hoàng dễ dàng bắt gặp các chợ cóc, chợ tạm mọc lên san sát. Đây là nơi tập trung chủ yếu của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán hàng hóa tươi sống và các nhu yếu phẩm. Người bán thường tranh thủ bày biện ngay dưới lòng đường hoặc tại các góc ngã tư đông đúc. Điều này không chỉ tạo ra cảnh tượng lộn xộn mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về an toàn giao thông khi người dân đột ngột dừng xe mua sắm.
Nhiều tiểu thương cho biết, họ chọn những địa điểm tạm bợ như vậy do chi phí thấp, lại tiếp cận được lượng khách đông đảo, nhanh chóng. Theo chị T.T.P (tiểu thương): “Ngõ 70 nối phố Dương Khuê và phố Nguyễn Hoàng, lại gần các trường đại học nên buôn bán ở đây rất tốt, lại không phải đóng phí kiot ở chợ”.
Không chỉ tại ngõ 70 phố Nguyễn Hoàng, tại đường Trần Quốc Vượng (đoạn rẽ từ Phạm Hùng) là khu vực có biển “Cấm họp chợ”. Tuy nhiên, ngay sau tấm biển, dọc 2 bên vỉa hè con đường, những sạp hàng nông sản, thực phẩm vẫn được bày bán nhộn nhịp.
Đáng chú ý, trong quá trình buôn bán, nhiều người bán hàng còn xả rác thải trực tiếp ra vỉa hè, gây mất vệ sinh nghiêm trọng. Sau mỗi buổi tan chợ, rác thải như rau củ, cành hoa, vỏ quả, túi nilon chất đống ngổn ngang trên đường. Đặc biệt, nước thải từ hàng cá, tôm, gia cầm bốc mùi hôi tanh cũng bị đổ ra hè phố, làm ô nhiễm không gian xung quanh.
Ảnh hưởng lâu dài đến cảnh quan và an toàn giao thông
Việc chợ cóc bủa vây các tuyến phố không chỉ gây cản trở lưu thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Những con đường sạch sẽ, thoáng đãng nay trở nên chật chội, bẩn thỉu bởi rác thải từ chợ cóc. Dù các lực lượng chức năng thường xuyên ra quân dẹp bỏ, nhưng chỉ vài hôm sau, các điểm buôn bán lại tiếp tục tái diễn. Điều này gây ra tình trạng "dẹp rồi lại tái", khiến công tác quản lý trở nên vô cùng khó khăn.
Thế nhưng với nhiều người, có một khu chợ ngay gần nhà lại là điều mang lại nhiều tiện ích, một “điểm cộng” cho khu vực. Bạn N.T.T.V (sinh viên) chia sẻ: “Mình thuê nhà gần đây chủ yếu vì thấy có chợ, muốn mua gì cũng rất tiện”.
Còn theo bà N.T.L (Cư dân sinh sống khu vực phố Nguyễn Hoàng), để “chợ cóc” hoạt động quanh quanh chợ chính là việc không nên. Gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và ảnh hưởng cả vệ sinh môi trường ở đây. Gia đình bà sống quanh đây cũng bị ảnh hưởng không nhỏ trong việc sinh hoạt, đi lại.
Bên cạnh đó, những chợ tạm bợ này còn tác động tiêu cực đến hình ảnh một Hà Nội văn minh, hiện đại. Khách du lịch khi đến đây sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng bừa bộn của các khu chợ cóc, ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ khi tham quan và khám phá thành phố. Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, các chợ tự phát còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giãn cách xã hội khó được thực hiện. Tình trạng trên đã tồn tại từ nhiều năm nay, gây mất mỹ quan, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường khu vực.